Dù thời gian lần nào cũng ngắn ngủi nhưng đã để lại trong người dân xứ Nghệ những kỷ niệm không bao giờ quên. Qua đó cũng toát lên những bài học cao quý về nhân cách của người cán bộ vì dân, vì nước Bác để lại cho các thế hệ sau.
Giản dị và gần gũi với nhân dân
Sáng 15/5, PV Báo Giao thông có mặt tại Khu di tích lịch sử Kim Liên (thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Mới hơn 8h sáng, nắng đã tràn ngập từ ngọn núi Chung xanh ngút ngàn trải dài ra những cánh đồng lúa chín trĩu hạt. Đường về làng Trù và làng Sen thắm rợp cờ và hoa. Tất cả chào đón những người con muôn phương hành hương về quê Bác trong những ngày tháng 5 lịch sử.
Tại cụm di tích quê nội và cụm di tích quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng đoàn người kiên nhẫn xếp hàng nghiêm trang nối nhau chờ đến lượt vào thăm ngôi nhà nơi Bác sinh ra và lớn lên. Ai cũng háo hức, hồi hộp mong chờ đến lượt để được tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật gắn bó với thời niên thiếu của Bác.
Trong ngôi nhà nhỏ đối diện cụm di tích quê ngoại, cụ Trần Văn Tư (93 tuổi, ở làng Trù 1, xã Kim Liên) đang cặm cụi với bản thảo bài thơ mới viết về Bác. Cụ Tư là một trong số ít những người năm xưa còn sống được gặp, được nghe Bác nói chuyện, dặn dò trong 2 lần Người về thăm quê. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trông cụ vẫn rất minh mẫn và hóm hỉnh. Cụ nói: “Chuyện Bác Hồ về thăm quê thì nhiều đài, nhiều báo viết rồi. Nhưng toát lên sau mỗi câu chuyện là gì? Đó là sự chân chất, giản dị và gần gũi với nhân dân trong Bác”.
Rồi cụ Tư kể, sáng 8/12/1961, Bác Hồ về thăm Kim Liên lần 2. Người vẫn mặc chiếc áo ka-ki đã cũ, sờn vai và đi đôi dép cao su mộc mạc như lần thứ nhất về thăm quê, năm 1957. Có khác, thì chỉ là lần này Bác quyết định về thăm làng Hoàng Trù quê ngoại trước. “Lúc ở phòng khách, tỉnh bố trí một cán bộ nữ rót nước mời Bác. Bác nhìn rồi hỏi, cô ở đâu? Cô gái giấu và trả lời Bác là ở Kim Liên. Bác cười và nói: “Cô không phải người ở đây bởi màu da không giống người dân lam lũ”. Rồi Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe và động viên tất cả người già, trẻ nhỏ; gia đình chính sách, có công với cách mạng; người neo đơn trong làng. Sau đó, Người hỏi: “Bà con làm ăn trong hợp tác xã có vui không?”, tất cả đều đồng thanh thưa Bác là vui. Bác dặn: “Bà con phải cố gắng sản xuất kinh tế thật giỏi; phải làm tốt hơn các nơi khác, lần sau Bác sẽ về kiểm tra”, ông Tư nhớ lại.
Về quê nội, Người tự tay rót nước mời các cụ cao niên, chia bánh kẹo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác nhắc ban quản trị hợp tác xã chăm lo cho đời sống xã viên, phát triển sản xuất. Ngược lại, xã viên cũng phải có ý thức làm chủ và không ngừng xây dựng hợp tác xã lớn mạnh.
Chủ tịch cũng phải thực hành tiết kiệm
Trong lần thứ 2 về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lên thăm HTX Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Lịch sử xã Vĩnh Thành còn ghi: Năm 1960, Vĩnh Thành là xã đầu tiên của Nghệ An tiến lên xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp bậc cao đưa lại hiệu quả, đồng thời là đơn vị tiêu biểu trong phong trào trồng cây, gây rừng và nhiều thành tích trong các phong trào khác của cả nước. Vì vậy, ngày 10/12/1961, nhân dân Vĩnh Thành vinh dự được đón Bác nhân dịp Người về thăm quê.
Tin Bác về làm nức lòng mọi người dân trong xã nói riêng và cả huyện Yên Thành nói chung. Khi chiếc trực thăng chở Bác hạ cánh xuống đồi Nhạn Tháp, mọi người già, trẻ, gái, trai; nông dân, học sinh… từ các ngả đường đã ùa về rất đông chỉ mong được nhìn thấy Bác Hồ. Ai cũng muốn được lại gần để được tận mắt nhìn thấy Bác, nghe Bác nói, cảm nhận được hơi ấm từ con người Bác.
Ở tuổi 80, cụ bà Nguyễn Thị Đường (ở xóm Nam Tháp, xã Vĩnh Thành) vẫn nhớ như in lần Bác về Vĩnh Thành, giây phút tự hào được chính tay Bác trao tặng huy hiệu vì những thành tích tiêu biểu trong sản xuất. Bà Đường kể, sau khi thăm hỏi sức khỏe và đời sống của bà con nhân dân, Bác nói chuyện về tình hình sản xuất nông nghiệp. Bác nói ngắn gọn nhưng cụ thể, chi tiết và dễ hiểu những chuyện đẩy mạnh thủy lợi, chuyện phân bón, chuyện thời vụ, chuyện cải tiến nông cụ, lựa chọn giống cây trồng…
Rồi Bác ân cần: “Hôm nay, Bác về không đi thăm hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được là vì không có thời gian. Các xã và hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã đây chớ thấy Bác về thăm tưởng mình là nhất không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa...”.
Trong số 20 trường hợp được lựa chọn điển hình trong sản xuất, Bác lựa chọn 5 tấm gương tiêu biểu, xuất sắc nhất rồi hỏi mọi người trong 20 trai gái Đại Phong của Vĩnh Thành, Bác thưởng huy hiệu cho 5 cháu tiêu biểu: Nguyễn Thị Túy, Phạm Trọng Kính, Nguyễn Thị Nhụy, Nguyễn Tá và Nguyễn Thị Đường. “Mọi người có đồng ý với Bác không?”, khi nghe mọi người cùng thưa đồng ý, Bác mới tự tay trao tặng huy hiệu cho từng người.
Cũng theo bà Đường, trời hôm đó mỗi lúc mỗi nắng, vầng trán Bác lấm tấm mồ hôi. Thấy vậy, chủ nhiệm hợp tác xã liền đưa khăn tay cho Bác nhưng Bác khẽ gạt tay từ chối. Sợ Bác đứng ngoài nắng lâu ảnh hưởng sức khỏe, cán bộ hợp tác xã lại vội vã đi mượn ô che cho Bác. Nhưng khi vừa giương ô lên, Bác liền gạt ra và bảo: “Bác không phong kiến”, rồi Người chỉ tay xuống biển người phía dưới cũng đang đứng dưới nắng. Hành động nhỏ của Bác nhưng khiến cả biển người đều cảm động.
“Cảm động nhất là sau buổi nói chuyện, xã mời Bác vào dùng cơm nhưng vì chưa đến giờ cơm nên Bác cảm ơn rồi tiếp tục đi lên Nghĩa Đàn. Sau này, chúng tôi nghe nhiều cán bộ kể, trên đường đi, Bác giở gói cơm nắm mà Bác giao cho các cán bộ chuẩn bị trước Bác cháu cùng ăn vui vẻ. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ: Nhân dân còn nghèo, Bác là Chủ tịch cũng phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhân dân”, bà Đường kể lại.
Đưa quê hương đi lên theo lời Bác dạy
Dọc hành trình về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi nhận thấy sự thay da đổi thịt rõ rệt ở hai vùng quê này. Trên những cánh đồng mẫu lớn, không còn cảnh người nông dân phải còng lưng gặt lúa bằng tay. Thay vào đó, lúa được gặt và tuốt bằng máy gặt đập liên hợp. Từng đàn trâu, bò cũng thong thả gặm cỏ nhường việc vận chuyển cho những chiếc xe tải. Kênh mương thủy lợi, đường giao thông nông thôn cũng được đầu tư, xây dựng, kiên cố bằng bê tông hóa. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát ở khắp mọi nơi…
Ông Trần Lê Chương, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn không giấu hết niềm vui: Trong 2 lần về thăm quê, Bác Hồ đều căn dặn: “Phải sản xuất thật tốt, đoàn kết thật tốt để đưa xã nhà thành xã kiểu mẫu…”.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Kim Liên đã không ngừng phấn đấu nhằm nâng cao mọi mặt đời sống, văn hóa, xã hội. Sau khi thực hiện đạt xã nông thôn mới vào năm 2014, Kim Liên được UBND tỉnh lựa chọn 1 trong 3 xã của tỉnh để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2015 - 2020.
Sau 4 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, toàn xã đã huy động được 288,5 tỷ đồng. Cụ thể, với sự hỗ trợ của cấp trên và sự đóng góp kinh phí và ngày công của người dân, xã đã nâng cấp được 23,107km đường trục thôn xóm và ngõ xóm, 6km đường giao thông nội đồng... trị giá gần 40 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới trường Mầm non Hoàng Trù, trị giá 12 tỷ đồng, trường Mầm non Làng Sen trị giá 11,380 tỷ đồng; Trạm y tế xã, trị giá 3,3 tỷ đồng; hệ thống đài thu, phát FM, trị giá 950 triệu đồng. Xây dựng mới 10 nhà văn hóa xóm tổng giá trị 4 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa 13 nhà văn hóa xóm, trị giá 1,43 tỷ đồng...
“Phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã và đang nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/1/2019 về phê duyệt đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 20125”, ông Chương cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận