Đây là một sự kiện lớn, được xem như “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa trong thời kỳ mới, thu hút sự quan tâm của toàn thể giới văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa văn nghệ cũng như cả xã hội.
Trao đổi với Báo Giao thông, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL bày tỏ kỳ vọng Hội nghị lần này sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.
NSND Lê Tiến Thọ. Ảnh: Nguyễn An
Văn hóa phải là “chân kiềng” vững chắc
Nếu tính từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức năm 1946 và Hội nghị lần thứ hai tổ chức năm 1948, đến nay chúng ta mới lại tổ chức Hội nghị lần thứ ba. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Nhìn lại, nếu tính từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đến nay đã 75 năm, còn từ Hội nghị thứ hai đến nay cũng đã là 73 năm.
Đó là một khoảng thời gian dài, trong khi đất nước đã trải qua một quá trình phát triển với rất nhiều sự thay đổi về cả kinh tế lẫn xã hội.
Từ sau thời kỳ đổi mới đến nay, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, chính trị ổn định, kinh tế luôn phát triển. Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt được nhiều kết quả, nhiều biểu hiện tích cực.
Tuy nhiên, do tác động của kinh tế thị trường, cũng xuất hiện không ít những mặt trái.
Trong đó phải kể đến như: Đạo đức xã hội xuống cấp; văn hóa truyền thống đang bị mai một; đời sống văn hóa ở các vùng miền có sự chênh lệch về thụ hưởng; văn nghệ sĩ gặp khó khăn, một bộ phận không nhỏ không sống được bằng nghề; không có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao...
Vì vậy, chúng tôi háo hức chờ đợi Hội nghị lần này sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.
Và chúng tôi rất mong rằng sau Hội nghị sẽ có những chuyển biến tích cực từ các cơ quan quản lý cũng như đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, để văn hóa thực sự nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu, phát triển xã hội.
Các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển. Theo ông, trong thực tế, vấn đề này đã được thực sự được coi trọng hay chưa?
Tại Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất năm 1946, Bác Hồ đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 75 năm qua, lời Bác dặn vẫn là ánh sáng chỉ đường định hướng cho văn hóa phát triển.
Đảng đã đề ra nhiều Nghị quyết quan trọng để khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu phát triển xã hội.
Xây dựng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển con người vì con người là trung tâm của xã hội. Đó là văn hóa đã đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội - một nhiệm vụ hết sức quan trọng của văn hóa.
Tuy nhiên, như đã nói, văn hóa còn nhiều bất cập trong đời sống xã hội vì văn hóa có lúc, có nơi chưa được đặt “ngang hàng” với kinh tế, chính trị, xã hội.
Các Nghị quyết của Đảng về văn hóa ra đời, Chính phủ đã xây dựng nhiều chương trình, giải pháp để triển khai thực hiện. Nhưng những chương trình, giải pháp này đi vào đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Bởi thế, đời sống văn hóa trong thời gian qua chưa được nâng tầm đúng với vị trí là “chân kiềng” vững chắc của xã hội.
Có những cán bộ nhận thức về văn hóa còn ở dạng mơ hồ, coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”, hoạt động đơn thuần mang tính hành chính...
Xuất phát từ thực tế đó nên việc bố trí công tác cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất; đầu tư kinh phí; công tác đào tạo; chế độ chính sách... cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa, chính sách đối với văn hóa văn nghệ còn nhiều bất cập, chưa xứng tầm.
Tạo điều kiện để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tạo
Đối với các văn nghệ sĩ, họ là những chủ thể quan trọng trong việc định hướng, thực thi các chính sách, phát triển văn hóa. Thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, ở góc độ nào đó họ vẫn chưa được tự do sáng tác nên luôn thiếu vắng các tác phẩm có giá trị. Quan điểm của ông thế nào?
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”.
Vì vậy, nhận định văn nghệ sĩ đang bị “kìm kẹp” trong việc sáng tạo, phát triển các tác phẩm văn hóa là không có cơ sở.
Nhưng để tự do sáng tác như thế nào thì các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa phải xây dựng chính sách cụ thể hơn, gạt bỏ những thứ mơ hồ (nêu rõ cái gì được và cái gì không) để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tác.
Hiện nay, nhiều vấn đề mơ hồ, khiến người sáng tạo chưa mạnh dạn nói những mặt trái của đời sống góp phần tác động đến sự phát triển xã hội.
Văn hóa là nền tảng tinh thần, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tự hào của dân tộc. Trong đó, các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị sẽ là những con đê vững chắc để bảo vệ, ngăn những con sóng văn hóa ngoại lai, xấu độc vào lớp trẻ ngày hôm nay.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc thế giới cũng như hành vi của con người. Theo ông, làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực đến từ bên ngoài đối với nhận thức, văn hóa ứng xử, đặc biệt là lớp trẻ?
Internet đang tác động rất lớn đến văn hóa, nhận thức của con người hiện nay, nhất là lớp trẻ. Để đưa ra những giải pháp cạnh tranh với văn hóa ngoại nhập, tôi nghĩ chúng ta phải có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
Việc lộng ngôn, chửi bới và dư luận ào ạt chạy theo một số cá nhân gần đây trên mạng đã làm đảo lộn giá trị văn hóa trong ứng xử.
Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có chế tài để ngăn chặn, nếu không nền tảng văn hóa sẽ đảo lộn về nhận thức trắng - đen.
Văn hóa trên không gian mạng phải được đầu tư, nâng lên tầm cao. Khi đó con người mới đủ khả năng tiếp nhận những thứ tiến bộ, văn minh, văn hóa nhân loại.
Theo ông, đối với đội ngũ cán bộ làm quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa cần đặt ra yêu cầu gì? Phải chăng đó phải là những người phải rất am hiểu về văn hóa chứ không đơn thuần chỉ đáp ứng các điều kiện về bằng cấp, tiêu chuẩn?
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật” cũng đã chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm về công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa.
Muốn khắc phục những hạn chế này, cán bộ quản lý văn hóa là người phải được đào tạo cơ bản về văn hóa, có tâm, có tầm, biết nhìn xa trông rộng mới có thể “điều binh khiển tướng”.
Vì hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nhất là ở mảng phi vật thể, nhiều lĩnh vực chỉ qua cảm thụ, nghe nhìn. Để thẩm định, đánh giá chất lượng, người cán bộ phải có tầm hiểu biết mới có thể ra những quyết định sáng suốt, tạo điều kiện cho văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển.
Công tác cán bộ là cái gốc. Gốc có vững thì cây lá mới đơm hoa kết trái. Trên lĩnh vực văn hóa, công tác cán bộ ngoài những tiêu chí cơ bản đề ra, cán bộ quản lý phải có tài năng, nhận biết, đánh giá khách quan.
Nhưng trong những năm gần đây, công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa có phần bị coi nhẹ.
Khi sắp xếp cán bộ gặp khó khăn thì thường tổ chức đưa về cơ quan quản lý văn hóa, không cần xem xét quá trình đào tạo, năng lực lãnh đạo...
Cảm ơn ông!
Nhà văn Khuất Quang Thụy (Tổng biên tập Báo Văn nghệ):
Phát triển văn hóa phải tương xứng với kinh tế
Hội nghị lần này là sự kiện rất lớn không chỉ của giới hoạt động văn hóa nghệ thuật mà của cả nước. Bởi, xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân.
Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc dẫn đường, như lời Bác Hồ dã dạy: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Vấn đề của chúng ta là làm sao để văn hóa trở về đúng vị trí trong đời sống xã hội, thực sự “soi đường cho quốc dân đi”. Kinh tế và văn hóa phải phát triển đồng bộ. Hiện tại, văn hóa chưa được quan tâm đầu tư, phát triển tương xứng so với kinh tế.
Do đó, đẩy mạnh phát triển văn hóa để kịp với tốc độ phát triển kinh tế là điều rất cần thiết. Trong đó, vấn đề xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới rất quan trọng.
NSND Thanh Hoa:
Văn hóa là nhân cách một dân tộc
Với tôi, quan niệm về văn hóa không chỉ là âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật, văn thơ… mà còn là nhân cách, ứng xử của con người. Văn hóa là nhân cách của một dân tộc, là ứng xử, hiểu biết của dân tộc đó.
Việt Nam đã trải qua nhiều năm chiến tranh, rồi thiên tai… Dân tộc ta có quá nhiều thiệt thòi, gian truân và phần nào đó, ứng xử văn hóa cũng bị thất thoát đi cội nguồn.
Văn hóa muôn đời của ông cha ta từ xưa rất tinh tế, là lễ nghĩa, yêu thương, đùm bọc và có sự chia sẻ, ý thức cộng đồng lớn. Tuy nhiên theo thời gian, nó bị thất thoát ít nhiều.
Là người hoạt động văn hóa đã hơn 50 năm, tôi rất chờ đợi hội nghị lần này. Điều tôi mong nhất là văn hóa cộng đồng sẽ được chỉnh đốn lại, ý thức văn hóa cộng đồng, ý thức xã hội phải đặt lên đầu tiên.
Diễn viên Minh Tiệp (Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa):
Mong có những tác phẩm điện ảnh xứng tầm
Gần đây, tôi thấy nhiều bạn trẻ thích xem những bộ phim có tính giáo dục, nhân văn. Người trẻ Việt hiện nay có đủ tri thức, trình độ để cảm nhận được điều gì nên và không nên tiếp thu.
Điện ảnh và âm nhạc là hai lĩnh vực để dễ “xuất khẩu văn hóa” nhất. Là người làm quản lý văn hóa, cũng là người làm nghệ thuật, tôi kỳ vọng Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này có thể đưa ra những giải pháp, để điện ảnh Việt Nam phát triển, có những tác phẩm xứng tầm.
Hoàng Anh (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận