TS. Phạm Thị Thu Hằng |
TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp đã trao đổi với PV Báo Giao thông.
Hội nghị T.Ư 5 đang họp cho ý kiến tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (DN) cho rằng, để phát triển khu vực KTTN trước hết phải có một môi trường thể chế kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp.
Tổng kết lại 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa 9 về phát triển KTTN, bà thấy có những điểm gì làm được, điểm gì chưa được?
Điểm lớn nhất chúng ta làm được là tạo điều kiện cho tất cả mọi người tự do kinh doanh, có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN phát triển. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều điểm chưa như kỳ vọng. Chúng ta có nhiều bộ luật nhưng lại gần như chưa có chế tài đủ mạnh đảm bảo quy định được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong khi đó, chúng ta phát triển được đội ngũ DN đông đảo và chủ yếu là DN nhỏ, nhỏ và vừa; còn DN vừa và lớn rất hạn chế. Cơ cấu DN cũng chưa hợp lý, với nhiều DN bất động sản, dịch vụ, bán lẻ... nhưng lại chưa có nhiều DN mạnh trong lĩnh vực chế biến, sản xuất có hàm lượng công nghệ cao. "Cấu trúc DN không bền vững và chưa tạo được giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, dẫn tới khó cạnh tranh, không tạo ra nhiều nguồn lực nhưng lại dễ thâm dụng vốn.
Bên cạnh đó là sự thiếu vắng những DN đầu đàn, dẫn dắt chuỗi kinh doanh. Hay vấn đề liên kết DN trong nước và các DN FDI. Hai khối DN này gần như tách biệt hoàn toàn nhau, không có sự liên kết nên không có chuỗi giá trị cũng như công nghiệp hỗ trợ mà chúng ta thường xuyên nhắc tới.
Trong quá trình tiếp xúc với các DN, bà thấy họ phản ánh, mong muốn gì nhất?
Các DN lo nhiều về vấn đề thị trường, trong đó có thị trường trong nước và nước ngoài. Nhưng bây giờ là thị trường toàn cầu rồi nên ngay cả trong nước các DN cũng phải cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đó là mối quan tâm hàng đầu. Muốn chiếm lĩnh được thị trường, DN phải khoẻ, có sản phẩm tốt, chi phí hợp lý, nếu không sẽ mất thị trường vào tay các DN ngoại hoặc bị thâu tóm. Nếu không kiểm soát được điều này thì mọi nỗ lực của các DN trở nên vô nghĩa. Nhưng để làm được những điều trên đòi hỏi phải có công nghệ, con người, điều kiện kinh doanh thuận lợi…
Vậy, cách nào để DN tư nhân có thể tích tụ? Làm thế nào để có các DN tư nhân lớn mạnh, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam?
Thực ra đây là vấn đề quy luật phát triển. Muốn có DN lớn phải có tích tụ về sản xuất, đủ lớn về vốn, nguồn lực… Điều này lại phải quay về yêu cầu của thị trường. Khi thể chế của thị trường tạo điều kiện, DN có cơ sở để phát triển thành DN có quy mô đủ lớn. Ở đây chỉ nói đủ lớn thôi vì lớn còn tùy từng ngành, có những ngành như dịch vụ 100 lao động đã là lớn, nhưng ngành sản xuất như may mặc 1.000 lao động vẫn là bình thường. Đây là câu chuyện nhu cầu của thị trường và cơ cấu sản xuất. DN muốn bứt lên thành DN lớn phải đi qua điểm hòa vốn nhưng các DN tư nhân Việt Nam chưa phát triển qua được giai đoạn đó. Vì vậy, cần nhiều chính sách mang tính đột phá.
Trong chính sách định hướng khu vực KTTN cũng cần trọng tâm, trọng điểm. Chẳng hạn như lĩnh vực chế biến thực phẩm tư nhân làm tốt như Vinamilk, TH Truemilk thì chỗ đó không cần Nhà nước tham gia nữa, cứ để tư nhân phát triển và tạo điều kiện cho họ.
Muốn giành được thị trường và khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân phải có vốn, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất lao động - Ảnh: Tạ Tôn |
Đã có nhiều đề xuất khác nhau, theo bà làm thế nào phát triển khu vực KTTN?
Để phát triển khu vực KTTN trước hết phải có một môi trường thể chế kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp. Đó là 3 đỉnh tam giác, thế chân kiềng của thể chế thúc đẩy KTTN.
An toàn như Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng đã nói là việc phải đảm bảo quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh của DN. Theo điều tra của VCCI, trong những năm qua, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc đảm bảo quyền lợi của DN đang là điểm mà các DN quan ngại hàng đầu. Làm sao để quyền tài sản, quyền hợp đồng của các DN được đảm bảo khi việc xét xử các vụ án, tranh chấp khá chậm trễ, nhiều khi không công bằng.
"Khi nhìn một DN đừng hỏi tư nhân hay Nhà nước. Câu chuyện là phải bình đẳng. Tôi lấy ví dụ, cách đây 10 năm khi Mỹ cứu Tập đoàn Genere Motor thì khi đó cũng có giả thuyết đặt ra là chúng ta có cứu một DN tư nhân đang giữ hàng chục nghìn việc làm như vậy không? Cần phải nhìn DN tư nhân có vai trò không khác gì DN Nhà nước về tạo công ăn việc làm, của cải cho xã hội, an sinh xã hội và như một động lực chính để phát triển kinh tế". TS. Phạm Thị Thu Hằng |
Sự an toàn còn liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, thể chế chính sách. Thời gian qua chúng ta đã khắc phục được nhiều nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ như sự quay lại của giấy phép con…
Về thuận lợi, cần tập trung vào cải cách hành chính và thể chế. Chúng ta đã có nhiều cải cách, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan nhưng mục tiêu phải trở thành 1 trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong ASEAN như Nghị quyết 19 đặt ra.
Về chi phí kinh doanh, lãi suất của chúng ta vẫn khá cao so với khu vực. Chi phí về BHXH cũng cao nhất trong ASEAN, các chi phí khác như: Logistics, chi phí chính thức, chi phí không chính thức… khiến hiệu quả DN không cao.
Trong suốt những năm qua, 60% doanh nghiệp ở Việt Nam kinh doanh không có lãi. Đấy là chỉ báo rất quan trọng về hiệu quả kinh doanh hay số DN phải ngừng hoạt động, giải thể. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân nhưng cũng do môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn dù trong thời gian gần đây đã có nhiều cải tiến.
Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp khá đồng bộ và toàn diện. Nếu thực hiện được những yêu cầu đó sẽ rất tốt cho DN phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế, dù có độ trễ nhưng nhiều bộ, ngành địa phương chưa vào cuộc một cách mạnh mẽ.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận