Cuốn Film Book “Khi chúng ta là nhân vật chính” |
Chính vì thế, cuốn Filmbook: Khi chúng ta là nhân vật chính - tập hợp các bài bình luận phim - trước hết đã là một đại diện hiếm hoi cho dòng sách điện ảnh. Sau đó, với những yếu tố đặc biệt trong mình, nó lại trội lên như một kẻ đi tiên phong trong việc hưởng thụ văn hóa đọc kiểu mới.
Đọc và Chơi sách
Bản thân cuốn sách mang hình một chiếc Clapperboard - đạo cụ huyền thoại của giới làm phim. Nghĩa là ngay từ bìa đã hứa hẹn một trải nghiệm gần với điện ảnh, vượt lên trên tầm chữ nghĩa nơi trang giấy.
“Với cuốn Filmbook này, độc giả không chỉ đọc mà còn chơi với sách”, Bùi Dũng nhấn mạnh khi nhắc tới yếu tố tô màu minh họa. Sách tô màu cho người lớn mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây như: Khu vườn bí mật (Johanna Basford), Kỳ ảo với hoa (Valentina Harper) hay Vương quốc muôn loài (Millie Marotta). Tất cả đều có xuất xứ nước ngoài, đồng nghĩa với việc Khi chúng ta là nhân vật chính trở thành ấn phẩm thuần Việt đầu tiên của dòng sách này. Xen kẽ giữa 200 trang bình phim là 60 bức hình tái hiện các cảnh tượng đắt giá như cảnh hai nhân vật chính nằm đọc sách trên giường (The Reader) trong tình trạng khỏa thân nghệ thuật, hay cảnh cậu bé Miguel nhảy múa bên bộ xương người đã khuất (Coco). Hình ảnh chỉ có đường nét đen trắng, nghĩa là màu sắc để độc giả tự quyết định mà theo tác giả: “Mỗi khán giả sẽ có cách tô màu riêng để tạo ra cuốn sách riêng”. Cuốn sách, theo đó, sẽ có sự tham gia của độc giả trong việc định hình nội dung.
Cao hơn, ấn phẩm này ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường, cho phép người sử dụng dùng điện thoại di động để hiển thị hình ảnh 4D trên trang sách. Trong trường hợp của Khi chúng ta là nhân vật chính, công nghệ này sẽ tạo ra những trang sách trình chiếu lại các thước phim như màn hình TV, hoặc nhìn các nhân vật trồi ra khỏi tờ giấy với âm thanh, cử động “sống”. “Chính vì thế, cuốn sách này sẽ không trở nên quá hàn lâm, quá nặng nề mà dễ tiếp cận với khán giả một cách thân thiện hơn”, tác giả Bùi Dũng cho biết. Theo anh, trong thời đại mà nghe nhìn và tương tác mạnh như này hôm nay, sách chỉ lật xem có thể sẽ không còn thỏa mãn độc giả nữa. Cuốn sách này chỉ đơn giản là đi đầu trong việc đưa công nghệ vào ngành xuất bản, việc sớm muộn sẽ xảy ra.
Truyền cảm hứng xem phim
Đi sâu vào nội dung, Khi chúng ta là nhân vật chính trưng ra cảm hứng khám phá điện ảnh mạnh mẽ. Trước hết, đây là một tác phẩm đồ sộ - hơn 220 trang viết bình luận phim của Bùi Dũng đã từng đăng tải trên báo và tạp chí. Tác giả với phổ thưởng thức rộng đã bao quát phim từ nhiều thể loại, nhiều nền điện ảnh và nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Vậy nên, có bài bình phim thị trường và cả phim hàn lâm; bình phim mới ra rạp vài tháng và phim của thập niên đen trắng; bình phim Hollywood phần lớn nhưng cũng có phim Hàn, Nhật, Thái Lan. Không lạ, khi đạo diễn Việt Tú đã nhận định về cuốn sách như: “Một cánh cửa đi vào thế giới điện ảnh dành cho bạn đọc nhiều lứa tuổi”.
Theo tác giả, Khi chúng ta là nhân vật chính không chỉ viết về phim, mà bản thân nó là một bộ phim. Phần nội dung được sắp xếp theo một mạch cụ thể: mở đầu là các phim khơi dậy “Cảm hứng sống”, sau đó là “Cảm hứng yêu”, “Cảm hứng nghề nghiệp”, “Mở cửa điện ảnh bước ra thế giới”. Tất cả đều là những gì mà một đời người sẽ phải trải qua, thống nhất lại như một kịch bản phim đầy đặn; không cần chuyển thể lên máy quay vẫn tạo ra một câu chuyện liền mạch. Bùi Dũng ít đưa vào các chi tiết chê phim, bởi với anh đây là cuốn sách truyền tải những cảm xúc tốt đẹp về phim. Không có đất diễn cho sự tiêu cực.
Phần lớn các bài bình luận bỏ qua nhiều yếu tố chuyên môn như kỹ thuật, dựng phim, chọn góc quay. Điều mà tác giả đào sâu vào tận cùng là thông điệp của nhà sản xuất - được cụ thể hóa ngay từ tên bài viết. Với phim Spotlight, đó là “ngọn lửa nghề báo sưởi ấm tim khán giả”. Với Diệp Vấn 3, đó là “nghĩa vợ tình chồng của soái ca màn ảnh”. Vậy nên, không lạ khi trước mỗi bài bình thường kèm theo một câu thoại “đắt nhất trong phim” để khái quát toàn bộ cảm hứng. Ví dụ như: “Chúng ta trở nên nhân bản không ở khả năng trở nên tử tế mà ở chính mỗi lựa chọn khiến chúng ta tử tế”. Đáng quý ở chỗ, việc chịu khó xem, chắt lọc thoại “đắt” ở cả những bộ phim đen trắng thế kỷ trước kiểu Công dân Kane là một biểu hiện chuyên nghiệp, thường chỉ thấy ở giới bình phim nước ngoài.
“Điện ảnh là phương tiện để suy tư về thế giới, về người khác và về chính mình”. Câu nói này thuộc về Chủ tịch Liên hoan phim Cannes Thiery Frénaux, nay được đạo diễn Đặng Nhật Minh dùng để khái quát Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính. Hiểu theo đạo diễn phim Mùa ổi, thì cuốn sách này đã biến điện ảnh thành nguồn cảm hứng dễ dàng lan tỏa giữa đời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận