Cần giải pháp liên thông thẻ vé
Ngày 9/8 tới đây, Hà Nội chính thức đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội.
Khẳng định vai trò của tuyến đối với giao thông thủ đô, GS. TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, sau nhiều lần lỡ hẹn, tuyến metro này cũng đã về đích. Các cơ quan quản lý, cơ quan vận hành cần đảm bảo mọi điều kiện để đưa tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội vào hoạt động càng sớm càng tốt.
Theo ông Sùa, đây là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành thành phố, khi khai thác, chắc chắn sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực về ùn tắc giao thông, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội sẽ có giá trị lớn trong chuyên chở hành khách trên các tuyến đường mà nó đi qua, từ đó, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường cho Thủ đô Hà Nội.
Lấy ví dụ từ tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sau vận hành đã giúp một bộ phận người dân dần có thói quen di chuyển bằng phương thức vận tải hành khách công cộng, khối lượng lớn, thể hiện qua mức độ tăng trưởng hành khách của tuyến, TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản cho biết, đây sẽ là tiền đề tốt để tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động.
"Chúng ta có thể kỳ vọng số người sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến đường sắt này sẽ tăng nhanh tương tự như tuyến Cát Linh - Hà Đông, dù mức độ tập trung nhà ở, văn phòng hiện nay dọc tuyến Nhổn - ga Hà Nội chưa đông như tuyến Cát Linh - Hà Đông", ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, hai tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sử dụng hai công nghệ khác nhau, do đó, cách vận hành và duy tu bảo dưỡng, bảo trì sẽ có những điểm khác nhau theo từng công nghệ được sử dụng.
Tuy nhiên, điều ông Bình băn khoăn lớn nhất có thể ảnh hưởng tới khách hàng là hệ thống bán vé và thẻ vé. "Chắc chắn cách thức bán vé, soát vé của 2 tuyến sẽ khác nhau, điều này có thể làm khó hành khách trong thời gian đầu", ông Bình nói và cho biết điều này từng xảy ra tại Nhật Bản.
Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã đưa ra một thẻ thanh toán gắn chip có thể dùng chung trên nhiều tuyến tàu, tạo thuận lợi cho hành khách bởi không bị bỡ ngỡ hay mất nhiều thời gian để tìm hiểu cách thức bán vé, ra/vào các tuyến đường sắt đô thị khác nhau. Mặt khác, loại thẻ này còn có thể sử dụng thanh toán các chi phí giao thông khác, thậm chí là trả tiền hàng.
"Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể nghiên cứu giải pháp này, sao cho có được phương án thanh toán liên thông giữa các phương thức giao thông công cộng tạo thuận lợi nhất để người dân sử dụng nhanh chóng và an toàn", ông Bình nêu ý kiến.
Cần các điểm đỗ xe cá nhân
Sau 2 năm đi vào hoạt động, hiện một số nhà ga, điểm đỗ xe cá nhân tại các nhà ga của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông còn khá xa các ga tàu, điểm đỗ xe tại ga Cát Linh thì quá tải.
Rút kinh nghiệm từ tuyến này, để vận hành tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội một cách hiệu quả, TS Khương Kim Tạo cho rằng cần chú trọng bố trí các điểm đỗ xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp) ở khu vực các ga tàu điện để người dân chuyển đổi phương tiện. Phương án phải có lộ trình trong trung hạn, dài hạn, có sự tính toán về mức độ tăng trưởng nhu cầu hành khách trong các năm tới.
Đồng quan điểm, TS Phan Lê Bình cho biết, hiện nay, khu vực ngoài Vành đai 3 xuống Nhổn, một số nơi có mức độ phát triển đô thị tương đối thấp và có một số diện tích còn trống. "Nếu tận dụng các vị trí này làm bãi đỗ xe hoặc nơi trung chuyển hành khách, sẽ thuận lợi hơn cho người dân", ông Bình đề xuất.
Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, đối với các khu vực trung tâm, các quận nội thành, tại nhà ga không nên bố trí quá nhiều không gian cho chỗ gửi xe cá nhân, thay vào đó, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, qua đó, thực hiện mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân của thành phố vào năm 2030.
Tăng cường kết nối phương tiện giao thông công cộng
Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong tiếp cận các ga tàu ĐSĐT, theo TS Khương Kim Tạo, cơ quan quản lý cần bổ sung các điểm xe buýt nằm sát các ga tàu tạo thuận lợi cho việc trung chuyển người dân đến ga và gom khách từ ga đi các nơi khác trong thành phố.
Trong trường hợp các điểm xe buýt đã có sẵn nhưng chưa gần với nhà ga có thể di chuyển lại sao cho phù hợp. Song song với đó là cải thiện chất lượng các điểm dừng chờ để khuyến khích người dân sử dụng.
Mặt khác, cũng cần xem xét nhu cầu hành khách để có điều chỉnh số lượng chuyến xe tại những tuyến buýt sẵn có, bổ sung thêm các tuyến xe buýt khác kết nối với các nhà ga, đặc biệt là các tuyến xe buýt kết nối nhà ga của hai tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Từ đó, phát huy hiệu quả tối đa trong vận hành khi cả hai tuyến đều đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, ông Tạo cho rằng các dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cũng cần được quan tâm bố trí tại khu vực nhà ga để phục vụ người dân tự di chuyển từ nhà ga đến nơi cần đến và ngược lại.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi xây dựng ĐSĐT đó là xây dựng liên thông có ít nhất 2 tuyến "chụm đầu" vào nhau. Tuy nhiên, 2 tuyến ĐSĐT hiện nay ở Hà Nội chưa có sự kết nối này, để khắc phục và phát huy hiệu quả khi vận hành, cần bố trí các tuyến xe buýt tăng cường liên thông giữa 2 tuyến.
Băn khoăn về tình trạng xe taxi, grab, xe ôm công nghệ dừng đỗ, chèo kéo đón/trả khách khu vực các nhà ga như tại tuyến Cát Linh - Hà Đông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ách tắc giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng nếu không có giải pháp chủ động, rất có thể tình trạng này cũng sẽ xảy ra trên tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Do đó, thành phố Hà Nội cũng cần dành quỹ đất, bố trí không gian cho các điểm đón trả khách cho xe taxi, xe buýt, grab, xe ôm, tách khỏi dòng giao thông thông thường để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho biết, dọc trục tuyến metro có 36 tuyến buýt đang hoạt động.
Hai điểm trung chuyển (Cầu Giấy và Nhổn) có 32 điểm dừng xe buýt (16 điểm có nhà chờ). Hiện có 8 ga kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0 - 50m.
Ngoài ra, mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản đã tạo ra được sự kết nối giữa tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Cụ thể, 2 tuyến metro được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, đủ khả năng đáp ứng khoảng 15 - 30% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận