Thế giới giao thông

Làm đường sắt cao tốc ở Ấn Độ, Nhật Bản có thể bị hớ?

24/10/2018, 07:41

Dự án hợp tác xây dựng đường sắt cao tốc đầu tiên giữa Nhật Bản-Ấn Độ được nhận định là “chiến thắng lớn”...

27

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong chuyến thăm của ông Modi tới nhà máy sản xuất tàu Shinkansen tại Kobe

Tuy nhiên, đã một năm sau khi bắt đầu thực hiện, tiến độ dự án khổng lồ này vẫn rất ì ạch. Đồng thời, dư luận Tokyo có vẻ hoài nghi về ý nghĩa đằng sau quyết tâm giành bằng được dự án này của Chính phủ Nhật.

Những nỗ lực giành giật dự án

Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ dự kiến hoàn tất vào năm 2023, nối thủ đô thương mại Mumbai và thành phố công nghiệp Ahmedabad nằm ở phía Tây của nước này, dựa trên công nghệ tàu Shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản, được Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng là hiện đại hóa hệ thống đường sắt 165 tuổi của nước này.

Thỏa thuận hợp tác được đặt nền móng từ hội nghị Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modi hồi tháng 12/2015. Đây được coi là thành quả vang dội của ông Abe sau khi đàm phán thành công, giúp Tokyo vượt mặt đối thủ nặng ký là Trung Quốc.

Sở dĩ vậy, vì dù công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản ra đời trước Trung Quốc và có lịch sử an toàn tuyệt đối sau hàng chục năm vận hành nhưng giá thành thực hiện khá đắt đỏ.

Trong khi đó, Trung Quốc lại thu hút đối tác nước ngoài với các khoản trợ cấp tài chính “rất mạnh tay”. Phần vì lý do này, Tokyo mất khá nhiều hợp đồng đường sắt vào tay Bắc Kinh như dự án đường sắt tốc độ cao tại Thái Lan, đường sắt nối Singapore - Kuala Lumpur và dự án kết nối Thái Lan - Malaysia.

Để đạt được thỏa thuận cùng Delhi, Tokyo đã “chơi lớn” khi chấp nhận cho vay 70% chi phí thực hiện dự án (880 tỉ rupee trên tổng số 1,08 nghìn tỉ rupee) theo hình thức nợ chính phủ bằng đồng yên với lãi suất năm khoảng 0,1% (gần như là lãi suất bằng 0) và có thể trả lại trong 50 năm.

Như vậy, sau nhiều năm quảng bá trên toàn thế giới, Ấn Độ là đối tác thứ 2 sau Đài Loan bắt tay với Nhật để nhập khẩu tàu Shinkansen.

Giới chức Nhật Bản khẳng định, điều khoản trong hợp đồng cho vay mà phía Nhật cung cấp là “hào phóng chưa từng có”, thể hiện mức độ quyết tâm cực lớn của xứ sở hoa anh đào trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc.

Theo nhiều chuyên gia như ông Jaideep Ghosh, đối tác, người đứng đầu mảng tư vấn giao thông tại Công ty KPMG, sở dĩ Nhật quyết giành bằng được dự án này bởi nó sẽ mang lại danh tiếng và xây dựng hình ảnh cho Tokyo trong lĩnh vực tàu cao tốc giữa bối cảnh thị trường xuất khẩu công nghệ tàu tốc độ cao đang rất nóng, nhiều nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á đang quan tâm tới hình thức vận tải này.

Hiện tại, Nhật Bản cũng nhắm Mỹ là thị trường tiềm năng tiếp theo để xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc bởi tăng cường hạ tầng giao thông trong đó có đường sắt tốc độ cao là một trong những cam kết hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Có thể bị hớ nếu Ấn Độ đa dạng hóa nhà thầu

Tuy nhiên, một bộ phận dư luận Nhật Bản lại cho rằng, việc Nhật Bản nhượng bộ hết sức để giành được dự án này là bị hớ.

Theo một bài bình luận trên tờ Japan Times, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các điều khoản vay cực kỳ có lợi cho Ấn Độ để giành dự án Mumbai - Ahmedabad với hy vọng các công ty Nhật Bản có thể chiến thắng thêm nhiều thoả thuận tương tự cho các dự án đường sắt cao tốc khác trên tiểu lục địa Ấn Độ.

Tuy nhiên, thực tế, New Delhi đến nay vẫn chưa ra quyết định với bất cứ dự án nào khác và khả năng cao, những dự án này sẽ được trao cho các công ty của châu Âu hoặc Trung Quốc.

Chưa kể, dự án biểu tượng của không chỉ Ấn Độ mà còn cả Nhật Bản đang vấp phải nhiều thách thức. Hơn một năm sau khi dự án đường sắt cao tốc Ấn Độ chính thức được khởi động, tốc độ thực hiện đang vô cùng ì ạch.

Hiện tại, chỉ có 0,9ha trên tổng số 1.400ha đất được giải phóng mặt bằng vì người nông dân không hài lòng với mức tiền bồi thường. Một nhóm nông dân bị ảnh hưởng vì dự án này đã khiếu kiện lên Tòa án Cấp cao Gujarat.

Dù vậy, Tập đoàn Đường sắt cao tốc quốc gia Ấn Độ, đang thực hiện dự án tàu cao tốc này khẳng định, chi phí thực hiện dự án sẽ không bị đội lên dù chậm trễ thu hồi  đất và cam kết sẽ “quan tâm tới quyền lợi của những người nông dân bị ảnh hưởng”.

Ông Raghbendra Jha, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề đau đầu tại Ấn Độ và nhiều dự án đã bị trì hoãn chỉ vì lý do đó. Vì vậy, khả năng dự án tàu cao tốc lần này không kịp cán đích năm 2023 là rất cao”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.