Xã hội

Ký ức kinh hoàng trận lũ xóa sổ cả làng

03/10/2021, 12:20

Trận mưa lịch sử cuối tháng 7/2015 cuốn theo nước lũ, đất đá từ trên đại ngàn đã vùi lấp, xóa sổ hoàn toàn thôn Bản Sen chỉ trong một đêm.

Thế nhưng, sau 7 năm, cuộc sống của gần trăm người dân đã hồi sinh kỳ diệu.

Cuộc tháo chạy trong đêm

Đón chúng tôi ở cầu cảng xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, ông Phạm Văn Thành, Trưởng thôn Bản Sen, năm nay 75 tuổi hồ hởi: “Hôm nay, chúng tôi quay lại thôn cũ làm lễ tạ ở đình Bản Sen để tạ ơn các thần linh đã bao bọc, độ trì cho gần 100 người dân trong thôn an toàn trong trận mưa lũ lịch sử cách đây tròn 7 năm…”.

img

Các hộ dân quây quần bên nhau tại thôn tái định cư

Dù đã 7 năm trôi qua, nhưng tàn tích mà cơn cuồng nộ của thiên nhiên gây ra cho người dân thôn Bản Sen vẫn còn phảng phất đâu đây.

Tuyến đường từ cầu cảng xã vào thôn Bản Sen dài chừng 7km dẫu đã được cơ quan chức năng địa phương nhiều lần khắc phục, sửa chữa nhưng những ngấn nước, bãi đá ngổn ngang vẫn còn đó.

img

Một căn nhà ở Bản Sen tan hoang sau khi trận mưa lũ lịch sử năm 2015 ập đến

Đứng ở cửa ngôi đình nhỏ, đưa tay chỉ vào mớn nước sát mái, ông Phạm Văn Thành bùi ngùi nhớ lại: “Xã chúng tôi có 4 thôn, Bản Sen là thôn khó khăn nhất với 27 hộ dân, 85 nhân khẩu.

Người dân Bản Sen lớn lên với rừng với suối, bao đời nay chăm chỉ canh tác ruộng nương, trồng rừng, có người đi biển.

Dân Bản Sen gắn bó, chung sống hài hoà với thiên nhiên, không ai ngờ có ngày lại chứng kiến thiên nhiên cuồng nộ đến thế”.

Chị Phạm Thị Én, một người dân trong thôn rưng rưng kể: “Tảo tần, tiết kiệm bao năm, vợ chồng tôi mới có được căn nhà cấp 4. Vậy mà chiều hôm ấy, sau trận mưa lớn, nước ở đâu cứ thế dâng lên sầm sập. Lúc đầu cả nhà vẫn nghĩ chắc không vấn đề gì, chỉ cần kê đồ đạc lên cao một chút là ổn. Nào ngờ, bỗng đâu nghe tiếng “ầm ầm” rung chuyển, đất đá từ đâu theo nước ào ào đổ xuống”.

img

Ông Phạm Văn Thành chỉ vào mớn nước ngập sâu đến gần nóc ngôi đình làng trong trận mưa lịch sử 2015

Vợ chồng chị Én chỉ kịp vơ mấy bộ quần áo ướt nhẹp quấn vào người rồi dắt nhau chạy tắt lên rừng thoát nạn.

Từ trên cao nhìn xuống nhà, xuống thôn mình, nước dâng trắng xóa, tiếng người khóc, tiếng lợn gà, trâu bò bị mưa lũ cuốn hòa với tiếng mưa, tiếng sét khiến Bản Sen rung lên nức nở.

Trắng đêm nhìn nước dâng, lúc nước rút, bà con tìm đường quay về bản thì toàn bộ nhà cửa, tài sản đã theo dòng nước đi sạch, chỉ còn lại những bãi đất đá trộn bùn tan hoang...

May mắn nhất trong đại họa, là những người dân Bản Sen bao đời ăn ở nơi núi rừng, thông thạo mọi nẻo đường lên núi. Khi nghe tiếng ầm ào trên núi, biết lũ cuốn đổ về, nên tất cả đều tìm đường tháo chạy kịp thời, nhờ đó mà trận mưa lũ kinh hoàng năm ấy, Bản Sen không có thiệt hại về người.

Vừa thoăn thoắt soạn mâm ngũ quả dâng lên lễ thành hoàng làng, chị Phạm Thị Lý vừa cho hay: “Nhà tôi ở thôn Đồng Gianh cách thôn này một đỉnh dốc. Chiều muộn hôm ấy, cả nhà đang chuẩn bị tắt đèn đi ngủ thì nghe tiếng thét thất thanh từ phía xa vọng lại. Tôi hớt hải chạy ra thì thấy mấy đứa em dì liêu xiêu dìu nhau vừa chạy vừa khóc. Thương bà con, nhiều hộ trong thôn đã bố trí nơi ăn, ở sinh hoạt tạm thời hàng tuần. Gia đình tôi cũng có hơn chục người tá túc nhiều ngày sau khi lũ rút đi...”.

Sức sống trong ngôi làng mới

img

Hạ tầng giao thông khu tái định cư được hoàn thiện

Ông Phạm Văn Thành cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo thôn Bản Sen bị ngập nặng và cô lập hoàn toàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn và các đơn vị chức năng khác đã kịp thời có mặt để chỉ đạo và cứu giúp kịp thời.

Từng đoàn thiện nguyện khắp nơi trong tỉnh, trong nước cũng khẩn trương mang đồ tiếp tế, hỗ trợ bà con thôn Bản Sen vượt cơn bĩ cực.

Nước rút đi nhưng hậu quả để lại cho thôn Bản Sen là giao thông bị cắt đứt, ruộng vườn, hoa màu bị đất đá lấp kín, khó khôi phục sản xuất trở lại.

“Trong cái khó, ló cái khôn”, sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, chính quyền huyện Vân Đồn, xã Bản Sen cũng tìm được vị trí mới để di dân ra, đó là mỏm đồi ở cuối thôn Nà Sắn.

Vậy là việc xây dựng hình thành lên khu dân cư mới cho các hộ ở thôn Bản Sen được triển khai từ cuối năm 2015. Dù đất đai canh tác hạn hẹp, nhưng chính quyền xã đã tạo điều kiện cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi ngành nghề sang chăn nuôi gà, lợn, ong lấy mật...

img

Ông Nguyễn Văn Dương chuyển sang nghề nuôi ong lấy mật mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng

Ngồi trong căn nhà mới xây khang trang, đẹp đẽ, ông Nguyễn Văn Dương hồ hởi kể, khi nhà cửa, ruộng vườn bị ngập, ai cũng lo lắng về tương lai mờ mịt của mình.

Khi được cán bộ xã thông báo sẽ hỗ trợ di chuyển sang thôn mới, ban đầu, ai cũng tâm tư. Bởi lẽ, về khu tái định cư, mỗi hộ chỉ được nhận hơn 300m2 đất ở, vậy lấy gì canh tác, làm gì để có cơm, có gạo?

Cuộc sống người dân Bản Sen ngày càng khấm khá hơn, số hộ khá giả đã chiếm đa số, một số hộ còn mua được tàu, xe ô tô để làm dịch vụ.
Cuộc sống của chúng tôi được như ngày hôm nay nhờ sự quan tâm của chính quyền, sự đùm bọc của bà con thôn Nà Sắn. Giờ ra nơi ở mới, tiện giao thông, y tế, trường học... lại được ở trên cao, thoáng mát, có sóng điện thoại. Cuộc sống này nhiều lúc chúng tôi cứ ngỡ mình mơ! Hiện bà con cũng mong muốn quay trở lại thôn cũ để tận dụng đất đai khôi phục lại nghề trồng cam, chè bản địa. Nếu được như vậy, chắc chắn cuộc sống sẽ sung túc hơn nhiều...
Ông Phạm Văn Thành, Trưởng thôn Bản Sen


“Thế rồi mọi việc đâu cũng vào đấy. Tôi ở độc thân, bốc thăm được miếng đất 350m, được hỗ trợ trên 400 triệu đồng cùng với khoản ủng hộ của những nhà hảo tâm, tôi làm căn nhà này mất hơn 300 triệu đồng, phần còn lại tôi đầu tư nuôi ong lấy mật và chăn nuôi gà, lợn. Bình quân mỗi năm cũng cho thu nhập hơn trăm triệu đồng. Đời sống cứ thế no ấm hơn”, ông Dương phấn khởi.

Liền kề nhà ông Dương là nhà ông Phạm Văn Thành được xây dựng khá bề thế.

Cũng như các hộ khác, ông Thành khi chuyển sang khu tái định cư ở thôn Nà Sắn được nhận 500 triệu đồng tiền hỗ trợ bão lũ tính theo chất lượng công trình nhà cũ của gia đình, nhưng ông phải cam kết không được làm nhà tại nơi ở cũ.

Cũng theo ông Thành, tất cả các hộ chuyển ra nơi tái định cư đều được cấp miễn phí 300m2 đất và khoản hỗ trợ tuỳ theo giá trị của công trình nhà từ 50-750 triệu đồng/hộ.

Giờ đây, quanh khu tái định cư là những dãy nhà kiên cố mới xây dựng, đường bê tông phẳng lỳ đến cửa từng nhà. Ở giữa thôn, một gia đình đang xây dựng căn nhà mới.

Hỏi ra thì biết đó là căn hộ do chị Phạm Thị Lý, tuy không thuộc diện tái định cư nhưng thấy nơi này sinh hoạt thuận tiện đã bỏ tiền mua để xây cho con trai ở.

Vậy là 27 căn hộ thuộc diện di dời đã được xây dựng cùng với hàng chục hộ dân khác trong xã thấy “đất thơm, cò đậu” đã tìm về quần cư, nương tựa vào nhau nơi sườn đồi xanh mướt cây ăn quả, cây lấy gỗ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.