Nhiều ngày qua, người dân vùng giáp ranh ở tỉnh Gia Lai đến địa phận tỉnh Kon Tum để khai thác vụ mùa và canh tác đất đai gặp khó bởi công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh này.
Bến đò ở xã Ia Khai nơi người dân tập kết thuyền đi sang tỉnh Kon Tum canh tác.
Cấm thuyền qua sông, lúa chín rục đồng không đi gặt được
Theo thống kê của huyện Ia Grai, diện tích người dân trên địa bàn huyện đang canh tác trên đất của huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum gần 600ha (trong đó có 432 ha điều, 70 ha mì, hơn 79 ha lúa…).
Đang vào giai đoạn nước rút chăm sóc cây trồng và thu hoạch nông sản nhưng nhiều tháng nay hàng trăm hộ dân ở xã 2 Ia Khái và Ia Krái (huyện Ia Grai) không thể đến địa phận tỉnh Kon Tum để thu hoạch và chăm sóc nương vườn.
Ông Ksor Hlêu (làng Yom, xã Ia Khai) đứng ngồi không yên, 1 ha lúa của ông đã chín rộ nhưng hàng ngày vẫn chỉ biết ở nhà... chờ.
"Bình thường đi làm bằng đường sông chỉ cách 1km là đến rẫy. Nay xã Ia Tơi cấm phương tiện đường sông hoạt động, họ yêu cầu phải đi bằng đường bộ qua chốt kiểm soát dịch ở đoạn cầu Sê San, quốc lộ 14C. Đi theo đường bộ phải đi vòng rất xa. Theo quy định phải thực hiện cách ly nữa… vì thế, chúng tôi đành ngồi ở nhà thấp thỏm", ông Hlêu chia sẻ.
Cũng theo nhiều người dân trú tại xã Ia Khai, nhiều tháng nay không đi rẫy, không làm cỏ, không chăm sóc được cây trồng hoặc đến để canh tác theo vụ mùa tại huyện Ia H'drai (Kon Tum). Họ cho rằng các quy định của tỉnh Kon Tum trong phòng chống dịch "không linh động" vô tình "hại" nông dân.
Xác định mất mùa
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND xã Ia Khai (Ia Grai) cho biết, diện tích đất của riêng người dân trong xã trên 500 ha. Mùa này, lúa chín nhưng người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi thu hoạch. Ngoài ra, ruộng rẫy cỏ tốt um tùm nhưng không thể chăm sóc nên năm nay xác định dân mất mùa.
Cũng theo bà Lương nguồn gốc đất đai trước đây là vấn đề lịch sử khi chia tách tỉnh. Người dân đồng bào thiểu số trước đây có ruộng rẫy nằm ở tỉnh Kon Tum. Bình thường hàng ngày có tới hàng trăm người dân chèo thuyền qua sông Sê San, để đến phần đất tỉnh Kon Tum canh tác. Tuy nhiên, với cách phòng chống dịch của tỉnh Kon Tum hiện nay, người dân khó đi rẫy.
"Xã Ia Khai là xã vùng xanh, không có ca dương tính Covid-19. Công dân của xã Ia Khai muốn đi qua sông canh tác đều được xã xác nhận đầy đủ thông tin và đảm bảo các quy định về phòng dịch. Thế nhưng chính quyền xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai) kiểm soát hết sức khắt khe không linh động với thực tế. Từ tháng 10/2021, xã Ia Tơi còn yêu cầu người dân Ia Khai muốn sang canh tác phải đi qua chốt kiểm soát quốc lộ 14C và cách ly 14 ngày theo quy định mới được.
Vị này cho rằng, việc kiểm soát như vậy là cứng nhắc, không hợp lý, gây khó cho nông dân. Nếu đi bằng đường bộ qua chốt quốc lộ 14C, tính từ xã đến chốt đã mất 60km và từ đó đi vào rẫy, bà con phải đi thêm khoảng 60km nữa… và phải thực hiện cách ly. Yêu cầu như vậy thì người dân khó mà chấp hành được.
Ông Đỗ Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, huyện đã nhận được văn bản kiến nghị của xã Ia Khai đề nghị huyện có giải pháp giúp nông dân đi lại canh tác, thu hoạch nông sản trên địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.
Ngày 16/11, UBND huyện cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đề nghị tạo điều kiện cho người dân thông thương, lao động sản xuất theo lối truyền thống qua sông.
Chống dịch cực đoan?
Liên quan đến việc trên, sau nhiều lần liên hệ, sáng ngày 18/11, trao đổi với Báo Giao thông qua điện thoại, bà Nguyễn Mai Lương - Chủ tịch UBND xã Ia Khai cho biết, hiện tại tỉnh Kon Tum đã đồng ý "bằng miệng" để dân sang sông đến khu vực canh tác thu hoạch lúa.
"Tuy nhiên, cán bộ phòng chống dịch ở tỉnh Kon Tum yêu cầu có giấy xác nhận trú tại địa phương, xác nhận đã được tiêm chủng mới cho vào địa bàn để khai thác và chăm sóc nương rẫy", bà Lương nói.
Đường không thể đi, có nên hỗ trợ bà con thu hoạch nông sản?
Liên quan đến việc trên, một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết sẽ có văn bản đề nghị tỉnh Kon Tum hỗ trợ giúp đỡ người dân trong vụ mùa.
"Tỉnh Gia Lai sẽ liên hệ với các đơn vị quân đội đến địa bàn hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản", vị này nói.
Cũng theo cán bộ này, hiện nay, đa phần diện tích đất canh tác của đồng bảo thiểu số Gia Lai nằm ở địa bàn tỉnh Kon Tum, lâu nay không gặp trở ngại gì.
Khi đại dịch Covid-19 bùng lên, việc kiểm soát người dân đi lại giữa 2 tỉnh bắt đầu xảy ra nhiều vấn đề. Nhất là ở vùng giáp ranh ở 2 địa phương.
Trước đó, PV Báo Giao thông phản ánh khi khai báo từ vùng cấp độ dịch 2 sang tỉnh Kon Tum thì bị bắt "quay đầu" tại trạm kiểm soát dịch bệnh tại trạm Sao Mai trên đường Hồ Chí Minh (giáp giới Gia Lai - Kon Tum).
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Gia Lai thì đây là khu vực được đánh giá cấp độ 2 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 21/10/2021 của Bộ Y tế về Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế...
Tuy nhiên, nhân viên y tế tỉnh Kon Tum tại trạm kiểm soát Sao Mai trưng ra văn bản nói rằng tỉnh Kon Tum yêu cầu người dân từ P. Yên Thế (Pleiku) phải cách ly tại nhà. Nếu không có nhà ở Kon Tum thì phải quay trở lại Gia Lai.
Như vậy, không chỉ có bà con đi làm ruộng gặp khó mà người dân đi lại giao thương giữa hai tỉnh cũng không thể thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ mà phải tuân theo quy định của địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận