Lật tẩy hàng loạt vi phạm của nhà xe Thành Bưởi
Bài 1: Sau tai nạn vẫn hoạt động trái phép nhộn nhịp
Bài 2: Từ chạy xe dù đến né thuế làm thất thu ngân sách
Bài 3: Năm đời phó chủ tịch TP.HCM chưa dẹp được bến xe lậu Thành Bưởi
Bài 4: Kỳ lạ bến xe khách Thành Bưởi giữa nội đô Đà Lạt
Sau nhiều ngày ghi nhận thực tế tại bến xe số 5 Lữ Gia của Công ty TNHH Thành Bưởi ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, PV ghi nhận cảnh đón trả khách ở đây diễn ra tấp nập. Hàng chục lượt xe của Thành Bưởi từ TP.HCM chở khách lên Đà Lạt và ngược lại mỗi ngày.
Để hiểu rõ hơn tính pháp lý của bến xe ở trung tâm nội đô Đà Lạt này, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng. Tuy vậy, đơn vị này trả lời "lãnh đạo bận họp" và tiếp nhận nội dung, trả lời bằng văn bản.
Trong văn bản trả lời, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Đà Lạt có 2 bến xe được phép hoạt động liên tỉnh là bến xe liên tỉnh Đà Lạt (do Công ty Phương Trang quản lý, khai thác) và bến xe số 5 Lữ Gia (do Công ty TNHH Thành Bưởi quản ký, khai thác).
Tại TP Đà Lạt, Công ty TNHH Thành Bưởi có Chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi ở địa chỉ số 6 Lữ Gia (phường 9, TP Đà Lạt).
Chi nhánh này được Sở GTVT Lâm Đồng cấp giấy phép kinh doanh với các ngành nghề: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch; Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container.
Công ty TNHH Thành Bưởi được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương và được Sở GTVT kiểm tra công bố cho phép hoạt động khai thác bến xe số 5 Lữ Gia (phường 9, TP Đà Lạt) từ năm 2006.
Sở GTVT cũng cung cấp cho phóng viên Quyết định số 723/QĐ-SGTVT ngày 1/11/2022 về "công bố đưa bến xe vào khai thác" do ông Nguyễn Văn Gia, Phó giám đốc Sở GTVT (nay là giám đốc) tỉnh Lâm Đồng ký.
Quyết định này có nội dung: Công bố đưa bến xe khách số 5 Lữ Gia, phường 9, TP Đà Lạt vào khai thác; Công ty TNHH Thành Bưởi là đơn vị trực tiếp quản lý. Tổng diện tích là 3.646,22m2, trong đó diện tích bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách là 620m2; Diện tích bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác là 410m2; Diện tích phòng chờ cho hành khách là 322,36m2. Bến xe này đạt quy chuẩn bến xe loại 4.
Đáng chú ý, văn bản ghi rõ: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2023. Như vậy, đến nay quyết định đã hết hiệu lực hơn 3 tháng, tuy nhiên Công ty TNHH Thành Bưởi vẫn sử dụng bến xe khách này để đưa đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày từ TP.HCM lên và ngược lại.
Gộp 2 mảnh đất để đủ tiêu chuẩn lập bến xe
Theo tìm hiểu, năm 2006, Sở GTVT Lâm Đồng đã ra Văn bản số 966/QĐ-SGTVT về việc "Đưa bến xe Thành Bưởi vào khai thác" với quy mô bến xe loại 5 theo Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT song không nêu rõ diện tích hiện có của bến xe Thành Bưởi.
Nhưng tại Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT đã chỉ rõ, diện tích tối thiểu của bến xe loại 4 là 3.000m2, loại 5 là 2.000m2 và loại 6 là 500m2.
Tuy nhiên, theo Văn bản số 16/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng thì từ khi đưa vào sử dụng, bến xe số 5 Lữ Gia của doanh ngiệp Thành Bưởi chỉ có diện tích 500m2 (đủ tiêu chuẩn bến xe loại 6).
Còn theo Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010, diện tích tối thiểu của bến xe loại 4 là 2.500m2, bến xe loại 5 là 1.500m2 và loại 6 là 500m2.
Bến xe Thành Bưởi sau đó được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng nâng lên thành bến xe loại 4. Tuy nhiên, diện tích của bến xe trên được tính bởi việc cộng dồn diện tích của 2 thửa riêng biệt, cách nhau khoảng 200m.
Lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay, cách đây nhiều năm, Cục đã có báo cáo Bộ GTVT về điều kiện, tiêu chuẩn bến xe này. Việc nhà xe Thành Bưởi thuê sử dụng vị trí khác cách xa nhau rồi cộng dồn lại để xin lên bến xe loại 4 là không đúng quy định.
"Nhiều năm nay, Cục Đường bộ VN không trực tiếp quản lý bến xe mà từ khâu cấp phép, công bố bến xe đến quản lý tuyến ra vào bến đều thuộc thẩm quyền của các sở GTVT. Đối với quy hoạch bến xe hiện đã bỏ khỏi quy hoạch ngành và đã được đưa vào quy hoạch tỉnh nên việc quy hoạch và công bố quy hoạch bến xe do địa phương thực hiện", lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay.
Theo văn bản trả lời Báo Giao thông do ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ký có nêu rõ: Trước đây, khu vực phía đông bắc TP Đà Lạt (phường 9) chưa phát triển. Vì vậy, việc bố trí bến xe số 5 Lữ Gia cơ bản phù hợp.
Tuy nhiên, hiện nay tốc độ phát triển nhanh, dân cư đông đúc nên đã xảy ra ùn tắc giao thông tại nút giao Phan Chu Trinh - Lữ Gia - Trần Quý Cáp nên tỉnh UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty TNHH Thành Bưởi ngưng hoạt động bến xe này (hoạt động đến 30/6/2023).
Trước đây, Sở GTVT Lâm Đồng có cấp phù hiệu cho Công ty Thành Bưởi gồm 15 xe tải, 12 xe trung chuyển và 9 xe tuyến cố định. Trong 9 xe này có 4 xe hoạt động tuyến Bến xe Lữ Gia - Bến xe Cần Thơ và 5 xe hoạt động tuyến Bến xe Lữ Gia - Bến xe Miền Đông.
Từ tháng 12/2022, Công ty đã ngưng hoạt động và trả lại phù hiệu 5 xe tuyến cố định từ Bến xe Miền Đông đến Bến xe Lữ Gia.
Từ 30/6 cũng ngưng 4 xe hoạt động tuyến Bến xe Lữ Gia - Bến xe Cần Thơ do Bến xe Lữ Gia được phép hoạt động tới ngày 30/6/2023. Sở GTVT Lâm Đồng không cấp phù hiệu xe hợp đồng cho Công ty TNHH Thành Bưởi.
"Theo quy định hiện hành tất các đơn vị kinh doanh vận tải khách đều được đăng ký khai thác tuyến cố định tại các bến xe đã được công bố. Do vậy, không có việc cơ quan quản lý làm ngơ cho xe khách Thành Bưởi tổ chức đón trả khách trong nội đô", văn bản do ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng ký gửi Báo Giao thông khẳng định.
Không đăng ký tuyến vẫn chở khách tuyến cố định hằng ngày
Cả tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM đều khẳng định không cấp cho Công ty Thành Bưởi phù hiệu xe tuyến cố định trên hành trình giữa hai địa phương này. Thế nhưng, mỗi ngày vẫn có hàng chục chuyến xe Thành Bưởi chở hàng nghìn lượt khách di chuyển giữa hai tỉnh thành.
Cũng theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, bến xe số 5 Lữ Gia được cấp phép để hoạt động xe khách liên tỉnh. Nhưng hiện nay bến xe này chủ yếu phục vụ cho các xe Thành Bưởi ra vào đón trả khách, trong khi công ty này không có tuyến cố định nào được cấp mà chủ yếu là xe hợp đồng. Điều này cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý của địa phương này.
Ngày 3/10, ghi nhận tại bến xe Thành Bưởi số 6 Lữ Gia, hoạt động kinh doanh vận tải diễn ra nhộn nhịp. Xe giường nằm, xe trung chuyển 16 chỗ, xe tải chở hàng (đều gắn logo Thành Bưởi) tấp nập ra vào đón, trả khách, trả hàng.
Cách bến xe này chừng 200m, một bãi xe khác của Thành Bưởi, nằm bên đường Nguyễn Du có nhiều xe đậu xếp hàng chật ních trong khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông.
Từ bãi xe, các xe đến giờ xuất bến đều qua bến xe Thành Bưởi để đón khách. Ngược lại, những xe sau khi trả khách tại bến sẽ chạy về bãi xe này nằm chờ.
Khoảng 18h55 tối 3/10, trong vai hành khách, PV liên hệ phòng vé phía trong bến xe để mua vé đi TP Bảo Lộc.
Tại phòng vé, nữ nhân viên báo giá vé 100.000 đồng, sau đó hỏi thông tin cá nhân như: Họ tên, năm sinh, số điện thoại rồi đưa cho một tờ giấy xác nhận cùng tiền dư và hướng dẫn ra phía trước để lên xe.
PV được xếp lên chiếc xe BKS 51B-294.82, phía trước dán phù hiệu "xe ô tô vận chuyển khách du lịch" theo số ghế ghi trong phiếu. Đúng 19h nhân viên xếp khách, chất hành lý xong và chiếc xe rời bến.
Đến khoảng 21h20, chiếc xe đến Trạm dừng nghỉ Thành Bưởi (TP Bảo Lộc), ngoài PV có thêm vài hành khách nữa xuống xe. Lúc này, nam nhân viên cầm theo tờ giấy hỏi khách về đâu để sắp xếp xe trung chuyển đưa về tận nơi, còn chiếc xe giường nằm đón thêm vài khách ở Trạm dừng Bảo Lộc rồi tiếp tục hành trình đi TP.HCM.
Tiếp đó, trưa 4/10, PV đến Trạm dừng Thành Bưởi Bảo Lộc để đặt vé đi TP Đà Lạt, cũng theo phương thức tương tự, PV mua vé với giá 100.000 đồng, nhân viên hỏi thông tin cá nhân, sau đó đưa cho tờ vé và hẹn 15 phút nữa xe đến đón.
Ghi nhận tại đây cũng không khác gì một bến xe, hành khách đi TP.HCM được xe trung chuyển gom về ngồi đợi sẵn, hai chiếc xe giường nằm BKS 51B-502.05, 51B-295.99 từ TP Đà Lạt xuống chạy thẳng vào vị trí nhà chờ, đón khách lên xe.
Ngược lại, xe BKS 51B-289.74 từ TP.HCM chạy lên, ghé vào trạm đón PV về TP Đà Lạt. Ngồi trên xe hơn 3 giờ đồng hồ, chiếc xe dừng tại bến xe số 6 Lữ Gia, nhân viên thông báo cho hành khách xuống xe.
Lúc này, PV liên hệ phòng vé, với lý do lấy hóa đơn thanh toán với cơ quan và được nhân viên lấy thông tin, xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Trước đó ngày 1/10, chúng tôi cũng mua vé đi hành trình từ bến xe Lữ Gia về TP.HCM. Lên xe lúc 22h30 tại Đà Lạt, khoảng 5h sáng nhà xe Thành Bưởi trả chúng tôi tại một điểm đón trả khách của nhà xe này trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.
Quá trình di chuyển, chúng tôi chỉ gọi điện đặt chỗ, nhận phiếu thông tin, trả tiền, không hề có chuyện hợp đồng với Thành Bưởi cho hành trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận