Lãi suất cao nhất 7,6%
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, tăng ở hầu hết các kỳ hạn và áp dụng cho hình thức tiết kiệm online.
NamABank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn
Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% lên 6,5%/năm; Kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm; Kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1% lên 6,6%/năm; Kỳ hạn 10-11 tháng tăng 0,3% lên 6,8%/năm; Kỳ hạn 12-15 cũng lên 7,2%/năm.
Khách hàng có thể hưởng lãi suất cao nhất 7,4%/năm nếu gửi tiết kiệm online kỳ hạn dài từ 16 tháng trở lên.
Nếu gửi tiết kiệm thông thường tại quầy, lãi suất cao nhất người gửi nhận được là 6,7%/năm với kỳ hạn dài 18- 23 tháng.
Với biểu lãi suất mới này, mức tăng 0,3% được coi là mức điều chỉnh cao nhất. Tuy nhiên, lãi suất 7,4%/năm tại đây vẫn chưa phải là mức lãi suất cao nhất hệ thống.
Lãi suất cao nhất hệ thống hiện vẫn được Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) huy động ở kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Còn với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất huy động cao nhất là 7,0% áp dụng cho các kỳ hạn dài 12-36 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất nâng lên 7,35%/năm.
Kỳ hạn ngắn nhất tại đây có lãi suất 4,0%/năm khi khách hàng gửi 1 tháng và lấy lãi cuối kỳ.
Loạt ngân hàng tăng lãi suất
Không riêng NamABank tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng khác cũng tăng lãi suất huy động kể từ đầu tháng 4 này.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động từ cuối tháng 3 tới nay. Ảnh minh hoạ
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) cũng tăng 0,2% ở hầu hết các kỳ hạn dài.
Theo đó, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 18 tháng được cộng thêm 0,2% lãi suất lên 6,9%/năm. Nếu gửi tiền kỳ hạn 24 tháng cũng được nâng lãi suất lên 7%/năm.
Nhóm các ngân hàng TMCP quốc doanh BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank vẫn duy trì lãi suất huy động ổn định, cao nhất 5,5-5,6%/năm.
Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng của nhóm này duy trì 3,78%/năm trong tháng thứ 10 liên tiếp, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng không thay đổi với 4,95%/năm sau 8 tháng.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Hàng Hải, Đông Nam Á, Quốc tế, Đông Á... cũng tăng lãi suất tiết kiệm 0,1%- 0,2%/năm cho các khách hàng gửi tiết. kiệm thông thường tại quầy.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thống kê cho thấy, lãi suất huy động trung bình đối với cả hai kỳ hạn phổ biến nhất là 6 tháng và 12 tháng đều được các ngân nâng nhẹ.
Theo đó, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 6 tháng tăng nhẹ 0,03 điểm phần trăm lên 4,82%; Lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng tăng 0,04 điểm phần trăm lên 5,58% kể từ cuối tháng 3 đến nay.
Nếu xét theo quy mô, nhóm ngân hàng TMCP quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng tăng 0,02% với kỳ hạn 6 tháng lên 4,59%/năm và tăng 0,03% với kỳ hạn 12 tháng lên 5,34%/năm.
Còn nhóm ngân hàng TMCP quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng tăng nhiều hơn với 0,04% và 0,05% lên lần lượt 5,46% và 6,09%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Theo CTCP Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ thêm từ 0,2-0,25% trong nửa cuối năm.
SSI cho rằng, các tháng còn lại của năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần, mức tăng phụ thuộc vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 3 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng là 5,04%, cao hơn mức tăng 2,16% của cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng, tín dụng tăng mạnh cho thấy nhu cầu về vốn tăng lên khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được thúc đầy kề từ khi mở cửa trở lại.
Đây cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn trong các tháng đầu năm nay, đẩy lãi suất liên ngân hàng cũng như lãi suất huy động nhích lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận