Chuyện dọc đường

Kỳ vọng hợp tác kinh tế Việt - Mỹ

12/11/2024, 06:36

Ông Trump đã từng có hai lần đến Việt Nam và đều có ấn tượng rất tốt. Ngược lại, các lãnh đạo nước ta cũng có những chuyến thăm tới Mỹ.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cho thấy, ông Donald Trump giành chiến thắng ngoạn mục.

Nhìn lại gần 30 năm phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, dù ở đời tổng thống nào, đều có một mẫu số chung là ủng hộ thúc đẩy quan hệ hai nước. Qua thời gian, quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Kỳ vọng hợp tác kinh tế Việt - Mỹ- Ảnh 1.

Trên cương vị Tổng thống, ông Donald Trump đã hai lần thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần thứ nhất và dự Hội nghị Cấp cao APEC từ ngày 11 tới 12-11-2017). Ảnh: TTXVN.

Ông Trump đã từng có hai lần đến Việt Nam và đều có ấn tượng rất tốt. Ngược lại, các lãnh đạo nước ta cũng có những chuyến thăm tới Mỹ.

Có thể thấy, với sự ủng hộ của lãnh đạo hai bên, sợi dây gắn liền về lợi ích và ấn tượng tốt của ông Trump với Việt Nam, tôi nghĩ quan hệ hai nước sẽ tiếp tục có đà để thúc đẩy.

Một điểm nhấn khác là Mỹ có lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có lợi ích trong hợp tác và phát triển quan hệ với Việt Nam xét cả trên địa chiến lược và kinh tế, thương mại.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó chính là cơ sở để ông Trump ủng hộ quan hệ kinh tế và các doanh nghiệp.

Song, thách thức ở chỗ, khi ông Trump nhậm chức chắc chắn sẽ có những ưu tiên và cách tiếp cận mới, đặt ra nhiều vấn đề chúng ta phải nghiên cứu, trao đổi để hai bên cùng tìm giải pháp.

Đơn cử, ông Trump là người có cách tiếp cận công bằng, sòng phẳng, có đi có lại. Vậy trong quan hệ kinh tế, thương mại, chúng ta phải nhấn mạnh lợi ích của đôi bên, đặc biệt là vấn đề thâm hụt thương mại.

Theo tôi, thâm hụt thương mại phản ánh quan hệ kinh tế thương mại bình thường. Bởi thực tế có rất nhiều nước xuất khẩu hàng sang Mỹ nhưng hàng hoá của ta vẫn có sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường khắt khe tại Mỹ và đủ sức để tham gia.

Như năm 2016, khi tiếp xúc với chính quyền Donald Trump lần đầu tiên, chúng tôi đã nêu rõ quan điểm, quan hệ Việt – Mỹ có tính bổ sung và hai bên cùng có lợi. Việt Nam sản xuất những mặt hàng mà Mỹ không sản xuất.

Việt Nam hiểu những ưu tiên về cân bằng thương mại của Mỹ nhưng Việt Nam là một nước nhỏ, để mua được hàng của Mỹ thì giá cả phải cạnh tranh, tín dụng ưu đãi. Nếu những vấn đề này được giải quyết thì Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu hơn. Trên thực tế, sau đó, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu của Mỹ hơn, đặc biệt trong khí hoá lỏng và máy bay dân dụng.

Song, chúng ta cần chú ý hơn nữa về vấn đề công bằng, minh bạch trong thương mại.

Về những trở ngại trong quan hệ kinh tế, năm đó, Việt Nam đã có những đề nghị với Mỹ về rào cản phi thuế quan với hàng hóa Việt Nam, còn Washington cũng đề nghị Việt Nam mở cửa, tạo thuận lợi.

Và hai bên tăng cường đàm phán qua cơ chế Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA), cuối cùng đã cho thấy hiệu quả.

Trong cuộc chuyển giao quyền lực lần này, chúng ta còn phải theo dõi về sự quan tâm của Tổng thống đắc cử đối với khu vực ASEAN và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Liệu chính sách đó tới đây sẽ có thay đổi như thế nào so với trước, vì lợi ích của Việt Nam không chỉ có song phương mà còn với cả khu vực.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là cạnh tranh nước lớn. Điều này vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức.

Cơ hội ở chỗ các nước lớn muốn tranh thủ khu vực này, trong đó có Việt Nam và sẽ đưa ra những sáng kiến, thực hiện chuyển dịch chuỗi cung ứng, đưa ra công nghệ mới.

Nhưng thách thức ở chỗ nó có thể tạo ra cái bẫy cạnh tranh. Khi cạnh tranh quá lớn sẽ tạo ra rủi ro, bất ổn trong khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.