Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi) xảy ra 881 vụ chiếm 8,96% số vụ trên toàn quốc, làm chết 490 người, bị thương 827 người.
Trong số này có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Các vụ TNGT liên quan đến xe mô tô trên 175cm3 chiếm 0,44%, xe mô tô từ 50 - 175cm3 chiếm 71,31%, xe hai bánh dưới 50cm3 chiếm 15,93%, xe đạp chiếm 4,88%, xe đạp điện chiếm 4,09%, xe máy điện chiếm 3,01%, xe ba bánh chiếm 0,35%.
Đại diện Bộ Công an cho biết tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT hiện nay, ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp. Nhất là hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…
Để xảy ra các vụ TNGT đáng tiếc liên quan đến học sinh, không thể không đề cập đến trách nhiệm của cha mẹ khi giao những phương tiện mà bản thân các em chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Bởi vậy, việc xử lý học sinh, xử lý cả phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho các em, khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông là cần thiết. Đây còn là giải pháp phòng ngừa từ xa với những hành vi vi phạm pháp luật khác, như gây rối trật tự công cộng hoặc tụ tập, đua xe trái phép.
Việc trang bị đầy đủ kỹ năng cho các em trước khi được giao xe là rất cần thiết nhằm giúp các em tham gia giao thông an toàn. Ngoài trách nhiệm từ phía gia đình, trách nhiệm các trường học, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng cần đẩy mạnh để vận động và triển khai, mô hình an toàn giao thông gắn với kỹ năng điều khiển phương tiện.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.
Khi các em được bồi dưỡng kiến thức pháp luật an toàn giao thông và các kỹ năng điều khiển xe an toàn, xã hội sẽ có một môi trường giao thông an toàn, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, góp phần giảm chi phí xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận