Báo Kyiv Independent dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết các phiên thảo luận của Pháp và Anh diễn ra độc lập tại mỗi nước và không nằm trong khuôn khổ chính thức của NATO.
Mục tiêu của chương trình thảo luận là nhằm chuẩn bị nhiều kịch bản viễn cảnh tương lai, đảm bảo các nước châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Kiev nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu châu Âu phải đóng góp vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đồng thời, chương trình thảo luận cũng đề ra kế hoạch đảm bảo các đồng minh châu Âu tham gia trong trường hợp Nga và Ukraine đàm phán hòa bình. Trên thực tế hiện tại chưa có kế hoạch nào chính thức cho hoạt động đàm phán giữa Kiev và Moscow về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Đáng chú ý, London và Paris đang bàn phương án đảm bảo an ninh cho Ukraine nếu Nga và Ukraine tổ chức đàm phán hòa bình. Hai nước đang tính khả năng điều động quân đội đến tiền tuyến xung đột Nga-Ukraine nhằm giám sát thực thi lệnh ngừng bắn nếu đạt được thông qua đàm phán.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết dù Pháp chưa có kế hoạch đưa quân đội vào chiến trường Ukraine, nhưng nước này không loại trừ bất cứ lựa chọn nào.
"Pháp sẽ hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ và lâu dài nhất có thể vì an ninh của tất cả chúng ta đang bị đe dọa. Mỗi lần xung đột mở rộng thêm 1km2 thì mối đe dọa sẽ tiến gần hơn 1km2 đến châu Âu", Bộ trưởng Barrot nói.
Đây không phải lần đầu tiên ý tưởng đưa quân đội các nước thành viên NATO đến Ukraine được đưa ra bàn luận.
Tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất triển khai lực lượng NATO để hỗ trợ Ukraine. Ý tưởng này đã gây tranh cãi, khi vấp phải sự phản đối gay gắt từ những đồng minh quan trọng như Đức và Anh.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh David Lammy nhấn mạnh rằng lập trường của nước này không thay đổi, không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận