Nhiều nhân viên trong hệ thống ngân hàng kỳ vọng mức thưởng Tết năm nay sẽ cao, hoặc ít nhất cũng bằng năm ngoái.
Tết “ấm” nhờ lãi đậm
Chị Nguyễn Hải Vân, nhân viên tín dụng chi nhánh Cầu Giấy của một ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung có trụ sở tại Hà Nội tiết lộ, ngân hàng nơi chị làm việc đã phong thanh kế hoạch thưởng Tết dương lịch là một tháng lương.
Nhân viên ngân hàng lâu nay vẫn được cho là “sống bằng lương, giàu bằng thưởng”, tuy nhiên công việc của họ cũng rất áp lực. Ảnh: VNE
“Mức này bằng thưởng Tết dương năm ngoái và được áp dụng chung cho cả hệ thống”, chị Vân nói và cho biết kế hoạch thưởng Tết âm lịch thì chưa rõ, song căn cứ theo kết quả kinh doanh rất tốt trong năm nay, mọi người hy vọng sẽ không thấp hơn năm ngoái.
Năm ngoái, ngân hàng nơi chị Vân làm việc là một trong số các ngân hàng có mức thưởng cao, từ 3-5 tháng thu nhập tuỳ theo kết quả công việc của từng vị trí.
Năm nay, ngân hàng tiếp tục có kết quả kinh doanh rất tốt, bởi đến tháng 9 vừa qua đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận mà đại hội cổ đông đặt ra hồi đầu năm.
“Dù là 1 trong 16 ngân hàng cam kết giảm mạnh lãi suất đầu ra và giảm hầu hết các loại thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh do tác động của dịch bệnh, song kết quả kinh doanh vẫn rất khả quan”, chị Vân cho hay.
Đại diện một ngân hàng lớn top 4 tiết lộ, ngân hàng này chưa công bố kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán nhưng nội bộ đã quyết định thưởng Tết dương lịch 1 tháng lương, tương đương năm ngoái.
“Thưởng Tết tính theo trung bình thu nhập. Ví dụ nhân viên lương 10 triệu đồng, tổng thu nhập là 20 triệu đồng thì mức thưởng Tết dương cũng khoảng 20 triệu đồng. Còn về Tết âm, sau Tết dương lịch lãnh đạo sẽ họp và quyết định. Với kết quả kinh doanh năm nay, dự kiến thưởng sẽ khoảng 4 tháng thu nhập”, vị này nói và cho biết, cũng giống như các ngân hàng lớn khác, ngân hàng này không tập trung thưởng vào dịp Tết mà các khoản thưởng như thưởng doanh thu, thưởng vượt chỉ tiêu… được phân phối đều vào các quý trong năm.
Hiện đa số ngân hàng chưa công bố kế hoạch thưởng Tết, nhất là Tết âm lịch, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thưởng Tết của các ngân hàng vẫn là mảng màu sáng trong bức tranh thưởng Tết chung năm nay nhờ kết quả kinh doanh rất khả quan.
Bởi kết quả kinh doanh quý III vừa rồi của 27 ngân hàng trong hệ thống cho thấy dù dịch bệnh lợi nhuận của các thành viên vẫn tăng mạnh, hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều ngân hàng có lãi cao như MSB, 10 tháng lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, VietBank lợi nhuận 9 tháng 400 tỷ đồng so với kế hoạch 390 tỷ đồng năm 2021; SeABank lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2.530 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 2.414 tỷ đồng; VietCapital Bank chỉ cần 6 tháng đã vượt kế hoạch năm khi đạt lợi nhuận 337 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu cả năm 2021 chỉ là 290 tỷ đồng; ACB lãi lũy kế 9 tháng tăng 40% lên 8.968 tỷ đồng…
Tuyển thêm nhân viên, tăng chi lương thưởng
Báo cáo chính thức của ngân hàng mẹ Techcombank cho biết, đến thời điểm 30/9 quy mô nhân sự của ngân hàng đã tăng lên 11.625 nhân viên, từ 11.148 nhân viên tại thời điểm 31/12/2020. Số lượng nhân viên mà Techcombank tuyển thêm trong 3 quý đầu năm 2021 là 477 người.
Nhân viên tăng lên nhưng thu nhập bình quân mỗi nhân viên của Techcombank cũng tăng đều. Cuối năm 2019, mỗi nhân viên đã có thu nhập trung bình ở mức cao trong hệ thống là 30 triệu đồng/người/tháng, nhưng đến cuối năm 2020 con số này tăng lên 36 triệu đồng/người/tháng và đến thời điểm 30/9/2021 là hơn 43 triệu đồng/người/tháng.
Nhân viên của Techcombank được coi là những người có thu nhập tăng đều và tăng mạnh nhất trong hệ thống, cũng là những nhân viên có thu nhập trung bình cao nhất hệ thống hiện nay.
Xếp sau Techcombank về thu nhập bình quân trả cho nhân viên là SHB. Theo đó, ngân hàng mẹ SHB hiện có khoảng 5.249 biên chế, chỉ tăng thêm 12 nhân sự so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, các khoản chi cho nhân viên gồm quỹ lương, thưởng và các chi phí khác cũng tăng hơn 12% lên 1.788 tỷ đồng. Tính toán, thu nhập bình quân mỗi nhân viên SHB hiện vào khoảng 37,8 triệu đồng/người/tháng.
Các nhân viên của một ngân hàng khác cũng có thu nhập thuộc nhóm cao nhất hệ thống là MBbank. Ngân hàng mẹ MBbank cũng có quy mô lên tới 9.577 biên chế tính đến 30/9 vừa qua. Thu nhập của nhân viên MBbank cũng tăng lên 36 triệu đồng/người/tháng, so với mức 35 triệu đồng hồi 30/6 vừa qua.
Bên cạnh các ngân hàng cổ phần, trong nhóm ngân hàng quốc doanh, nhân viên Vietcombank được cho là những người có thu nhập ở mức cao và tăng đều qua các năm.
Vào thời điểm cuối tháng 9 năm nay, ngân hàng mẹ Vietcombank có 20.965 nhân viên, tăng thêm 1.447 biên chế so với với cuối năm 2020.
Tăng nhân sự nhưng chi cho nhân viên của Vietcombank cũng tăng 6%, lên hơn 6.403 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của mỗi nhân viên ngân hàng mẹ Vietcombank cũng tăng lên 34 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các ngân hàng trên mạnh tay chi trả cho nhân viên cao vượt lên trên 30 triệu đồng/người/tháng, một số ngân hàng khác có kết quả kinh doanh tốt và mạnh tay chi cho nhân viên ở mức cao, quanh 30 triệu đồng/người/tháng là MSB, VIB, VPBank, TPBank, ACB, Vietinbank.
Thu nhập nhân viên ngân hàng hiện được chia thành nhiều nhóm. Ngoài nhóm có thu nhập cao như trên, xếp sau là nhóm có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên và sau cùng là nhóm có thu nhập từ 14 triệu đồng trở lên.
Nhân viên ngân hàng được cho là “sống bằng lương, giàu bằng thưởng” nhưng theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung (có thu nhập trung bình trên 26 triệu đồng/người/tháng), thu nhập cao nhưng công việc khá bận rộn. Mỗi ngày nhân viên này bắt đầu từ sớm và kết thúc vào khoảng 19h, nếu vào dịp sự kiện hay tổng kết tháng, quý, năm thì tầm 22h mới kết thúc ngày làm việc.
“Còn các loại áp lực như chỉ tiêu, tính điểm, cơ cấu, áp lực thu nợ khách hàng... nhất là cuối quý hay cuối năm như hiện nay nên nhân viên ngân hàng cũng không nhàn như mọi người nghĩ”, nhân viên này chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận