Với tính chất tổng kết lại cả nhiệm kỳ 5 năm, phiên chất vấn lần này như một “cuộc sát hạch” tổng thể để qua đó Quốc hội, cử tri có thể phần nào đánh giá được công việc của các thành viên Chính phủ trong cả nhiệm kỳ vừa qua.
Có một điều đặc biệt tại phiên chất vấn lần này, đó là nội dung chất vấn không bị giới hạn về nội dung, số lượng thành viên trả lời chất vấn trực tiếp. Tất cả thành viên Chính phủ đều có mặt để sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Không nằm ngoài kỳ vọng của cử tri, ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi. Do chỉ có 1 phút đặt câu hỏi, các đại biểu đã không ngần ngại đi thẳng vào vấn đề, đưa những lĩnh vực “nóng”, liên quan sát sườn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước lên nghị trường…
Và cũng chỉ có 3 phút trả lời, nên các thành viên Chính phủ đều có những câu trả lời ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo né tránh.
Đáng chú ý, khi đại biểu chưa thỏa mãn với câu trả lời của thành viên Chính phủ thì có quyền bấm nút tranh luận lại. Nhờ đó, một số vấn đề đã được tranh luận đến cùng, không chỉ tranh luận giữa người hỏi và trả lời, mà còn là tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Điển hình là phần phần tranh luận của đại biểu Lê Thanh Vân với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại biểu Diệu Thúy về việc cách chức hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng; hay nữ đại biểu Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp với Bộ trưởng TN&MT, Bộ trưởng NN&PTNT về thủy điện...; phần tranh luận về SGK Tiếng Việt lớp 1 giữa các đại biểu Phương Thảo, Phạm Thị Minh Hiền với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương…
Tất cả đã tạo nên một không khí cởi mở, dân chủ trên nghị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những điều chưa được như mong muốn, chẳng hạn như việc có đại biểu dành thời gian hỏi để ca ngợi thành tích của một ngành, nói thay người mà mình định chất vấn, đến nỗi Chủ tịch Quốc hội phải nhắc: “Hết giờ! Đại biểu vẫn chưa đặt câu hỏi!”.
Hay có một vài thành viên Chính phủ khi trả lời vẫn còn tương đối dài dòng, viện dẫn nhiều quá nhiều văn bản, chính sách mà chưa đi sâu được vào trọng tâm câu hỏi…
Hy vọng, trong hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn còn lại, không khí sôi nổi, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn sẽ tiếp tục được duy trì.
Ở đây cũng cần nói thêm, chất vấn không có nghĩa là “dồn” ai đó đến đường cùng.
Các câu hỏi chất vấn một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội nhưng mặt khác cũng là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Đó cũng là sự gợi ý, bổ sung giải pháp vào chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành để hướng tới giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận