Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Lã Anh |
Sáng 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt
Theo báo cáo, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo. Năm 2014, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, quý I/2015, GDP tăng 6,03%, tăng cao nhất trong 5 năm qua; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng mạnh, đạt 8,35%.
“Kết quả trên cho thấy, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 là phù hợp. Chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát; nhiều chỉ tiêu KT-XH đạt tốt hơn so với số liệu đã báo cáo; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và nhấn mạnh thêm, các kết quả trên đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình phức tạp trên biển Đông.
Đánh giá cao những kết quả đạt được, tuy nhiên Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cũng đề nghị Chính phủ phải đánh giá lại toàn diện hơn chỉ số giá tiêu dùng trong năm nay khi các số liệu báo cáo giữa ước tính và thực tế chênh lệch quá lớn. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích cụ thể hơn hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi thấp. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước còn chậm, chất lượng và hiệu quả tái cơ cấu chưa cải thiện nhiều…
Bộ trưởng Đinh La Thăng và các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề hội trường sáng 20/5 - Ảnh: Lã Anh |
Tạo đồng thuận về chủ trương xây dựng CHK Quốc tế Long Thành
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 có vị trí đặc biệt quan trọng để nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, đánh giá đúng thực trạng tình hình KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm ngay, những việc cần tiếp tục hoàn thành trong năm 2015 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm. Ngoài việc xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng như thông qua 11 dự án luật và các dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 16 dự án luật khác; kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự; tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”; Đặc biệt, kỳ này Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị công phu của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm; cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị ĐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện dự án” và cho rằng, đây là dự án quan trọng đối với vùng trọng điểm phát triển phía Nam và cả nước, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, được đông đảo cử tri quan tâm. Vì vậy, trong quá trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành Hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đặc biệt là ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân về các lĩnh vực có liên quan đến dự án để thảo luận, đóng góp ý kiến. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải trình rõ những vấn đề còn có các ý kiến khác nhau, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn xã hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án này.
Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về tình hình biển Đông Trao đổi với PV bên hành lang, ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, khi thảo luận ở phiên trù bị, nhiều ĐBQH đã đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về tình hình biển Đông. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhất trí tiếp thu ý kiến này và đưa vào chương trình kỳ họp. Như vậy ,Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về tình hình biển Đông. Trước đó, trong bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội khóa XIII do Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày, ngoài băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nợ công tiếp tục tăng…, cử tri và nhân dân cả nước còn cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn hạn chế, việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của tòa án. Đặc biệt, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. |
Quốc hội họp kín, biểu quyết bãi nhiệm ĐBQH Châu Thị Thu Nga Theo chương trình chính thức Kỳ họp thứ 9, cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ dành một buổi họp riêng để xem xét việc bãi nhiệm nữ ĐBQH Châu Thị Thu Nga. Việc bỏ phiếu, thông qua Nghị quyết bãi nhiệm không tổ chức công khai. Cụ thể, cuối buổi làm việc chiều 17/6, Quốc hội sẽ bắt đầu nội dung họp riêng. Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Sau đó, các đoàn ĐBQH sẽ có thời gian ngắn họp để thảo luận về việc này. Chiều 18/6, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, nghe Trưởng Ban công tác đại biểu trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH với bà Châu Thị Thu Nga. Quốc hội thảo luận và bầu ban kiểm phiếu, tổ chức bỏ phiếu biểu quyết bãi nhiệm bà Nga. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố ngay sau đó. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận