Ông Nguyễn Văn Huấn |
Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, các chủ thể tham gia triển khai xây dựng đường HCM qua Tây Nguyên đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ để đưa công trình về đích vượt tiến độ với chất lượng được đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó TGĐ Ban QLDA đường HCM chia sẻ với Báo Giao thông trước thời điểm dự án chuẩn bị thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6.
Giải pháp đồng bộ để “thúc” tiến độ công trình
Sau gần hai năm triển khai, 11/11 dự án thành phần đường HCM qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác toàn tuyến vào cuối tháng này. Là một trong những người trực tiếp phụ trách điều hành dự án, cảm xúc của ông bây giờ thế nào?
Được tận mắt chứng kiến các dự án thuộc công trình đường HCM qua Tây Nguyên lần lượt cán đích, tôi thực sự rất vui mừng bởi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình đưa một dự án lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về đích vượt tiến độ, chất lượng đảm bảo.
Dự án đường HCM qua Tây Nguyên là công trình trọng điểm quốc gia mà Bộ GTVT đã cam kết với Quốc hội, Chính phủ sẽ hoàn thành trước 31/12/2015. Cách đây chưa đầy hai năm, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban QLDA đường HCM phải hoàn thành dự án với mốc thời gian trên, đó thực sự là một thách thức rất lớn đối chúng tôi và các chủ thể tham gia thực hiện dự án: khối lượng công việc khổng lồ phải hoàn thành trong thời gian ngắn; khí hậu ở khu vực Tây Nguyên không ủng hộ quá trình thi công (mùa mưa thường kéo dài đến 7-8 tháng), nguồn nguyên vật liệu khan hiếm…
Đến nay, sau gần hai năm triển khai, 11 dự án thành phần của đường HCM qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đang đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện phần khối lượng còn dở dang và hệ thống đảm bảo ATGT như biển báo, sơn kẻ vạch,… để chuẩn bị thông xe toàn tuyến trước 30/6, vượt tiến độ 6 tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT.
500 k với 11 dự án thành phần trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên chuẩn bị thông tuyến toàn bộ |
Như ông nói ở trên, ngay từ khi triển khai, dự án đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vậy, ông có thể “bật mí” về các giải pháp trong quá trình triển khai để dự án đạt được kết quả như hiện nay?
Trước tiên, đó là sự vào cuộc của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ GTVT, chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua và sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con các dân tộc khu vực Tây Nguyên đã tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho dự án. Đây là công trình lớn, với chiều dài trên 500 km đi qua nhiều tỉnh, thành nên khối lượng GPMB của dự án rất lớn. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của của Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng với nhiều giải pháp linh hoạt nên mặt bằng của dự án sớm được bàn giao, tạo điều kiện cho các nhà thầu triển khai thi công.
"Ngay từ khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã xác định đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu và quán triệt đến các chủ thể tham gia dự án từ tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và TVGS thực hiện nghiêm túc yêu cầu: “Không vì bất cứ lý do gì đánh đổi chất lượng lấy tiến độ công trình”. Tất cả các khâu trong quá trình triển khai đều được theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định”. Ông Nguyễn Văn Huấn |
Tiếp đó, để tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho dự án, chúng tôi đã nhóm họp với các nhà cung cấp vật liệu, nhà thầu để cam kết về sản xuất, mua bán, ứng kinh phí rồi đưa ra biểu đồ cung cấp đá theo từng tháng. Từ đó, các nhà cung cấp vật liệu mạnh dạn đầu tư dây chuyền, mở rộng sản xuất. Nhận thấy cách làm này hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo áp dụng cho dự án mở rộng QL1.
Có thời gian, nhiều mỏ đá Tây Nguyên hết hạn giấy phép, chúng tôi phải báo cáo Bộ GTVT, xin ý kiến Bộ TN&MT và đề nghị Chính phủ đặc cách cho gia hạn để có đá thi công. Chính nhờ các giải pháp này, nguồn đá phục vụ thi công các công trình được tập kết cơ bản đủ, tạo đà cho dự án bứt phá về tiến độ vào mùa khô.
Bên cạnh đó, để “thúc” tiến độ công trình, chúng tôi thường xuyên kiểm tra hiện trường, kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ bằng các biện pháp cảnh cáo, cắt bớt khối lượng hoặc nặng hơn là thay thế một số nhà thầu vi phạm tiến độ. Việc điều chuyển khối lượng, thay thế, bổ sung nhà thầu được thực hiện theo chiến thuật “hoa thơm lấn cỏ dại”, tức là chọn các nhà thầu trong cùng dự án thi công đảm bảo chất lượng, đạt và vượt tiến độ thay thế các nhà thầu chậm tiến độ, vi phạm chất lượng. Chính điều này đã tạo nên khí thế thi đua cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu.
Đối với các dự án BOT, Ban QLDA đường HCM cũng đưa ra nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo tiến độ chung của công trình. Trong quá trình triển khai, khi phát hiện bất cứ nhà đầu tư nào chậm tiến độ, chúng tôi đều đề xuất với Bộ GTVT chấn chỉnh hoặc thay thế bằng nhà đầu tư khác để đảm bảo thời gian hoàn thành công trình theo kế hoạch đề ra.
Tây Nguyên “lột xác” nhờ tuyến đường mới
Hiện nay, một số điểm thuộc dự án mở rộng QL1 đã xuất hiện tình trạng hằn lún mặt đường làm đau đầu các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị thi công. Đến thời điểm này, hiện tượng trên có xảy ra tại dự án đường HCM qua Tây Nguyên, thưa ông?
Ngay từ khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã xác định đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu và quán triệt đến các chủ thể tham gia dự án từ tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và TVGS thực hiện nghiêm túc yêu cầu: “không vì bất cứ lý do gì đánh đổi chất lượng lấy tiến độ công trình”. Tất cả các khâu trong quá trình triển khai đều được theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định.
Đường Hồ Chí Minh sẽ được “thông mạch” sớm Đường HCM được khởi công xây dựng năm 2000, đến năm 2007 đã cơ bản hoàn thành đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài khoảng 1.350 km. Để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe như yêu cầu trong Nghị quyết 66 của Quốc hội, từ cuối năm 2007, dự án tiếp tục được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 từ Cao Bằng đến Hà Nội và từ Kon Tum đến Cà Mau với chiều dài khoảng 1.393 km. Đến nay, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai thi công 1.035 km, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 355 km. Đến năm 2017, đường HCM còn 358 km chưa triển khai. Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương để có thể triển khai sớm như: Rà soát, tối ưu hóa tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án khu vực Tây Nguyên và một số dự án khác với phương châm không thay đổi quy mô và hiệu quả đầu tư nhằm tiết kiệm được một phần vốn dư để đầu tư các dự án chưa triển khai. Ngoài ra, Bộ GTVT và Ban QLDA đường HCM sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa một số đoạn như Cam Lộ - La Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến. Nếu các đề xuất trên được chấp thuận, việc nối thông toàn tuyến đường HCM sẽ sớm hơn yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội từ 1-2 năm. Đ.Q |
Đặc biệt, chúng tôi còn thành lập tổ chuyên gia tư vấn chất lượng độc lập, gồm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế với nhiệm vụ kiểm soát chất lượng và báo cáo, tư vấn trực tiếp cho lãnh đạo Ban. Theo đó, tổ được phép “sục sạo” khắp các mỏ vật liệu, phòng thí nghiệm, trạm trộn bê tông nhựa, công trường thi công. Khi phát hiện sai sót, tổ có quyền nhắc nhở, “tiền trảm hậu tấu” với lãnh đạo Ban QLDA để chỉ đạo kịp thời.
Đến nay, dự án đường HCM qua Tây Nguyên chưa xuất hiện tình trạng hằn lún mặt đường nhưng chúng tôi không vì thế mà chủ quan. Chúng tôi vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phải theo dõi, giám sát kỹ chất lượng của dự án, đặc biệt là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trong quá trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Là người gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của vùng đất Tây Nguyên trong nhiều năm, ông đánh giá thế nào về những tác động của dự án đối với việc phát triển KT-XH của khu vực này?
Dưới góc nhìn của tôi, ngay từ khi công trình mới bắt đầu triển khai xây dựng đã tác động rất lớn đối với việc phát triển kinh tế của các địa phương nằm trong vùng dự án. Tác động rõ nhất chính là việc thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh mẽ và giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn bà con nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.
Trước đây, khi dự án chưa được triển khai, tuyến QL14 cũ xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông... Tuy nhiên, khi đường HCM qua Tây Nguyên được triển khai, đặc biệt là thời điểm các dự án thảm nhựa xong mặt đường, giao thông đi lại trên tuyến đã thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian đi lại giữa các tỉnh ngày càng được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh khu vực Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Cụ thể, trước đây khi chưa có dự án, thời gian di chuyển bằng ô tô từ Gia Lai sang Đắk Lắk phải mất đến 5 giờ thì nay rút xuống chỉ còn 3 giờ, hay từ Đắk Lắk về TP HCM nay cũng chỉ mất 5 giờ chạy xe, giảm được hơn 3 giờ so với trước.
Gần đây, được chứng kiến cảnh tượng bà con hai bên đường xây dựng rồi sửa sang lại nhà cửa, lượng xe tăng vọt trên con đường mới to đẹp hơn, khang trang hơn, rộng mở hơn được ví như dải lụa vắt qua Tây Nguyên, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân đều cảm nhận rõ rệt sự thay đổi, lột xác về kinh tế của vùng đất Tây Nguyên.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận