“Phải coi BOT là một trong những sứ mệnh”
Tại hội thảo: “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” tổ chức hôm nay (4/9), ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, xã hội cần nhận thức, đánh giá khách quan về hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
“Chúng ta phải coi BOT, coi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là một trong những sứ mệnh và đặt nó trong từng giai đoạn”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Cũng theo ông Nhưỡng, các dự án BOT giao thông đối mặt rủi ro rất lớn, nhưng trách nhiệm chia sẻ lại rất ít. Khi làm dự án, các tổ chức tài chính, ngân hàng tính toán rất kỹ về mặt cơ số, nếu thấy lãi thì họ đầu tư, trống giong cờ mở, nhưng khi dự án có vấn đề thì họ chặn lại các nguồn vốn, để nhà đầu tư tự chịu rủi ro.
“Mấy ngày nay, tôi đang nghiên cứu một số đơn kiện, đơn khiếu nại của một số doanh nghiệp thì thấy tình trạng này hiện nay rất nguy hiểm. Tôi dự kiến sẽ có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về một số vấn đề của hệ thống ngân hàng. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chúng ta không thể thực hiện được các chủ trương, quan điểm về đầu tư nói chung cũng như đầu tư BOT giao thông nói riêng”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho rằng, xã hội cần coi BOT, coi đầu tư theo hình thức PPP là một trong những sứ mệnh và đặt nó trong từng giai đoạn. Chúng ta hãy đặt lên bàn, đưa ra ánh sáng tất cả những thứ được gọi là lợi ích phân phối ngay chính trong các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân sẽ được gì từ BOT giao thông, cả những lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần.
“Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, nếu trước đây không làm 12 dự án nghìn tỷ, chúng ta để dành tiền đầu tư vào giao thông nó sẽ tạo ra huyết mạch cho quốc gia, máu chảy đến đâu, tế bào kinh tế sẽ nảy sinh đến đó. Nhà nước vừa có hạ tầng lại vừa thu được thuế, người dân cũng được hưởng lợi rất lớn, nhưng cơ quan chức năng đã không làm như vậy”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Cũng theo ông Nhưỡng, muốn tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy đầu tư giao thông theo hình thức BOT, vấn đề nhận thức là rất quan trọng và phải đặt lên bàn những vấn đề lợi ích. Đồng thời, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền để người dân, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng vào cuộc, tránh tình trạng: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”.
Ngân hàng ngoảnh mặt với nhà đầu tư
Cũng liên quan vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông thời gian qua là sự thiếu hợp tác từ phía các ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng trong việc quan tâm hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của đất nước và Nhà nước cũng chưa có ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào làm nòng cốt để tham gia vào lĩnh vực này.
“Các nhà đầu tư đang phải tự xoay xở và gặp khó khăn rất lớn khi huy động vốn đầu tư các dự án giao thông. Ngân hàng tài trợ vốn bản chất cũng như một nhà đầu tư kinh doanh tiền tệ, mặc dù được hưởng lợi ích từ lãi suất cho vay nhưng khi dự án gặp phải khó khăn, vướng mắc thì họ bàng quan, im lặng”, ông Hoàng nói và cho biết, ngân hàng chỉ quan tâm đến việc thu đủ, thu đúng và sẵn sàng phát ra thông điệp rủi ro là do Nhà nước và nhà đầu tư đã không thực hiện đúng theo cam kết.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu vốn Nhà nước đối với chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư các dự án trọng điểm, các chủ thể đại diện cho phần vốn của Nhà nước cũng cần được các cơ quan kiểm tra, giám sát có ý kiến. “Các quan điểm về thẩm định cho vay lúc thì theo quy định pháp luật, lúc thì theo quan điểm rủi ro, thông lệ riêng của ngân hàng”, ông Hoàng chia sẻ.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Hoàng đề xuất, ngân hàng cần xác định trách nhiệm chia sẻ rủi ro khi dự án gặp vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư với cơ quan công quyền nhằm tháo gỡ các bất cập về cơ chế hiện nay.
“Trường hợp Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thay đổi hợp đồng dự án dẫn đến hợp đồng tín dụng bất lợi, các ngân hàng cần phối hợp với nhà đầu tư để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trình Quốc hội, Chính phủ xem xét tháo gỡ thông qua việc xây dựng điều chỉnh chính sách vĩ mô”, ông Hoàng nói.
Không làm BOT, lấy đâu nguồn lực đầu tư
Cũng tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn sắp tới rất lớn, cần khoảng gần 2 triệu tỷ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách dự kiến chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%. “Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, một trong những giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là hình thức hợp tác công tư (PPP)”.
“PPP không phải là hình thức bây giờ mới có, bởi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình để phát triển đất nước trong giai đoạn đầu từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển, điển hình nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng từ những năm 1965 - 1975. Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình PPP mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực giao thông khoảng 5 - 6 năm trở lại đây”, Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay ở nước ta có khoảng 500.000km, chất lượng các tuyến đường mới đạt khoảng 30 - 35% theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Những năm qua, ngành GTVT đã áp dụng hình thức BOT vào đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1, QL14. Hai tuyến này không phải vừa rồi chúng ta mới làm mà đã có từ rất lâu. Ngày xưa, cấp đường của hai tuyến đều rất thấp, ban đầu chỉ rộng 3,5m, sau đó nâng cấp dần lên 5,5m, 7,5m, 11m, vừa rồi mới mở rộng lên 21m”.
“Đây là những tuyến đường huyết mạch, trong khi ngân sách bố trí vốn chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, nếu chúng ta không huy động làm bằng hình thức PPP, không thể hoàn thành việc mở rộng hai tuyến đường huyết mạch quốc gia này, bởi cứ trông chờ vào ngân sách thì không biết đến bao giờ mới làm được”.
“Chúng tôi hiểu quan điểm không đầu tư BOT trên đường độc đạo, nhưng nếu thế hình thức BOT chỉ áp dụng được duy nhất đối với các dự án đường cao tốc hoặc một số tuyến đường chuyên dụng. Đặt lại vấn đề, những tuyến đường còn lại chất lượng còn yếu kém, quy mô chưa được mở rộng, hệ thống an toàn giao thông chưa đồng bộ thì lấy nguồn lực ở đâu để làm? Ví dụ các tuyến đường lên miền núi hay các tuyến nối từ QL1A lên QL14 sẽ lấy tiền ở đâu?”
“Tôi cho rằng, bây giờ những con đường ở khu vực kinh tế phát triển, khu đô thị phát triển vẫn phải đầu tư bằng BOT. Điển hình như đoạn đường từ Xuân Mai về Sơn Tây có lưu lượng rất lớn, đây là tuyến đường hiện hữu, chúng ta nhìn nhận, tổ chức lại, nếu làm bằng BOT tuyến đường này sẽ có 4 - 6 làn xe, khu vực này chắc chắn sẽ phát triển kinh tế rất mạnh, còn cứ để như hiện nay không biết lấy tiền đâu để mở rộng?”
“Rất nhiều con đường có đủ điều kiện về lưu lượng để đầu tư bằng BOT, nếu không cho phép nâng cấp, mở rộng theo BOT trên đường hiện hữu thì không biết đến bao giờ các tuyến đường này mới được đầu tư”, Thứ trưởng Thọ chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, những tồn tại, hạn chế của BOT giao thông đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát, các đoàn thanh tra, kiểm tra đưa ra kết luận. “Bộ GTVT luôn cầu thị, tiếp thu và cố gắng làm tròn trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn của mình. Bộ GTVT đang nỗ lực cùng các bộ, ngành khác hoàn thiện Luật PPP để có cơ sở pháp lý triển khai các dự án sau này”, Thứ trưởng chia sẻ thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận