Chính trị

Ký ức ngày chiếm Dinh Độc Lập của Trung đoàn trưởng 66

29/04/2022, 10:18

“Thời khắc lịch sử ấy, không riêng gì bản thân tôi mà toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều ôm nhau khóc”, Trung đoàn trưởng 66 xúc động hồi tưởng.

Kìm nén nỗi đau tột cùng

Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát khiến sức khỏe Đại tá Nguyễn Sơn Văn (78 tuổi, xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An) yếu đi rõ rệt.

Thế nhưng, điều đó không ngăn được những ký ức một thời hoa lửa ùa về trong ông, nhất là những ngày tháng Tư lịch sử.

img

Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn (thứ 3 từ phải) bàn kế hoạch tiến công Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Năm 1963, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Sơn Văn “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu. Cuộc đời binh nghiệp của ông kể từ lúc nhập ngũ cho đến lúc về hưu đến 30 năm, nhưng có hơn một nửa thời gian là trực tiếp đánh giặc ở chiến trường.

Ông từng là cán bộ chỉ huy ở các cấp Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn, Quân đoàn, tham gia nhiều trận đánh lớn ở mặt trận các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai, Sài Gòn… Trong số đó, có các chiến dịch lớn như: Đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng trị, giải phóng Đà Nẵng…

Đặc biệt nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 66 của ông là đơn vị bộ binh đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Lúc bấy giờ, ông là Quyền Trung đoàn trưởng.

Với Đại tá Sơn, chiến tranh đã lùi xa, nhưng mọi ký ức, những trận đánh mà ông đã tham gia chưa khi nào phai mờ trong tâm trí.

Trong đó, có những hình ảnh, câu chuyện đã khắc sâu vào tâm khảm, không bao giờ có thể quên được. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh tinh thần giúp ông vượt qua những khó khăn, vất vả giữa đời thường.

Sự kiện đầu tiên mà ông không thể nào quên, đó là vào đầu năm 1973, khi ông đang cùng đơn vị chuẩn bị cho những trận đánh lớn thì nhận được tin sét đánh ở quê nhà. Gia đình ông trong lúc trú ẩn ở dưới hầm bị trúng bom của không quân Mỹ.

Trận bom phá hoại đã cướp đi mạng sống của 3 người thân là bố, em trai và đứa con đầu lòng. Mẹ và người con thứ 2 bị bỏng nặng, vợ ông lúc ấy là cán bộ y tế cũng bị trúng mảnh bom lúc làm nhiệm vụ cứu thương.

“Sự việc xảy ra từ cuối năm 1972, nhưng lúc ấy tôi đang là Tham mưu trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, cùng đơn vị làm nhiệm vụ tái chiếm và chốt giữ cao điểm 367 ở Quảng Trị nên cấp trên quyết định chưa thông báo”, Đại tá Sơn kể lại.

Cùng một lúc mất 3 người thân, chưa kể vợ và con trai thứ 2 bị thương nặng, mẹ già thì bị khủng hoảng tinh trần trầm trọng vì trận bom, người lính trận cố kìm nén nỗi đau.

Ông tranh thủ xuống sông Bùng gánh bùn, trộn với rơm rạ, rồi đi xin từng cây tre về dựng cho vợ ngôi nhà nhỏ, làm chỗ che mưa, nắng.

Trước lúc lên đường trở lại chiến trường, người lính chiến nắm tay vợ dặn dò quyết tâm báo thù nhà, đền nợ nước: “Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi. Nhất định anh sẽ trở về sau ngày miền Nam giải phóng”.

Nước mắt ngày vui non sông thống nhất

Trở lại chiến trường, Nguyễn Sơn Văn được giao làm Trung đoàn phó Trung đoàn 9, tiếp tục chiến đấu tại Quảng Trị.

Tại đây, Trung đoàn vinh dự được đồng chí Phi-đen Cat-xtơ-rô, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước CHND Cu Ba tới thăm và động viên.

Sau đó, ông cùng đơn vị tiến vào mặt trận Quảng - Đà, bao vây và đánh chiếm căn cứ Thượng Đức. Qua mấy tháng giằng co với 3 đợt tiến công, quân ta mới giành được thắng lợi. Lúc này, ông Văn được giao Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, tiếp tục ở lại Thượng Đức chốt giữ cao điểm 1062.

Là người lính Cụ Hồ, về địa phương, Đại tá Nguyễn Sơn Văn thường xuyên sinh hoạt và tham gia các hoạt động của hội. Khi tuổi cao, sức yếu không tham gia sinh hoạt được nhưng ông luôn là tấm gương sáng cho con cháu, thế hệ trẻ noi theo…

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm 2, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu

Đang chốt giữ ở Thượng Đức, ngày 26/3/1975 đơn vị của Đại tá Văn nhận được lệnh hành quân ra đường 14, tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn.

Toàn bộ Trung đoàn bừng bừng khí thế, hành quân và chiến đấu không kể ngày đêm khiến kẻ thù bỏ chạy tán loạn.

Đến giữa tháng 4, Trung đoàn 66 nhận lệnh tiến quân vào giải phóng Sài Gòn từ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn.

Đây là hướng địch tổ chức phòng ngự chặt chẽ và kháng cự mạnh, gây cho chúng ta không ít khó khăn.

Tuy nhiên, bằng sự chỉ huy tài tình và lòng quyết tâm của toàn quân, 11h30 ngày 30/4, Trung đoàn 66 đã tiến vào Dinh Độc Lập.

Sau đó, cũng chính Trung tướng Phạm Xuân Thệ (lúc đó là Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66) cùng các chiến sĩ áp giải Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập đến Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…

Chứng kiến cảnh quân giặc tan rã, người dân ùa ra đường cờ hoa rực rỡ, đồng ca “Nối vòng tay lớn”…, người lính quen trận mạc lại khóc nức nở như một đứa trẻ.

Ông khóc vì từ nay đất nước sẽ độc lập, non sông sẽ về một mối; khóc vì những người thân, đồng đội bị bom đạn giặc Mỹ vùi lấp.

“Thời khắc lịch sử ấy, không riêng gì bản thân tôi mà toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều ôm nhau khóc. Khóc vì vui sướng từ nay đất nước đã độc lập, tự do; Nhân dân hết cảnh lầm than, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Khóc vì tiếc thương cho gia đình, người thân và những đồng đội đã phải nằm lại ở các chiến trường. Trong số đó, có những người nằm lại thời khắc lịch sử này trong một gang tấc…”, Đại tá Văn xúc động chia sẻ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, đơn vị của Đại tá Văn hành quân lên Tây Nguyên dẹp loạn Phun-rô. Sau đó, ông được cử đi học lớp đào tạo sĩ quan cao cấp và giữ đến chức vụ Tham mưu phó Quân đoàn 2. Đến năm 1993, dù chỉ mới 47 tuổi nhưng do sức khỏe không đảm bảo, ông xin về nghỉ hưu.

Ông về quê hương xã Diễn Hạnh, bù đắp những thiệt thòi cho vợ con trong những năm tháng chiến tranh. Đến năm 2017, vợ mất, cộng với những di chứng của chiến tranh để lại khiến ông yếu dần.

Hiện tại, niềm vui lớn nhất của Đại tá Văn là gia đình 4 người con (3 trai, 1 gái với 7 cháu nội ngoại) đều mạnh khỏe, hạnh phúc…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.