Hút nguồn lực đầu tư bằng mô hình 3 chữ P
Chiều nay (24/2), UBND tỉnh Cao Bằng và Liên danh các nhà đầu tư, gồm: Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Đại diện UBND tỉnh Cao Bằng và liên danh các nhà đầu tư thực hiện ký kết thỏa thuận thực hiện dự án.
Thông tin tại buổi ký kết, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thuộc dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Điểm đầu dự án tại vị trí nút giao của tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh). Quy mô dự án giai đoạn hoàn thiện 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m.
Dự kiến, công tác thẩm định phê duyệt dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được triển khai từ quý 1 - quý 2/2022; Công tác GPMB, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trong quý 2/2022; Công tác đầu tư xây dựng dự án dự kiến được khởi công trong đầu năm 2023, hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2025.
Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021 - 2025) là 13.181 tỷ đồng, thực hiện góp vốn áp dụng mô hình 3P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng bao gồm: vốn ngân sách TƯ 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác 5.371 tỷ đồng”, ông Nam thông tin.
“Ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, với phần vốn huy động khác, nhà đầu tư sẽ thực hiện huy động bằng các hình thức: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Trong đó, liên danh nhà đầu tư (Đèo Cả, Văn Phú, Phú Mỹ, Thành Lợi) cam kết tham gia phần vốn hợp tác 2.685 tỷ đồng và cùng UBND tỉnh để huy động phần còn lại khoảng 2.685 tỷ đồng (vốn tín dụng) để thực hiện dự án”, ông Nam thông tin.
Nhìn lại hành trình thăng trầm của dự án, xác định giai đoạn trước mắt còn nhiều khó khăn, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước theo đúng tiến độ, nhu cầu của dự án, trong đó ưu tiên GPMB, tái định cư.
Để tạo nguồn lực cho tỉnh và các nhà đầu tư tham gia dự án, ông Hoàng cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền tỉnh Cao Bằng giải quyết các thủ tục đầu tư để triển khai đảm bảo tiến độ các dự án kết nối cao tốc, các dự án bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu kinh tế cửa khẩu.
“Tỉnh ủy, HĐND cũng cần ban hành các nghị quyết để UBND tỉnh thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo Luật PPP và nguồn chi trả chi phí xử lý cho phần giảm doanh thu từ nguồn ngân sách địa phương làm cơ sở ký kết hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng và cho doanh nghiệp huy động các nguồn vốn hợp pháp như cổ phiếu, trái phiếu.
Đồng thời, thống nhất với nhà đầu tư để phê duyệt tiến độ thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xác định trách nhiệm của các bên liên quan, có chế tài thưởng, phạt làm cơ sở thúc đẩy tiến độ dự án”, ông Hoàng đề xuất.
Tỉnh Cao Bằng đã cân đối, ưu tiên nguồn vốn tối đa cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh - Ảnh minh họa
Cắt giảm 22 dự án, dồn lực cho cao tốc
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án xương sống, có tính chất khai phá và khơi thông những điểm nghẽn, giúp mở rộng không gian phát triển còn nhiều tiềm năng của tỉnh Cao Bằng.
“Cao Bằng là địa phương gần như duy nhất của cả nước chỉ có một loại hình giao thông là đường bộ. Tất cả các tuyến đường bộ kết nối như: QL4A và QL3 quy mô còn thấp, đường khúc khuỷu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, lưu thông hàng hóa khó khăn.
Vì vậy, việc xây dựng đường cao tốc kết nối trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khơi thông sang tuyến vận tải quốc tế Á - Âu có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển KT-XH của địa phương, đúng như Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh: Chỉ có tuyến đường cao tốc mới giúp Cao Bằng thoát nghèo”, ông Ánh nói.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng nhớ lại thời điểm trước khi Tập đoàn Đèo Cả đề xuất làm dự án, có rất nhiều nhà đầu tư cũng đến nghiên cứu, tìm hiểu. “Thế nhưng chưa có một đơn vị nào đưa ra được giải pháp khả thi. Tỉnh cũng không nhìn thấy một nhà đầu tư nào có tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết, tiềm lực như Tập đoàn Đèo Cả. Nếu không có Đèo Cả, dự án chắc chắn không thực hiện được”, ông Ánh chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng Xuân Ánh, hiện còn một số công việc cần triển khai như: Phối hợp nghiên cứu phương án tiết giảm tổng mức đầu tư; Tổ chức thi tuyển kiến trúc, báo cáo Chính phủ, Bộ ngành bố trí vốn ngân sách TƯ. Hiện vốn ngân sách đã bố trí được cho dự án là 2.500 tỷ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án, bố trí ngân sách địa phương được hơn 4.000 tỷ của cả kỳ trung hạn, đảm bảo thực hiện dự án.
“Thời gian tới, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục khẳng định trách nhiệm tham gia từ bố trí quỹ đất đối ứng, GPMB, bố trí mỏ đá, đất để dự án được triển khai đúng kế hoạch”, ông Ánh khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận