Ông Phan Đăng Long (giữa) trong lần họp báo về chặt hạ cây xanh. Ảnh: ND |
Vài tuần nay, ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã không còn xuất hiện, chủ trì trong các cuộc họp báo hàng tuần. Ông Long được chuyển công tác khác và chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến tuổi về hưu.
Thông tin này cũng được đem ra bàn luận trên mạng xã hội. Một số phóng viên bắt đầu cảm thấy “nhớ” ông.
Từ “nhớ” phải để trong ngoặc kép vì nó cũng gây ra những quan điểm trái chiều như những phát ngôn đã làm dậy sóng dư luận của ông Long trong thời gian qua. Những người theo dõi thông tin về Hà Nội đã bắt đầu nghĩ về những cuộc họp định kỳ chiều thứ ba hàng tuần tới đây sẽ nhàm chán, khô cứng. Số khác cho rằng ông Long xứng đáng “bị thay thế” vì những phát ngôn chưa chuẩn mực.
Nhưng dù thế nào đi nữa, ông Long đã để lại dấu ấn đậm nét trong những năm ông chủ trì các cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội. Trong những cuộc họp báo, đối diện với những câu hỏi về hàng trăm lĩnh vực, ông Long vẫn tự tin trả lời trực tiếp, ít khi né tránh. Sau khi cuộc họp kết thúc, ông sẵn sàng nán lại, tiếp tục trả lời những người muốn hỏi thêm.
Là địa phương duy nhất trên cả nước tổ chức họp báo hàng tuần, Hà Nội đi đầu trong việc công khai và sẵn sàng trả lời trực diện các vấn đề nóng được dư luận, báo chí quan tâm và đang dần xóa bỏ được định kiến về một thành phố kín tiếng và kém năng động. Ông Long, một phần nào đó, có thể đại diện cho hình ảnh những quan chức Hà Nội cởi mở, thân thiện và biết lắng nghe hơn.
Tuy vậy, tính cách thẳng thắn, bộc trực lại là hạn chế đối với công việc của ông Long, người đáng ra phải trả lời tất cả các câu hỏi của báo chí dựa trên quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không được nhập nhằng với quan điểm cá nhân.
Nếu bớt cảm tính hơn, có lẽ ông Long sẽ không thấy ấm ức và cho rằng phóng viên giật tít “Chặt cây không cần hỏi nhân dân” có ác tâm vì cắt mất của ông phần giải thích: “Theo quy định của pháp luật, việc này chỉ cần Hội đồng nhân dân thông qua”.
Nhìn ra thế giới, người phát ngôn đã là một nghề được đào tạo bài bản từ thế kỷ trước. Trong khi ở Việt Nam, các cơ quan Nhà nước mới chỉ bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của người “giơ đầu chịu báng” trước công luận trong vài năm trở lại đây. Và đương nhiên, không ít người buộc phải đảm đương nhiệm vụ này khi bản thân chưa hội đủ những yếu tố cần thiết, đã phải trả giá.
Tuy nhiên, sự trả giá của họ sẽ mang lại điều gì đó tích cực hơn nếu các cơ quan quản lý bên cạnh việc rút kinh nghiệm trong công tác bố trí nhân sự phát ngôn còn cần tổ chức cơ chế báo cáo, công khai minh bạch trong điều hành quản lý để hỗ trợ người phát ngôn hoàn thành tốt nhất công việc của mình, để những cuộc họp báo thực sự hữu ích, giải đáp được những câu hỏi xác đáng từ công luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận