Thị trường

Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng kỷ lục 10 năm, cảnh báo các “cơn gió ngược”

21/12/2022, 09:24

Kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng GDP kỷ lục kể từ 2007, trong khi lạm phát được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều “cơn gió ngược”.

Những con số ấn tượng

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán cho thấy kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 8% năm 2022. Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra, dưới 4%. Xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4% với cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt dự toán hơn 19% và vượt so với cùng kỳ năm 2021 hơn 18%. Số thu này trong bối cảnh thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trị giá khoảng 233 nghìn tỷ đồng là thắng lợi to lớn.

img

Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra, dưới 4%

Nhận định kinh tế năm 2022, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng: Kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

“Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những cơn gió ngược đã xuất hiện là điều được các chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cảnh báo. Đó là nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam, việc thắt chặt tiền tệ, những bất thường trên thị trường trái phiếu...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận rằng năm 2023 đang có những diễn biến bất lợi xuất hiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, với độ mở của nền kinh tế lớn khoảng 200% GDP, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường bất động sản.

Từ nửa đầu Quý IV/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất.

Trong khi đó, động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...

Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.

Khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Tháo các điểm nghẽn để tăng trưởng bền vững

Ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: Đánh giá chung của các tổ chức là năm 2023, các “cơn gió nghịch” bên ngoài sẽ rung lắc nền kinh tế Việt Nam. Năm 2023 chúng ta sẽ thấy các điểm yếu về cơ cấu của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ ràng hơn do sự rung lắc từ các cơn gió nghịch.

Ngoài ra, việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đang là vấn đề khi tình trạng có tiền không tiêu được chưa chấm dứt. Đầu tư công tồn đọng lượng tiến lớn trong khi hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu đang cố gắng vật lộn để có vốn đáp ứng nhu cầu phát triển.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo lắng về thị trường lao động. Covid-19 đã bộc lộ điểm yếu của thị trường lao động Việt Nam. “Cơn gió ngược” năm tới sẽ bộc lộ thêm điểm yếu về cơ cấu thị trường lao động, chưa kể tốc độ già hóa dân số đang rất nhanh. Điều này phải được giải quyết khi “động lực tăng trưởng tốt nhất cho kinh tế Việt Nam là con người”.

img

Lao động là một trong 4 điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Cũng nhấn mạnh đến vấn đề công nghệ, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định: Việt Nam thu hút FDI với mong muốn nhận được chuyển giao công nghệ. Nhưng chúng ta phải xác định công nghệ là phải mất tiền mua. Thực tế, khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đã mua công nghệ rất nhiều.

Chuyên gia ADB cũng lưu ý Việt Nam phải quan tâm đến thị trường nội địa. Với nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, việc chuyển đổi dần sang thị trường nội địa để dẫn dắt tăng trưởng là rất quan trọng. Quốc gia 100 triệu dân, có mức thu nhập trung bình, thì vấn đề thị trường nội địa ngày càng quan trọng, định hướng cho toàn bộ lĩnh vực khác của Việt Nam.

Sâu xa hơn, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra 4 điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam lâu nay là thể chế, vốn, lao động, công nghệ… Đây là các động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu và quan trọng nhất, nên cần luôn luôn đổi mới các động lực này và phát huy được vai trò của nó.

Trong đó, điều đầu tiên ông Tuấn muốn nhấn mạnh đó là thể chế và điểm nghẽn về năng lực thực thi. Hàng năm có nhiều Nghị quyết, chính sách nhưng năng lực đưa vào cuộc sống lại còn rất nhiều hạn chế.

Giải pháp đầu tiên được ông Bùi Quang Tuấn đề cập là hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách về vốn, lao động, đặc biệt về công nghệ.

Trong đó, cố gắng có thể chế đột phá, đặc thù để tập trung huy động cho các động lực tăng trưởng mới, giúp cho tăng trưởng ở mức 2 con số. “Ví dụ chúng ta nói đến chuyển đổi số phải có thể chế cho chuyển đổi số, nói tăng trưởng xanh phải có thể chế cho chuyển đổi xanh”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể vừa tăng quy mô, chất lượng, vừa tăng năng lực công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là điều cần thực hiện.

“Tôi rất mong muốn sau này có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào được gần hết chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tuấn nói và khẳng định cần nâng cao kỹ năng lao động, chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.