Công văn nêu rõ, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông tỉnh Lâm Đồng tại văn bản nêu trên; căn cứ các quy định về đầu tư xây dựng, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30/11.
Theo Ban QLDA giao thông tỉnh Lâm Đồng, Dự án nâng cấp đường nối từ ĐT 725, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đến ranh giới tỉnh Đắk Nông được HĐND tỉnh phê duyệt ngày 12/7 về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 340 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh thuộc kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và giao Ban QLDA giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.
Tuyến ĐT725 giúp người dân các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng phát triển kinh tế xã hội và có tầm quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông.
Đây là tuyến đường ngắn nhất nối TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) với TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), từ đó nối QL20 đến tỉnh Đồng Nai thuận lợi nhất.
Hiện nay Ban QLDA giao thông Lâm Đồng đang thực hiện bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đã kí hợp đồng tư vấn với Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5. Đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12.
Ngày 13/11, Ban QLDA đã tổ chức báo cáo đầu kỳ, buổi làm việc có đại diện Sở GTVT Lâm Đồng, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư, các bên đã thống nhất nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi do đơn vị tư vấn lập và biên bản làm việc.
Tuy nhiên, thực tế tại hiện trường có một số tồn tại khó khăn như. Đoạn tuyến từ Km0 – Km 21+500 địa hình tương đối ổn định nên được thiết kế theo phương án cải tuyến đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật đường cấp IV-miền núi, trắc dọc đảm bảo dốc dọc tối đa, đoạn dừng nghỉ theo đúng tiêu chuẩn.
Đoạn tuyến Km 21+500 đến cuối tuyến (giáp ranh tỉnh Đắk Nông) với chiều dài khoảng 6,1km đi qua địa hình đồi núi khá phức tạp, bên đồi núi cao, bên là vực sâu. Ngoài ra, bên phải tuyến còn là phạm vi an toàn đập thủy điện Đồng Nai 4.
Vì vậy, tại một vài vị trí khi thiết kế đường cong, trắc dọc theo đúng tiêu chuẩn cấp IV miền núi phải cải tuyến và khối lượng đào sâu đắp cao rất lớn, diện tích chiếm dụng lớn sẽ tác động đến diện tích rừng tự nhiên (khoảng 5,4ha), sẽ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ an toàn đập thủy điện Đồng Nai 4.
Trước thực tế đó, Ban QLDA giao thông trình UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép từ đoạn tuyến từ Km0 - Km 21+500 thiết kế theo phương án cải tuyến đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật đường cấp IV-miền núi, trắc dọc đảm bảo dốc dọc tối đa, đoạn dừng nghỉ theo đúng tiêu chuẩn.
Đoạn tuyến Km 21+500 đến cuối tuyến (giáp ranh tỉnh Đắk Nông) châm chước bình đồ, trắc dọc bám theo đường hiện trạng, chỉ mở rộng mặt đường bằng cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa tăng cường đảm bảo quy mô mặt cắt ngang theo tiêu chuẩn đường cấp IV-miền núi.
Ngoài ra, tại các vị trí châm chước sẽ bố trí biển báo kết hợp sơn kẻ đường để đảm bảo an toàn trong quá trình đưa vào vận hành, khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận