Chính trị

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên quyết, đột phá

12/10/2024, 06:30

PGS Nguyễn Viết Thảo cho rằng, để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức giúp dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những thành công thì sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên quyết, đột phá.

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giáo sư (PGS) Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ở thời điểm này là rất logic, khách quan, là kết quả tất yếu của những bước đi thành công trước đây. Nhìn nhận như vậy để thấy rằng, một kỷ nguyên mới đã thật sự mở ra cho dân tộc chúng ta.

Kỷ nguyên mới đã thật sự mở ra cho dân tộc

Vừa qua Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra thông điệp chính thức về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Vậy nội hàm của kỷ nguyên vươn mình là gì, thưa ông?

Thời gian qua, trong nhiều bài viết, bài phát biểu tại các hội nghị, diễn đàn trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh khái niệm "khởi điểm mới", "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". 

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên quyết, đột phá- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.

Thông điệp này cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Chúng ta có thể hiểu một số nội dung rất cơ bản của khái niệm này.

Kỷ nguyên vươn mình đánh dấu thời kỳ phát triển mới của mỗi quốc gia dân tộc, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại. Đặc biệt phải phù hợp với quá trình phát triển của quốc gia dân tộc đó, tạo thành những dấu mốc rất rõ rệt, điển hình.

Đối với Việt Nam, từ khi có Đảng lãnh đạo năm 1930 đến nay, chúng ta thấy rất rõ sự xuất hiện của các kỷ nguyên.

Sau 15 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, đến năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, bắt đầu một trang sử mới của đất nước, trang sử mà nhân dân lao động đứng lên làm chủ vận mệnh của mình dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa chống thực dân đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đến năm 1975, chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kỷ nguyên tiếp theo là cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bắt đầu từ năm 1986, chúng ta tiến hành đổi mới. Đổi mới tư duy nhận thức về chủ nghĩa xã hội và đổi mới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau 10 năm đổi mới, đến năm 1996, nước ta cơ bản đã khắc phục được cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ mới của sự phát triển - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Và đến năm 2010 thì chúng ta đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển để đứng vào danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

Như vậy, kể từ năm 2010, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên tạo tiền đề cho sự phát triển của Việt Nam trong thế giới mới, trong thời đại mới.

Sau những cột mốc ấy cho đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cơ đồ, vị thế, uy tín, sức mạnh đất nước chưa bao giờ có được như bây giờ. Chính những thành công trong kỷ nguyên tạo tiền đề này cho phép chúng ta bắt đầu nói đến một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tôi cho rằng, kỷ nguyên vươn mình này nó rất logic, khách quan, là kết quả tất yếu của những bước đi thành công trước đây. 

Nhìn nhận như vậy để thấy rằng, một kỷ nguyên mới đã thật sự mở ra cho dân tộc chúng ta - kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, phấn đấu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thưa thế kỷ 21.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên quyết, đột phá- Ảnh 2.

PGS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh công cuộc đổi mới để phát triển

Vậy, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đặt trong bối cảnh thế giới có gì khác so với những kỷ nguyên trước đây và chúng ta đứng trước những cơ hội, thách thức gì, thưa ông?

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, tức là những chuyển động tầm cỡ thời đại, tác động trong dài hạn đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Thứ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra một thời đại kinh tế mới - kinh tế số. Khi kinh tế bước vào thời đại mới thì tất cả các lĩnh vực từ xã hội, văn hóa, an ninh chính trị đều phải có những chuyển động sâu sắc. Cuộc cách mạng công nghiệp chắc chắn sẽ tạo ra những vận động mang bước ngoặt của lịch sử toàn thế giới.

Chuyển động mang tính thời đại thứ hai, đó là toàn cầu hóa. Nó đã diễn ra trong những thập kỷ trước kia nhưng hiện nay và trong những thập kỷ tới, nó sẽ phong phú, mạnh mẽ và đương nhiên ngày càng phức tạp.

Một chuyển động mang tính toàn cầu sâu sắc nữa mang tính thời đại, đó là cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới với những thành công của Trung Quốc, Việt Nam, Lào, sự hiên ngang sáng tạo của Cuba… Chúng ta khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội vẫn là một thực thể không thể bỏ qua, một thực thể tham gia định hình thế giới hiện đại.

Điều đó không chỉ giúp chúng ta vững tin mà còn gợi mở cho chúng ta những nội dung và phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đi đến mục tiêu cao cả mà chúng ta vạch ra cho giữa thế kỷ 21 là một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên quyết, đột phá- Ảnh 3.

Một kỷ nguyên mới đã thật sự mở ra cho dân tộc chúng ta - kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, phấn đấu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21.

Tìm ra con đường, mô hình công nghiệp hóa phù hợp

Đứng trước, bối cảnh như thế chúng ta cần có những đột phát gì để gặt hái được những thành công trong kỷ nguyên mới này?

Để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức giúp dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những thành công và thắng lợi thì phải có những đột phá mang tính chiến lược.

Đột phá trước tiên là sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, phải xây dựng kịp thời và sáng tỏ tầm nhìn mới - tầm nhìn của một quốc gia vươn mình trong thế giới đang thay đổi.

Tầm nhìn này cực kỳ quan trọng. Đại hội XIII mới vạch ra những phác thảo về Việt Nam đến giữa thế kỷ 21. Đó là phác thảo và cần phải cụ thể hóa hơn để toàn Đảng, toàn dân dốc sức thực hiện.

Đột phá thứ hai là phải có những tư duy chiến lược, được thực hiện bằng những chiến lược quốc gia. Tư duy chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền nhất thiết phải kịp thời, sáng tỏ, đúng đắn, phù hợp, khả thi.

Tư duy chiến lược đó cụ thể là gì, thưa ông?

Trước hết là chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đã xuất hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Trong tư duy chiến lược, dứt khoát phải tìm ra con đường, mô hình công nghiệp hóa phù hợp với Việt Nam, tìm ra con đường công nghiệp hóa của nước đi sau như Việt Nam hiện nay gian nan lắm. Chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, của Trung Quốc, mô hình của các nước Mỹ La tinh, các nước Đông Á.

Thứ hai là chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trước kia, Đảng đã xác định đường lối tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Ngày nay, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất thiết phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo. Tập trung vào một số mũi nhọn gì cụ thể? Đây là vấn đề cơ bản nhất, cần nghiên cứu thận trọng nhưng phải xác định kịp thời.

Thứ ba là chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh đòi hỏi tốc độ cao trong tăng trưởng kinh tế, gia tăng sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Phát triển bền vững đòi hỏi hiệu quả và năng suất lao động cao, không tăng đầu tư, nguyên nhiên vật liệu, lao động… nhưng vẫn tăng nhanh sản lượng, chất lượng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường sinh thái lấy tăng trưởng kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.