Xã hội

Lạ lùng nhà xưởng, cửa hàng sữa Ất Thảo "mọc" trên đất trồng cây

15/07/2019, 07:27

Được giao đất nông trường để trồng cây ăn quả nhưng hộ nhận khoán ngang nhiên xây nhà xưởng kiên cố, treo biển Sữa Ất Thảo nhiều năm nay.

img
Toàn cảnh cửa hàng, nhà xưởng được xây kiên cố trên đất khoán hợp đồng giao đất trồng cây từ năm 03/11/2009

Cửa hàng sữa "mọc lên" trên đất trồng cây ăn quả

Theo quan sát của phóng viên, phần giáp mặt đường của khu đất vốn được giao khoán trồng cây ăn quả (tại xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội, hướng đường tránh DT 87A rẽ vào Vườn Quốc gia Ba Vì) lâu nay đã sừng sững mọc lên một cửa hàng và khu nhà xưởng kiên cố.

Tấm biển Đặc sản Ba Vì “Sữa Ất Thảo 1” được chưng lên hoành tráng, từ mặt tiền nhìn vào có thể thấy cửa hàng được xây dựng hiện đại, nền bê tông, mái bằng, sơn ốp màu cam, nâu, cửa xung quanh làm kính trong suốt.

Bên trong trang trí đèn, quạt, bàn ghế bắt mắt, nội thất hiện đại, tổng diện tích khoảng 300m2.

Toàn bộ phía sau là hệ thống nhà xưởng khung thép, chia làm hai dãy song song, xây tường, ngăn phòng kiên cố, hệ thống quạt gió chạy ầm ầm, công nhân qua lại hối hả.

Được biết, khu đất này là đất nông trường, được giao để trồng cây ăn quả nhưng hiện đang được sử dụng sai quy định. Sai phạm đã được khẳng định trong cuộc họp xử lý công trình xây dựng trái phép trên khu đất này ngày 02/11/2018. Cuộc họp có mặt cả ba bên: Đại diện Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì, lãnh đạo xã Vân Hòa, chủ đầu tư.

Cụ thể, trong Biên bản họp ghi rõ: việc cải tạo, cơi nới, xây dựng xưởng mới của ông Nguyễn Cao Cường (chủ đầu tư cửa hàng Đặc sản Ba Vì “Sữa Ất Thảo 1”) khi chưa được phép của các cấp có thẩm quyền là sai với nội dung hợp đồng khoán, quy định của Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì và vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì quản lý.

Có điều lạ là tại cuộc họp, các bên nhận thức được rõ sai phạm nhưng không đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm giải tỏa, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Ai là chủ khu đất?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì (Trung tâm) trực thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là chủ khu đất này.

Trung tâm có chức năng nghiên cứu chọn lọc, lai tạo các giống bò, giống cây thức ăn gia súc. Ngày 17/3/1993, Trung tâm được tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất số 01871/QSDĐ/572-QĐ/UB.

img
Dãy nhà xưởng xây dựng phía sau cửa hàng Sữa Ất Thảo

Câu chuyện bắt nguồn từ việc Trung tâm đã giao khoán đất cho cán bộ công nhân viên phục vụ chăn nuôi, sản xuất, nghiên cứu theo chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên, ô đất Hợp đồng số 03B/HĐK, ngày 03/11/2009 khoán đất cho ông Mai Tiến Trinh (Đại Kim, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) nay đang được ông Nguyễn Cao Cường xây dựng nhà máy, cửa hàng Cơ sở Sữa Ất Thảo sai mục đích dưới hình thức hợp tác.

Theo Hợp đồng số 03B/HĐK, ngày 03/11/2009, Trung tâm giao khoán cho ông Mai Tiến Trinh khu đất có diện tích 5.650 m2, lô số IV, tại xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội. Thời gian khoán đất là 50 năm, kể từ ngày 17/7/1995.

Điểm a, khoản 2, điều 3 hợp đồng nêu rõ nghĩa vụ bên nhận giao khoán “Trồng mới cây lâu năm theo quy hoạch và quy trình kỹ thuật của bên giao khoán”.

Hiện giờ, diện tích đất này được “Xây dựng nhà xưởng khá hiện đại” và không có cây lâu năm nào được "trồng lên theo quy trình kỹ thuật của bên giao khoán". Thay vào đó là một dãy cửa hàng nhà xưởng bê tông, xi măng, sắt thép mọc lên sừng sững.

img
Bên trong cửa hàng Sữa Ất Thảo được dựng lên trên lô đất khoán theo hợp đồng Hợp đồng số 03BHĐK

"Sai phạm nhiều năm, sao chỉ xử lý có một?"

Trả lời PV Báo Giao thông vì sao có tình trạng trên, ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống bò và đồng cỏ Ba Vì viện lý do đang trong quá trình chuyển đất trung tâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về cho Thành phố Hà Nội quản lý nhưng chưa chuyển được nên chưa biết phải làm thế nào (chưa có hướng dẫn thực hiện việc xử lý - PV).

Hơn nữa, Hợp đồng số 03B/HĐK do ông Mai Tiến Trinh đứng tên. Trong quá trình cửa hàng, nhà xưởng của cơ sở Sữa Ất Thảo được xây dựng trên đất giao khoán, lãnh đạo trung tâm phát hiện sai phạm đã “bốn lần gọi lên làm việc nhưng nhưng ông Trinh không đến nên không xử lý được".

Khi PV đặt câu hỏi tại sao khi phát hiện bên nhận khoán vi phạm, Trung tâm không thanh lý hợp đồng, thu hồi đất cho thuê?, ông Lưu giải thích: “Vi phạm này đã tồn tại trước đó rất lâu. Đất của Công ty Ao Vua và một số hộ xung quanh trước đây là đất của Trung tâm chuyển sang Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì quản lý cũng vậy, do đó họ cứ thế làm theo. Họ cố tình xây dựng không thể nào ngăn được, xã đến lập biên bản đầy đủ nhưng họ vẫn làm”.

"Nếu xử lý phải xử lý tất cả, sao lại xử lý có một lô đất này?", ông Lưu nói thêm.

Ông Lưu khẳng định luôn rằng Trung tâm không đủ thẩm quyền giải tỏa, hơn nữa hiện nay có giao dịch thu mua sữa giữa người dân và nhà máy xây dựng trên thửa đất nên rất khó xử lý. Trung tâm đã gửi công văn xin ý kiến Ủy ban Nhân dân Huyện Ba Vì, Viện Chăn nuôi nhưng không được trả lời nên không có hướng giải quyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Ước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội lại khẳng định: "Các hộ dân chuyển đổi cơ cấu, sử dụng sai mục đích đất, ủy ban xã phối hợp với Trung tâm để giải quyết. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở phối hợp vì địa giới hành chính của đất nằm trên địa bàn xã nhưng lại là đất của nông, lâm trường do Bộ Nông nghiệp trực tiếp quản lý, ủy ban xã chưa có thẩm quyền... Thực ra, Bộ Nông nghiệp đang thực hiện bàn giao đất Trung tâm về cho Thành phố quản lý nhưng việc đó chưa làm được, hơn nữa từ trước tới giờ nông trường xây dựng chẳng ảnh hưởng gì đến địa phương. Để giải quyết vấn đề này phải có yêu cầu từ lãnh đạo Trung tâm".

Báo Giao thông đã gửi câu hỏi đến Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì để làm rõ một số vấn đề nhưng hơn tháng nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Dư luận cho rằng, việc các bên liên quan "đá bóng" trách nhiệm, không xử lý triệt để việc chuyển đổi đất nông trường đang tạo tiền lệ xấu. Người dân, doanh nghiệp đua nhau lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý để sinh lợi trên đất công trái phép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.