Y tế

Kỳ tích bệnh nhân 88 tuổi mắc Covid-19 thoát cửa tử

06/05/2020, 06:40

BN 161 vừa được công bố khỏi bệnh sáng 5/5 là một cụ bà 88 tuổi. Đây được coi là một kỳ tích bởi đã có lúc bệnh nhân phải đối mặt với cửa tử.

img
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư chăm sóc bệnh nhân 161 đã được chữa khỏi bệnh Covid-19

Liên tiếp các bệnh nhân nặng được công bố khỏi bệnh

Trong 11 trường hợp nhiễm Covid-19 được BV Bệnh nhiệt đới T.Ư công bố khỏi bệnh sáng 5/5, duy nhất bệnh nhân 161 (88 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) không xuất hiện trước báo giới.

Đây là bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi nhất tại Việt Nam đã được điều trị khỏi. Ngoài thể trạng của người cao tuổi, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, xuất huyết não, thể trạng rất yếu.

Nằm trong phòng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực để chờ chuyển về BV Bạch Mai tiếp tục điều trị trong thời gian tới, bệnh nhân 161 đã có thể trao đổi thông tin được với điều dưỡng, tuy nhiên các hoạt động ăn uống, vệ sinh vẫn được nhân viên điều dưỡng nơi đây tận tình phục vụ.

Chia sẻ về ca bệnh này, BS. Mạc Duy Hưng, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khiêm tốn cho biết: “Sự hồi phục của bệnh nhân được coi là kỳ tích, thoát cửa tử nhờ may mắn”. Tuy nhiên, đằng sau sự may mắn đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ tại đây. Theo BS. Hưng, thời điểm căng thẳng nhất của bệnh nhân là khi mới được chuyển đến khoa, do tuổi cao kèm xuất huyết não, lại mắc thêm Covid-19.

Với các ca bệnh Covid-19 nặng, việc chăm sóc vốn khó khăn thì với bệnh nhân 161 khó khăn nhân lên gấp bội. Chính vì vậy, tất cả các nhân viên trong khoa đã dồn sức chăm sóc bệnh nhân này. “Quá trình chăm sóc bệnh nhân rất căng thẳng, theo dõi bệnh nhân từng phút, điều chỉnh thông số, thuốc điều trị. Rất nhiều bác sĩ đầu ngành được huy động, hội chẩn liên tục để tìm phương án điều trị tối ưu nhất. Điều may mắn là bệnh nhân đáp ứng điều trị, các chỉ số được cải thiện từng ngày. Mỗi ngày thấy bệnh nhân phục hồi là chúng tôi vơi bớt căng thẳng”, BS. Hưng chia sẻ.

Tiếp sau bệnh nhân 161, dự kiến bệnh nhân 19 (bác của bệnh nhân 17, trú tại Trúc Bạch, Hà Nội), vốn được coi là 1 trong 3 ca mắc Covid-19 nặng nhất cũng đã tiến triển tốt và có thể chỉ vài ngày nữa sẽ được công bố khỏi bệnh.

GS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: “Bệnh nhân 19 vốn cực kỳ nặng. Trước đó, bệnh nhân đã từng được chỉ định chạy ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo) 17 ngày, sau khi bỏ ECMO đã xuất hiện 3 lần ngừng tim. Nhưng nhờ giám sát, theo dõi cấp cứu kịp thời nên thoát “cửa tử”. Hiện, bệnh nhân tự thở, tự ăn và có nhiều lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2”.

Bệnh nhân Covid-19 tái nhiễm không đáng lo ngại

Trong sáng 5/5, hai ca tái nhiễm Covid-19 là bệnh nhân 74 và 137 đều đồng loạt được công bố khỏi bệnh sau nhiều lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 74 (trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) chia sẻ: “Ngày từ Pháp trở về Việt Nam, em cũng lường trước có thể đã mang trong mình Covid-19, chính vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, rồi được đưa vào BV Đa khoa Bắc Ninh điều trị, em không bất ngờ. Những ngày đầu, sốt, ho và đau họng nhưng các triệu chứng trôi đi rất nhanh. Sau hơn 20 ngày điều trị thì em được xuất viện và về cách ly tại nhà 14 ngày. Đáng tiếc, đến ngày cuối cùng của kỳ cách ly, thì kết quả xét nghiệm lần cuối lại là dương tính. Lúc đó, cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng. Lo ngại lần thứ 2 nhiễm sẽ nặng nề hơn”.

Tuy nhiên, khi được đưa vào nhập viện, bệnh nhân 74 không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào, cơ thể khỏe mạnh. “Gần như em vào đây chỉ cách ly, không phải điều trị gì cả. Hơn nữa, nhận được kết quả xét nghiệm người nhà đều âm tính nên tâm lý cũng thoải mái hơn”, bệnh nhân 74 chia sẻ.

Đây là 1 trong số 12 ca tái nhiễm sau khi điều trị khỏi Covid-19 được phát hiện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về hiện tượng tái nhiễm Covid-19, GS. Nguyễn Văn Kính cho biết: “Covid-19 là dịch mới, thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm. Khác với SARS ngày xưa, khỏi dứt điểm luôn và không có đuôi dịch, Mers chỉ tồn tại thời gian ngắn, virus SARS-CoV-2 lại đột biến, đa dạng và không ổn định. Virus ở mỗi quốc gia lại có sự khác biệt với virus ban đầu ở Vũ Hán, với nhiều biến thể khác nhau.

Tương tự Hàn Quốc, Trung Quốc, tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, kết quả nuôi cấy phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tái nhiễm tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy virus không hoạt động. Như vậy, giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại”.

Đáng lưu ý, ông Kính thông tin, những ca bệnh tái dương tính tại Việt Nam không có dấu hiệu lâm sàng nào như ho, sốt, khó thở; Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh ăn, ngủ bình thường. “Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng”, GS. Kính nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.