Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein
Góp phần giảm phát thải 730.000 tấn khí nhà kính
Báo cáo đánh giá tại tổng kết dự án Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam (V-LEEP) sau 5 năm thực hiện (tổ chức hôm nay 28/4), Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein nhận định, nhờ các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) cùng với các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, dự án đã góp phần giảm phát thải khoảng 730.000 tấn khí nhà kính, tương đương 365.482.807 kg than.
Theo vị này, dự án bắt đầu từ năm 2015, thời điểm cơ cấu nguồn điện của Việt Nam chủ yếu là điện than. Đến nay, cơ cấu nguồn điện phần lớn vẫn là điện than và thủy điện nhưng công suất điện mặt trời đã tăng mạnh. Hiện Việt Nam là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.
Hơn nữa, khu vực tư nhân đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trong lĩnh vực này, qua đó thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với sự phát triển do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Trong đó, dự án V-LEEP đã góp phần huy động 311 triệu USD để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư.
Dự án cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho sự phát triển lưới điện tương lai của Việt Nam và xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII. Đáng chú ý, V-LEEP cũng đã hỗ trợ việc xây dựng chương trình thí điểm Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA)”.
Dự án V-LEEP do Bộ Công thương hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong xây dựng các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải thiện sự tuân thủ đối với các quy định về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp.
Ông Christopher Klein kỳ vọng, sau khi có phê duyệt cuối cùng, cơ chế DPPA sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân (như Nike, AB InBev, Adidas) hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió mới.
Đồng thời, gia tăng những đóng góp của Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Định hướng trong giai đoạn tới, ông Christopher Klein cho rằng, dự án sẽ tiếp tục xây dựng các Tiêu chuẩn Hiệu suất Năng lượng Tối thiểu (MEPS) nhằm giảm tiêu thụ điện trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục góp phần thúc đẩy các mục tiêu hiệu quả năng lượng.
“Trong 5 năm tới, V-LEEP II sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo và dựa vào thị trường thông qua tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu quả ngành năng lượng và tăng cường tính cạnh tranh trong lĩnh vực này”, ông Christopher Klein nhấn mạnh.
Kỳ vọng vào chính sách mua bán điện trực tiếp
Việc phát triển nhanh điện mặt trời khiến nhiều nhà đầu tư phải cắt giảm mạnh công suất phát
Tại buổi lễ, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc điều hành BCG Energy chia sẻ, V-LEEP chính là cầu nối hỗ trợ nhanh nhất đối với những nhà đầu tư lớn về chính sách cũng như định hướng về phát triển năng lượng trong tương lai.
Vị này cũng rất kỳ vọng vào chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị sản xuất điện NLTT tư nhân và các DN, bởi theo ông điều này sẽ giảm bớt thế độc quyền của EVN để đưa về cơ chế mua bán điện cạnh tranh.
Hơn nữa, đơn vị bán điện có thể lựa chọn, đàm phán ngay với DN tiêu thụ điện năng và cân đối được sản lượng phát để tránh trường hợp bị cắt giảm sâu vào những giờ cao điểm nắng nhưng tiêu thụ thấp....hay nói cách khác là hướng đến tiêu thụ được 100% sản lượng điện sản xuất ra.
Khẳng định cam kết sẽ đồng hành với V-LEEP trong công tác vận động chính sách về khí hậu về thí điểm cơ chế Mua bán điện trực tiếp, đại diện của Nike Energy & Carbon Program nhận định: Cơ chế DPPA thông qua hỗ trợ kỹ thuật và quan hệ đối tác chiến lược với khu vực tư nhân đã góp phần quan trọng để đạt được các mục tiêu an ninh năng lượng.
Từ đó, cũng thu hút đầu tư tư nhân cho các dự án phát triển điện gió và điện mặt trời, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Việt Nam tiếp tục giảm lượng phát thải carbon hơn nữa và tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Đưa ra lý do Nike quan tâm đến vấn đề năng lượng ở Việt Nam, vị đại diện bày tỏ: “Cứ 2 đôi giày Nike trên toàn cầu thì có 1 đôi sản xuất tại Việt Nam nên tỷ trọng sử dụng năng lượng của Nike tại Việt Nam rất cao”....
Tại buổi lễ này, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cũng bày tỏ kỳ vọng vào chính sách mua bán điện trực tiếp để có sự cạnh tranh về giá và đó cũng là tiền đề cho mục tiêu giảm giá điện chưa có trong tiền lệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận