Phim Việt nhảy xô vào “ông lớn” Netflix
Mới đây, Hai Phượng - bộ phim của nhà sản xuất kiêm diễn viên Ngô Thanh Vân vừa được Netflix (dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ) mua lại để trình chiếu. Điều này được nhiều người quan tâm, nhất là khi Hai Phượng đang gây chú ý khi công chiếu song song tại hai thị trường Việt Nam và Mỹ, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Trước đó, có những bộ phim Việt cũng đã xuất hiện trên Netflix như: Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn), Chung cư ma (đạo diễn Van M. Pham).
Sự có mặt của phim Việt trên dịch vụ truyền hình trực tuyến nổi tiếng này khiến người hâm mộ vui mừng. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, những bộ phim Việt có mặt trên kho phim của Netflix đều là phim điện ảnh, thuộc thể loại kinh dị, hành động. Còn dòng phim truyền hình - dòng phim đặc trưng của Netflix thì phim Việt lại chưa “có cửa”. Sắp tới, bộ phim Gái già lắm chiêu 3 của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito cũng được thực hiện với kỳ vọng sẽ bắt tay cùng Netflix. Nếu thành công, đây sẽ là bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam có mặt trên nền tảng này.
Theo đạo diễn Bảo Nhân, anh đã tham khảo ý kiến từ phía đối tác Netflix để quyết định thể loại phim ăn khách trên nền tảng OTT hiện nay. Các bộ phim về dòng tâm lý tội phạm, phim kinh dị, phim ma hay hành động là những thể loại phim mà Netflix muốn khai thác nội dung ở các nước khác. Do đó, Gái già lắm chiêu 3 được thực hiện với thể loại tâm lý - tội phạm sẽ gồm 10 tập, có thời lượng 60 phút/tập, xoay quanh cuộc đấu đá giữa các cô bạn thân trong nhóm Tứ đại mỹ nhân. Vì tiêu chuẩn của Netflix thường là những bộ phim có chất lượng video cao nên bộ phim cũng được đầu tư kỹ càng về kỹ thuật và nội dung. Để sản xuất được phim đạt đúng tiêu chuẩn chất lượng có thể tiếp cận các nước trong khu vực và xa hơn thì bên cạnh nguồn nhân sự tốt, ê-kíp phải đầu tư rất lớn về tiền. “Có khi phải gấp 10 lần số tiền để sản xuất 1 series phim hiện nay trên mặt bằng chung”, đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cũng cho biết, dự án được sản xuất đạt chất lượng để chiếu trên các hệ thống OTT (hệ thống chiếu phim online) thì không khó với điều kiện kỹ thuật hiện nay của quá trình sản xuất phim. Do đó, anh tự tin dự án của mình có đủ sức để lan tỏa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn hướng ra quốc tế. Nam đạo diễn khẳng định: “Mục đích duy nhất của chúng tôi là muốn làm ra một sản phẩm chất lượng cao, để chứng minh rằng Việt Nam có thể sản xuất được những series chất lượng, 100% Việt Nam chứ không phải làm remake. Về lâu dài, chúng ta không thể cứ mãi bơi trong ao làng được trong khi về khả năng, kỹ năng, kỹ thuật của nhân sự Việt Nam trong việc sản xuất phim ngày một chuyên nghiệp”.
Chung chiếu với hơn 100 quốc gia, có lợi đến đâu?
Vì Netflix là dịch vụ truyền hình trực tuyến nổi tiếng, có mặt tại hơn 100 quốc gia nên việc các nhà sản xuất Việt bắt tay với “ông lớn” này là điều đáng mừng. Đó là cơ hội để khán giả thế giới biết tới phim Việt nhiều hơn, để những nhà làm phim quảng bá hình ảnh Việt Nam, nền phim ảnh Việt Nam và diễn viên Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhìn nhận, Netflix mở thị trường ở Việt Nam thì việc ông lớn này chú ý tới phim nội địa cũng là dễ hiểu. Những bộ phim nào hợp thị hiếu của khán giả Việt và phần nào hợp thị hiếu khán giả quốc tế thì có thể được mua, nên phim Việt xuất hiện trên Netflix không phải là điều gì quá ghê gớm.
Thêm vào đó, bắt tay với ông lớn Netflix có phải là cơ hội lớn tới đâu cho phim Việt là vấn đề đáng nói. Hiện tại, số lượng thuê bao đăng ký Netflix tại Việt Nam ước tính khoảng 300.000 đầu thuê bao (theo ICT News). Đây là một con số khá nhỏ tại thị trường Việt Nam và có thể là một khó khăn với những nhà sản xuất nhắm tới việc tiếp cận khán giả trong nước. Đạo diễn Bảo Nhân thừa nhận, nhà sản xuất vẫn phải suy nghĩ, cân đong đo đếm để thu lại được số tiền đã đầu tư chứ không “vứt tiền qua cửa sổ” chỉ để thỏa đam mê. Dự án phim của anh tiếp cận Netflix nhưng vẫn phục vụ khán giả trong nước qua những nền tảng OTT của Việt Nam như: Fim+, Danet, Fpt Play... Nam đạo diễn cũng bật mí, hiện tại ngoài Netflix, dự án của anh cũng đang nhận được nhiều lời chào mời thú vị từ 4 nhà OTT của Trung Quốc - đơn vị từng chiếu hai bộ phim OTT thu hút khán giả năm qua như Hậu cung như ý truyện và Diên Hy công lược.
Chia sẻ về điều này, bà Trịnh Lê Minh Hằng, Tổng giám đốc hãng phim Skyline - đơn vị sản xuất phim Chung cư ma nhìn nhận, có thể điều này sẽ là thiệt thòi với khán giả hoặc những nhà sản xuất chỉ nhắm tới thị trường nội địa. Bởi, khi đã bán phim cho hạ tầng này thì nhà sản xuất không được bán phim cho các hạ tầng khác. Nếu tính tổng số lượng người xem phim không chiếu trên Netflix chắc chắn sẽ nhiều hơn chiếu trên hạ tầng này.
Ngoài ra, Netflix thường mua đứt bản quyền. Điều đó đồng nghĩa nhà sản xuất sẽ không có thêm bất cứ khoản thu nào từ bộ phim khi đã bán cho Netflix ngoài tiền bản quyền. Tuy nhiên, với những nhà sản xuất như bà Minh Hằng thì đây không phải điều tệ. Vì bản thân Netflix là đơn vị trả tiền bản quyền rất cao và luôn trả một mức giá xứng đáng cho các bộ phim mình mua.
Bà Hằng nhìn nhận, việc phim Việt xuất hiện trên trên một hạ tầng quốc tế như Netflix là một tín hiệu rất tốt, để nhà sản xuất có cái nhìn rộng hơn, biết tầm phim của mình có khả năng đi được đến đâu. Việc này cũng mở ra nhiều cơ hội cho thị trường phim Việt. Dẫu vậy theo bà Hằng, các nhà sản xuất và khán giả cũng đừng quá bị “ám ảnh” bởi Netflix. “Chúng ta mới chỉ biết đến Netflix, trong khi thị trường quốc tế có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau. Họ vẫn có thể cho chúng ta những cơ hội tương đương như vậy và biết đâu, phim Việt có thể hợp với những hạ tầng khác thì sao?”, bà Hằng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận