Làm báo cùng Giao thông

Kỷ niệm tác nghiệp vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

21/06/2015, 15:34

Tác nghiệp giữa giá rét, leo núi giữa đêm, quên cả ăn và... tắm, Phóng viên Vĩnh Phú nhớ lại.

IMG_4421
PV Vĩnh Phú-người mặc áo khoác đen tác nghiệp tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng.

Khi vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) nhốt 12 công nhân trong hầm thủy điện xảy ra, nhiều cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương cử nhiều phóng viên, biên tập viên đến hiện trường tác nghiệp. Báo Giao thông cử PV Vĩnh Phú tác nghiệp, thông tin đưa về tòa soạn luôn nóng hổi, làm ấm lòng bạn đọc…

Chuyến đi đầy thử thách

Sáng sớm 16/12/2014, tôi nhận được chỉ đạo của Trưởng VPĐD Báo Giao thông khu vực phía Nam phải có mặt gấp ở thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Tôi chưa nói hết câu thì trưởng VP đã chốt: “Đây là mệnh lệnh, phải đi gấp”. Không kịp lấy đồ, tôi vội vàng gom một số vật dụng cần thiết nhét vào ba lô rồi lao nhanh ra quốc lộ đón xe từ TP. HCM đi Lâm Đồng.

Đây là lần đầu tiên tôi đi tác nghiệp nơi vùng sâu vùng xa trên cao nguyên Lâm Đồng nên còn nhiều bỡ ngỡ và chỉ biết khu vực thủy điện Đạ Dâng nằm cách Thành phố Đà Lạt hàng chục km, địa hình núi non hiểm trở lại nằm trong khu vực rừng núi hoanh vu, lạnh lẻo... Dự đoán đây là chuyến đi tác nghiệp đầy khó khăn khi nằm trên xe điều mình lo lắng nhất đó là ở địa điểm núi rừng hoang vắng liệu thiết bị 3G có thể bắt được sóng để truyền thông tin hình ảnh về tòa soạn?

Đến 19h tối, đến BX Lâm Đồng vừa bước xuống xe tôi đã bị cái lạnh xứ sương mù này làm tôi co rúm! Sau khi dò hỏi đường về thủy điện Đạ Dâng nơi đang xảy ra vụ sập hầm thủy điện thì anh tài xế taxi nói nơi này cách xa trung tâm TP Đà Lạt hơn 50km. “Anh là nhà báo hả? Sau một thoáng lưỡng lự anh tài xế taxi cũng quyết định chở tôi đến hiện trường với giá cước rất “mềm”.

Ngồi trên taxi qua lời thổ lộ của anh tài xế tôi mới giật mình vì sự gan dạ của anh tài xế này. “Đoạn đường này vào buổi tối rất vắng vẻ, nhiều khúc cua cùi chỏ. Trước đây đã từng xảy ra nhiều vụ cướp nên hầu như taxi nào cũng không dám chở khách vào ban đêm, nhưng tối nay tôi ngoại lệ phục vụ anh nhà báo vào tác nghiệp”, anh tài xế taxi tên Hưng nói.

IMG_1875
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đào rãnh để thoát nước phục vụ việc giải cứu các công nhân trong hầm thủy điện. Ảnh chụp đêm 18/12.

Khi đến hiện trường vụ sập hầm thủy điện dù trước mắt là một đoạn đèo dốc với lổn ngổn đất đá dù phía xa xa đã phát hiện ánh đèn dường như là khu vực thủy điện Đạ Dâng. Cùng lúc này chúng tôi phát hiện một chiếc taxi đang leo dốc nhưng do dốc quá cao nên phải huy động mọi người trên xe xuống đẩy bộ do đường nhão nhoẹt và đổ dốc lớn xe không thể phóng lên được. Thấy vẻ mặt tài xế khá căng thẳng có vẻ không ổn, tôi đề nghị bác tài để tôi cuốc bộ vào dù lời đề nghị khá khiên cưỡng nhưng bác tài gạt phắt lời đề nghị này và trả lời:  “Không sao đâu em cứ để anh”. Vượt qua hàng loạt hố trâu, hố voi, độ dốc lớn, cuối cùng bác tài cũng đưa tôi đến hiện trường...

Đến hiện trường khoảng 20h tối, quang cảnh lúc này thật hỗn loạn như một bãi chiến trường. Giữa rừng núi hoang vắng sương lạnh thấu người, bụng đói nhưng tiếng động cơ, tiếng máy bơm xình xịch, tiếng người la í ới của hàng chục đơn vị đang “tác chiến” tìm cách khoan các mũi khoan nhằm tiếp cận nơi các nạn nhân.

Leo núi giữa cái lạnh thấu xương

Vừa rút máy ảnh ra khỏi vỏ bao tôi liền tiếp cận hiện trường ghi hình để làm một phóng sự ảnh về công tác cứu hộ cứu nạn của lực lượng chiến sĩ. Trời lạnh tay run cầm cập vì đói và rét tôi liền rúc vào một lán trại mở máy tính và chuyển những hình ảnh mới nhất về tòa soạn.

Khi uống cạn lon nước tăng lực mua vội tại trạm dừng chân để chống đói và lạnh... bỗng dưng một đồng nghiệp thông báo thông tin nóng sốt: Cơ quan chức năng đang mở đường để tạo một mũi khoan trên đỉnh đồi thủy điện để sớm tiếp cận vị trí các nạn nhân. Với ba lô và máy ảnh đeo xách lỉnh kỉnh tôi và hai đồng nghiệp khác đã quyết định táo bạo lên bằng được ngọn núi để tác nghiệp.

IMG_8381
Hàng chục phóng viên tác nghiệp giữa đêm đông giá rét tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng

Trời tối đen chỉ vài ánh đèn nhập nhòa lóe lên từ khu vực cứu hộ để tiếp tục lên vị trí cọc khoan đồi không còn con đường nào khác chúng tôi phải leo ngọn đồi để ghi nhận công tác mở đường đặt cọc khoan. Sau khi tác nghiệp và ghi nhận đầy đủ mũi khoan trên đỉnh đồi chúng tôi đành phải chia tay các anh em công nhân để xuống núi. Đường lên đã khó đường xuống càng nguy hiểm khó khăn hơn gấp bội phần vì chỉ cần xảy chân... là mất mạng như chơi.

Vì thế các đồng nghiệp vừa thận trọng bám từng gốc cây, phân công nhau mở đèn pin (điện thoại) để dò đường đi xuống. Với sự cẩn thận cao độ chậm mà chắc chúng tôi đã xuống núi một cách an toàn. Đến nay khi nhớ lại sự việc, các đồng nghiệp đều ngạc nhiên vì không biết nghị lực phi thường ở đâu xuất hiện mà có thể leo lên ngọn đồi cao chót vót tác nghiệp như thế.

Những đêm ngủ chập chờn

Cuộc giải cứu các công nhân kẹt trong hầm bắt đầu có dấu hiệu lạc quan đó là khi có sự xuất hiện lực lượng của Lữ đoàn 293 - Binh chủng Công binh từ Khánh Hòa và Tiểu đoàn Công binh vật cản 93 (Binh chủng Công binh) có mặt tham gia cứu hộ. Đây là lực lượng công binh “đặc nhiệm”, được huấn luyện chuyên thực hiện những nhiệm vụ cứu nạn trong các sự cố sập đổ công trình nghiêm trọng.

IMG_2156
Cảm xúc vỡ òa khi cuộc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện được giải thoát an toàn.

Trong nhiều kỉ niệm trong cánh phóng viên dường như khó có thể quên đối với lực lượng cứu hộ, cứu nạn vào đêm ngày thứ ba cứu nạn. Ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã viết một bức thư tay rất kịp thời để trấn an tinh thần các nạn nhân vẫn đang mắc kẹt trong hầm  với nội dung: “Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách phải bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng. Ở ngoài này mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh, chị”.

Suốt những ngày có mặt theo dõi từng thông tin về công tác cứu hộ, cánh phóng viên chúng tôi dường như không ai ngủ được, tất cả đều nghe ngóng lo lắng cho nhóm công nhân đang bị mắc kẹt. Hàng chục đơn vị cứu hộ, cứu nạn của tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Lực lượng PCCC Cứu hộ-cứu nạn TPHCM và cả lực lượng quân đội như Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7)…  luôn làm việc khẩn trương.

cuu12
Người thân nạn nhân xúc động khóc nức nở khi con em họ được giải cứu thoát khỏi căn hầm tăm tối.

Để đưa thông tin diễn biến công tác cứu hộ cứu nạn hàng trăm phóng viên báo đài từ nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã cập nhật thường xuyên tin tức sự kiện động viên lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn. Vừa đói vừa mệt rất may mắn chúng tôi cũng đã tìm được một chỗ nghỉ ngơi đó là một lán trại dành cho các công nhân thi công hầm thủy điện nằm cách cửa hầm khoảng 500m.

Thôn Păng Tiêng, xã Lát (huyện Lạc Dương) nơi có công trình Thủy điện Đạ Dâng, nằm giữa núi rừng. Vì thế điều kiện tác nghiệp nơi đây đối với cánh phóng viên cực kỳ khó khăn. Cửa hàng tạp hóa này thường ngày phục vụ công nhân đã trở thành “trung tâm báo chí” của hàng chục phóng viên báo, đài. Người ngồi, người đứng với khuôn mặt bơ phờ ai cũng căng thẳng dán mắt vào màn hình máy tính gõ gõ hoặc thông báo cập nhật tin tức nóng hổi nhất cho tòa soạn qua điện thoại.

Tay bat mat mung sau giay phut giai cuu 12 nan nha
Tay bắt mặt mừng sau khi cuộc giải cứu các công nhân ra ngoài an toàn sớm hơn mong đợi.

Đường truyền internet không có các phóng viên phải gửi tin bài, hình ảnh về tòa soạn bằng thiết bị 3G. Đường truyền 3G cũng khá chập chờn cũng khiến việc tác nghiệp càng thêm khó khăn. Và để có những thông tin mới nhất của cuộc giải cứu đến với bạn đọc, những người làm báo chúng tôi đã phải trải qua những giấc ngủ chập chờn, những bữa ăn nhanh với mì gói, bữa cơm thiếu chất nhưng vẫn không làm ý chí trong mặt trận tuyên truyền động viên lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Với quyết tâm phải đưa bằng được các công nhân ra khỏi hầm an toàn bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi lần lượt từng công nhân được cứu thoát an toàn khỏi căn hầm tối. Những giọt nước mắt, tiếng vỗ tay hò reo của những người có mặt vì quá vui mừng dành tặng riêng cho lực lượng cứu hộ khiến những ai chứng kiến không khỏi bồi hồi xúc động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.