Đối với các công trình BOT, giá trị quyết toán là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án (Trong ảnh: Trạm thu phi Toàn Mỹ trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Ngọc Hùng |
Đây là khâu cuối cùng, cũng là phần việc phức tạp, nhiều vướng mắc nhất của các dự án đầu tư xây dựng giao thông.
Chẳng thế, nhiều năm qua hàng loạt dự án, công trình, không chỉ giao thông mà các lĩnh vực khác cả chục năm sau khi hoàn thành vẫn chưa quyết toán xong. Hồ sơ liên quan đến dự án “chất cao như núi” tại văn phòng các chủ đầu tư, ban QLDA vì chưa quyết toán xong, chưa thể thanh lý, hủy tài liệu liên quan đến công trình.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng chủ yếu do các công trình, dự án giao thông thường có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, thi công kéo dài trong nhiều năm nên có quá nhiều hồ sơ, giấy tờ, cơ chế, chính sách, thủ tục thanh toán phức tạp và nhiều thay đổi. Phần nữa do khi các công trình đã hoàn thành, các chủ thể liên quan có phần tâm lý lơ là, chủ quan, ngại tháo gỡ vướng mắc.
Tuy nhiên, thực tế trên lại có phần không đúng trong những năm gần đây, sau khi hàng chục dự án BOT trên tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và các tuyến quốc lộ khác hoàn thành nâng cấp cải tạo. Hầu hết các dự án này chỉ mới hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2015, đầu năm 2016, tính đến nay chỉ khoảng hơn 1 năm nhưng đều chuẩn bị hoàn thành quyết toán. Cho đến nay, các nhà đầu tư đã lập và trình quyết toán hầu hết các dự án BOT. Và theo đúng tiến độ, đến cuối tháng 6 năm nay, toàn bộ 54 dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ hoàn thành quyết toán.
Đây là con số khiến nhiều người ngỡ ngàng. Lãnh đạo Vụ PPP của Bộ GTVT từng chia sẻ, khi trao đổi công việc với các cơ quan của Bộ Tài chính, thanh tra, kiểm toán... không ít người bày tỏ hoài nghi về kết quả trên vì cho rằng, với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, trong một thời gian ngắn khó có thể hoàn thành. Hơn nữa, quyết toán các dự án ngân sách đã khó, dự án BOT còn phức tạp hơn nhiều vì liên quan đến nhiều chủ thể, trong đó có đồng tiền, bát gạo của các nhà đầu tư.
Nhưng ít người biết, để có kết quả trên, ngành GTVT đã dồn sức, dồn lực như thế nào trong công tác quyết toán. Chưa khi nào công tác này được lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa quan tâm chỉ đạo quyết liệt như thời gian vừa qua. Dù nhận thức đây là việc khó, nhưng không vì thế mà được phép lơ là, đùn đẩy. Cùng đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ chuyên môn có nghiệp vụ, kinh nghiệm được huy động trong một thời gian dài chỉ làm duy nhất một nhiệm vụ là thực hiện đối chiếu hồ sơ, sổ sách và các thủ tục quyết toán. Quan trọng hơn, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các chủ thể tập trung tối đa thực hiện quyết toán, nếu dự án nào chậm sẽ kiên quyết dừng thu phí. Kết quả quyết toán cuối cùng là cơ sở để tính toán phương án và thời gian thu phí, đồng thời để minh bạch hóa doanh thu của các dự án BOT. Tới đây, khi đồng loạt 54 dự án BOT hoàn thành quyết toán, chắc chắn sẽ là một kỷ lục chưa có tiền lệ trong ngành GTVT từ trước đến nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận