Công trình trụ điện số 7 mọc sừng sững trên đất khu ga Mỹ Trạch, vi phạm khoảng cách an toàn tối thiểu trong phạm vi đất dành cho đường sắt
Tỉnh Quảng Bình vừa bất ngờ cấp phép thi công trụ điện thuộc Dự án Trạm biến áp 110kV Cam Liên ngay trên diện tích ga Mỹ Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy). Không những vậy, công trình xây dựng còn vượt quá khoảng cách an toàn cho phép đối với đường tàu.
Cấp phép cả xây nhà
Thông tin với Báo Giao thông, ông Lê Quang Châu, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra văn bản điều chỉnh quyết định giao đất năm 1994, thu hẹp diện tích khu ga đã giao cho đường sắt, lấy phần đất này để xây dựng công trình trụ điện.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Quảng Bình thực hiện việc này. Năm 2009, UBND huyện Lệ Thủy đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong phạm vi đất ga Mỹ Trạch với diện tích 1.165m2 (bao gồm 250m2 đất ở sử dụng lâu dài; 915m2 đất trồng cây lâu năm khác thời hạn đến tháng 12/2029).
Lần này, tỉnh Quảng Bình cho rằng, diện tích đất thu hẹp nằm trên phần đất đã cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân và Ban Quản lý dự án đã thực hiện đền bù cho các hộ này, vì vậy Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế không có quyền ngăn cản thi công.
Không đồng tình với quyết định trên, ông Châu cho hay, từ tháng 10/2020, chi nhánh đã có ý kiến việc xây dựng phải được sự thống nhất của cơ quan chủ quản đường sắt cấp trên, vì công trình thực hiện trên đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, trong khi vấn đề này chưa được giải quyết theo đúng thủ tục thì tháng 12/2020, Ban Quản lý dự án vẫn triển khai thi công bất chấp sự ngăn cản của ga Mỹ Trạch. Đến nay công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Về vi phạm này, Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, năm 1994 UBND tỉnh Quảng Bình ban hành 2 quyết định giao sử dụng đất lâu dài khu ga Mỹ Trạch cho Xí nghiệp Liên hiệp vận tải đường sắt khu vực 2 thuộc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam (nay là Tổng công ty Đường sắt VN) để xây dựng công trình đường sắt, nhà ga, sân bãi, kho tàng, nhà ở tập thể, với tổng diện tích 33.635,5m2.
“Toàn bộ diện tích đất 33.635,5m2 khu ga Mỹ Trạch đã được UBND tỉnh Quảng Bình cấp cho đường sắt từ năm 1994 là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu. Hàng năm, tổng công ty đều báo cáo Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về diện tích đất này. Do đó, tỉnh Quảng Bình điều chỉnh giảm diện tích đất cần có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu là Bộ GTVT và cơ quan tài chính cùng cấp là Bộ Tài chính”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN cho hay.
Hơn nữa, công trình trụ điện số 7 và hành lang an toàn điện được xây dựng với chiều cao trụ điện 28m đã vi phạm, vượt quá khoảng cách an toàn cho phép đối với đường tàu theo Nghị định số 56 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đất dành cho đường sắt dần bị thu hẹp
Về vi phạm này, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình và báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý.
Theo đó, cần thiết phải giao cho Tổng công ty Đường sắt VN chủ trì, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình phối hợp để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất dành cho đường sắt mà UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho XN LHVT 2 làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Theo Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, phần lớn đất tổng công ty được giao quản lý hiện đang quản lý ranh giới theo hồ sơ vì chưa có điều kiện xây dựng hàng rào bảo vệ. Hành lang ATGT đường sắt chưa có điều kiện đo đạc, cắm mốc chỉ giới, dẫn đến thực trạng lấn chiếm, chiếm dụng hành lang.
Mặt khác, do nhu cầu phát triển, một số địa phương “lấy” đất đường sắt để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi hay khu đô thị. Thực trạng này sẽ dẫn đến đất dành cho phát triển đường sắt bị thu hẹp.
Ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, thực tế có nhiều địa phương cho rằng việc quản lý đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương, mặt khác không nắm rõ các quy định pháp luật đường sắt, dẫn đến các vi phạm khi cấp phép liên quan đất hạ tầng đường sắt.
“Có nhiều địa phương thậm chí cấp cả sổ đỏ trong đất hành lang ATGT đường sắt. Để quản lý tốt hơn, cần có kinh phí cho công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt như xác định trích lục bản đồ địa chính, cắm mốc giới… Tổng công ty đã kiến nghị nhưng chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp nguồn”, ông Khánh nói.
Theo Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi, giải pháp căn cơ, lâu dài là sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để lập quy hoạch tuyến, ga đường sắt; lập hồ sơ quản lý hành lang ATGT đường sắt và cắm mốc giới hành lang ATGT đường sắt trong khu vực đô thị.
Cục Đường sắt VN cũng kiến nghị Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt VN chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương có đường sắt quốc gia đi qua thực hiện tổng kiểm tra, rà soát diện tích đất dành cho đường sắt mà chính quyền địa phương đã giao cho đường sắt quản lý sử dụng và diện tích đất mà tổng công ty đang quản lý theo hiện trạng các khu ga. Qua đó nhằm thống nhất chủ thể quản lý sử dụng đất dành cho đường sắt và thực tế nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận