Tác giả (trái) và ông Sáu Dân trong một chuyến thị sát cụm cảng số 5 (Thị Vải, Cái Mép, Hiệp Phước)
Tôi có vài năm được Báo Tuổi trẻ giao theo ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông đã về hưu. Trong đời làm báo gần 30 năm của mình, tôi biết mình rất may mắn được làm việc với một nhân cách lớn. Sau này về Báo Giao thông, tôi nghĩ đó là những bài học lớn cho mình.
“Mầy cho tao coi bản thảo, được không?”
Đó là bài “Tuổi 30”, đăng ở mục Thời sự và suy nghĩ trên Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 30/4/2005. Tác giả là Võ Văn Kiệt.
Võ Văn Kiệt là ông Sáu Dân, nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Trên chính trường cũng như trong dân chúng, người ta thường gọi ông là ông Sáu Dân hơn là gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Hôm đó là ngày 29/4/2005. Tòa soạn giao cho tôi đến gặp chú Sáu Dân, để có bài đăng trên trang nhất của Báo Tuổi trẻ về dịp lễ 30/4, kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước. Tuổi trẻ là tờ báo ra đời có trụ sở ở Sài Gòn, cho nên ngày này vô cùng quan trọng.
Chú Sáu Dân tiếp tôi ở nhà riêng trên đường Tú Xương.
Vẫn lệ thường, tôi hỏi và ông nói. Ông gần như không né tránh điều gì. Tôi kể chuyện ba tôi sau giải phóng đi học tập cải tạo, ông thân mật vỗ vai và hỏi: “Rồi sao, ổng mạnh khỏe chớ?”. Hơn ai hết, nằm vùng ở miền Nam, là Bí thứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông quá rành chuyện một gia đình ở Sài Gòn (miền Nam nói chung) có người ở hai chiến tuyến. Với người Sài Gòn, “phe này phe kia” đều không quan trọng.
Ông Sáu Dân không nói về những điều lớn lao. Cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề tuổi 30 khát vọng và hòa hợp, hòa giải mà từ 29 năm trước, năm 1976, trước hàng ngàn thanh niên Sài Gòn, ông đã nói một câu nổi tiếng để xóa tan mặc cảm của lớp trẻ có bố mẹ từng ở bên kia chiến tuyến: “Không ai chọn cửa sinh ra…”.
Chừng gần trưa thì cuộc nói chuyện xong, tôi phi về tòa soạn ghi chép những điều ông trao đổi. Buổi chiều các thư ký tòa soạn dựng bài, Ban Biên tập đã duyệt. Tôi thở phào: Vậy là bài quan trọng nhất của số báo đã hoàn thành. Bài chừng 500 chữ nhưng là bài “đinh”, ký tên Võ Văn Kiệt.
Chừng 6 giờ chiều, ông alo. Như mọi khi, ông vẫn xưng hô mầy - tao: “Tao có cái đề nghị này, mầy nghe được thì được, không thì thôi nhé. Đó là vầy: Tao nói là chuyện của tao nhưng diễn đạt là quyền của nhà báo. Bởi vậy, tao cũng lo là có câu có chữ nào đó có thể chưa trúng ý tao lắm. Nên tao đề xuất, nếu được thì mầy cho tao coi bản thảo, được không? Còn nếu quy định ở bển (tức tòa soạn - PV) không cho tao coi thì cũng không sao…”. Giọng ông hiền khô, chậm rãi.
Tôi nghe điều gì đó lâng lâng trong lòng. Ông nguyên là Thủ tướng mà khiêm nhường đến thế này sao?
Tôi báo cáo Ban Biên tập và mang bản thảo chạy qua nhà ông lúc 20 giờ. Ông và phu nhân là Giáo sư Phan Lương Cầm đã đợi sẵn. Ông và bà cùng đọc, gật gù và thảo luận với nhau. Ông tự tay sửa vài chữ. Chữ… xấu nên ông quay qua hỏi: “Tao viết vầy bay đọc có ra không?...”. Ông kể hồi đó nghèo, chỉ học tới lớp 5 trường làng. Sau này vừa làm cách mạng vừa học “chớ tao có bằng cấp gì như tụi bay đâu”.
Đến 21 giờ thì ông sửa xong. Ban Biên tập đọc lại bản thảo và trêu: “Chú Sáu Dân không là nhà báo nhưng viết hay hơn Đặng Đại”. Dĩ nhiên rồi!
Sáng hôm sau báo đăng, bài của ông trang trọng trên trang nhất. Ông lại gọi và hóm hỉnh: “Bài cũng được chớ hả mầy?”.
Ông dung dị, chân tình, gần gũi và đời thường. Chỉ có những nhân cách lớn mới có cốt cách vĩ đại như vậy.
“Tụi bay tệ quá, coi thường bạn đọc…”
Bài báo “Tuổi 30” của tác giả Võ Văn Kiệt trên Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 30/4/2005
Ngày nọ, ông cho thư ký gọi tôi qua để ông hỏi chuyện về một cậu học trò ở Kiên Giang. Cùng đi có chị Kim Trâm, là người của Ban Công tác bạn đọc.
Vẫn ở bộ salon quen thuộc, ông hỏi thông tin về cậu học trò. Đó là cậu bé học lớp 8, do ảnh hưởng của chất độc da cam nên không có tay, viết bằng chân. Ông rơm rớm: “Thằng nhỏ thiệt là kiên cường. Tao có 5 triệu đồng đây, bay chuyển giùm tới thằng nhỏ”. Chị Kim Trâm làm giấy biên nhận, thư cảm ơn của báo dành cho bạn đọc Võ Văn Kiệt.
Chừng một tháng sau, ông lại alo, bảo qua chơi. Tôi ghé. Câu đầu tiên ông hỏi là “thằng nhỏ sao rồi, báo có giúp cho cháu được nhiều không”. Tôi chưng hửng, gãi đầu gãi tai thưa thiệt là “cháu không theo dõi, để cháu alo rồi báo lại chú Sáu ngay”. Ông không vui, bảo không cần đâu.
Rồi ông nhẹ nhàng: “Tụi bay tệ quá, coi thường bạn đọc. Tao là một bạn đọc, tao nghỉ hưu rồi. Năm triệu đồng với một người nghỉ hưu đâu có nhỏ. Họ quý tờ báo, tin tờ báo nên gởi gắm. Vậy mà tụi bay nhận rồi không một lời hồi âm. Lẽ ra tờ báo phải nắm thông tin về nhân vật, thi thoảng báo cho những người hảo tâm là tình hình thế này, thế này… Vậy họ càng yêu quý, gắn bó với tờ báo hơn. Đằng này tụi bay bỏ luổng (bỏ qua, không ngó ngàng)”. Tôi lúc đó thấy xấu hổ nhưng vô cùng xúc động vì mình nhận được bài học rất quý giá.
Tôi về báo lại cho Ban Biên tập và đó được coi là một bài học quý cho tờ báo.
“Tao có cho mầy đâu mà kêu tao ký tặng?”
Lần đó, nhà xuất bản ấn hành một loạt bộ sách về ông. Nhà báo trẻ Lam Điền mua mấy quyển, qua gõ cửa phòng tôi và nhờ “anh dắt em qua nhà chú Sáu, nhờ chú ký tặng để em lưu thủ bút”.
Ông tiếp và hỏi có chuyện gì. Bạn Lam Điền ấp úng và tôi nói luôn: “Bạn này ngưỡng mộ chú, mua bộ sách và qua xin chú ký tặng”. Ông cười ha hả: “Sách của mày mua mà tao ký tặng là tặng làm sao?”. Cả hai anh nhà báo ngượng chín mặt.
Trò chuyện một hồi, trước lúc cáo từ, ông vui vẻ bảo đưa cây viết đây. Và ông ký, vỏn vẹn chữ Võ Văn Kiệt mộc mạc.
Nhà báo Lam Điền rất sướng nhưng tôi còn sướng hơn. Tôi hay cùng đi với một số vị trao quà cho người dân nhưng thực ra tiền đó không phải của họ mà của nhà tài trợ khác hoặc là của công.
Tôi nhận được bài học: Cái không phải của mình thì đừng nhân danh a, b, c, d mà cho hay tặng.
Ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt mất tháng 6/2008. Ngày tiễn ông, dân Sài Gòn và các tỉnh kéo về đưa tiễn rất đông, suốt gần 20km đường từ Dinh Thống Nhất đến Nghĩa trang Thành phố ken đặc người.
Ba ngày sau khi ông mất, tôi trở lại mộ và thật xúc động, người dân khắp nơi lũ lượt đến đặt vòng hoa, thắp hương. Có cả những người Việt kiều và những đứa trẻ không rành tiếng Việt.
Chỉ có những nhân cách lớn mới được người dân tin yêu kính trọng đến vậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận