Lo bán nhà trả nợ
Anh Lê Hồng Sơn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây 3 năm, anh vay trả góp ngân hàng 700 triệu đồng để mua căn hộ hơn 50m2.
Theo cam kết, năm đầu anh được hỗ trợ mức lãi suất cố định 6,8%/năm. Từ năm sau thả nổi với lãi suất huy động cộng với 3,5%. Theo đó, dự kiến lãi suất cho vay biến động khoảng 8,5 - 9 %/năm tùy từng thời điểm.
Nhiều người mua nhà trả góp đang phải đối mặt với áp lực nợ vay tăng cao do lãi suất đồng loạt tăng. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Nhưng từ đầu tháng 10/2022, anh Sơn được ngân hàng thông báo lãi suất tăng lên gần 11%. Có nghĩa, từ giờ trở đi, mỗi tháng anh phải lo trả ngân hàng khoảng 12 triệu đồng/tháng cả tiền gốc và lãi.
Đáng nói, việc tăng lãi suất ngay sau khi xảy ra dịch Covid-19 khiến gia đình anh Sơn lao đao, phải tính toán bán nhà.
“Khi mua nhà, thu nhập hai vợ chồng khoảng hơn 20 triệu đồng. Mỗi tháng dành dụm, chi tiêu tiết kiệm gia đình tôi vẫn có thể gồng gánh trả hơn 10 triệu đồng. Chúng tôi nuôi hy vọng sau khoảng chục năm thì có một chỗ an cư ổn định. Thế nhưng, hiện vợ tôi vẫn chưa có việc làm, thu nhập một mình tôi chỉ đủ đóng tiền nhà, không có tiền cho các con ăn học và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, tôi đang tính bán lại để đi thuê trọ”, anh Sơn chia sẻ.
Không chỉ người mua nhà trả góp khó khăn, nhà đầu tư dựa đòn bẩy tài chính ngân hàng cũng chung cảnh ngộ.
Anh Trần Văn Tài (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, năm 2021, lãi suất ngân hàng xuống mức thấp, anh đã không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng để đầu tư bất động sản.
Mảnh đất diện tích 97m2 tại Thanh Oai, Hà Nội anh mua khi đó giá 3 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng là anh vay ngân hàng.
“Thời điểm tôi mua, lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 6,69%/năm, đến nay đã hết ưu đãi và thả nổi theo thị trường nên đã lên đến 10,5%/năm. Con số này vẫn chưa dừng lại và đang có xu hướng tăng lên. Bây giờ đất chưa bán được nhưng tiền lãi vẫn phải trả đều, tôi phải tính cắt lỗ để giảm áp lực”, anh Tài nói.
Chủ đầu tư ra sức khuyến mại
Lãi suất ngân hàng tăng, kéo theo nhu cầu mua nhà, đầu tư giảm. Theo dữ liệu quý III của Công ty Cổ phần Property Guru Việt Nam, nhu cầu tìm mua bất động sản giảm nhiều so với quý trước.
Đơn cử như Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%. Nhu cầu tìm mua nhà riêng ở các tỉnh này không có nhiều biến động.
Khách hàng giảm, môi giới cũng lao đao. Trong đó, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản; 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn...
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại sẽ không rớt thảm như giai đoạn 10 năm trước, bởi sự điều tiết của nhà nước đã nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Nhưng nếu lãi suất tiếp tục tăng thì hiện tượng cắt lỗ là điều khó tránh khỏi.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho hay, một số ngân hàng đã được nới hạn mức tín dụng, tuy nhiên room này tương đối nhỏ và dành ưu tiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tín dụng rất khó giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản trung và cao cấp.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra dự báo, lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và sang cả năm sau do dư địa tín dụng hạn hẹp.
Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Công ty chứng khoán KB cho rằng, với kịch bản lạm phát tăng 3%, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Property Guru Việt Nam khu vực miền Nam, thanh khoản và mức độ quan tâm đối với bất động sản thấp tầng giảm xuống, một số nhà đầu tư bị áp lực tài chính cần bán ra.
Trong khi người mua nhà loay hoay tìm cách thoát áp lực tài chính, các chủ đầu tư lại phải ra sức tìm khách với ưu đãi khủng để kích cầu như: Thanh toán lần đầu với số tiền nhỏ, ân hạn gốc đến 2 năm và hỗ trợ lãi suất 0% đến 48 tháng; hay có dự án cam kết thuê lại với mức giá cao; hỗ trợ vay ngân hàng với mức lãi suất cố định, chủ đầu tư sẽ bù khoản lãi chênh lệch; chiết khấu lên đến 40% khi người mua thanh toán vượt tiến độ 98%. Thậm chí, có chủ đầu tư cam kết sẽ mua lại bất động sản của khách hàng với lợi nhuận 40% sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng, tương đương 13,3%/năm.
CEO một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, hiện nay, người bán nhiều hơn người mua nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn giảm giá bán nên đã tăng mạnh các khuyến mãi, chiết khấu cao nhằm thuyết phục người mua trong thời điểm này.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhiều khách hàng đặt nghi vấn về giá trị thực của dự án khi chiết khấu mạnh lên đến vài chục phần trăm.
Bên cạnh đó, việc kích thích thanh khoản bằng các ưu đãi khủng càng khẳng định doanh nghiệp đang rất cần tiền.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành vào cuối tháng 9, hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng mạnh lãi suất huy động.
Cụ thể, lãi suất các sản phẩm tiền gửi cao nhất trên thị trường đã lên đến 8,4%/năm, thậm chí có ngân hàng áp dụng mức lãi suất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất huy động đã đẩy lãi suất vay tín dụng mua nhà tăng cao, nhiều người mua nhà, mua nhà trả góp nhận thông báo lãi suất 12% bắt đầu từ tháng 10.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận