Bộ phim giả tưởng Tấm Cám - Chuyện chưa kể lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám |
Phim cổ trang ở Việt Nam luôn là một thách thức với các đạo diễn, bởi họ phải đối mặt với nhiều mối lo về tư liệu lịch sử, kinh phí, bối cảnh… trong đó lo nhất là phục trang giống phim Trung Quốc.
Đau đầu chuyện váy áo
Mới đây, bộ phim giả tưởng Tấm Cám - Chuyện chưa kể lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, do Ngô Thanh Vân đạo diễn đã tung ra teaser (một đoạn phim ngắn). Thế nhưng, ê-kíp đã nhận ngay ý kiến cho rằng, tạo hình và trang phục của nhân vật hoàng tử trong phim giống Trung Quốc.
Nói về việc này, biên kịch Phước Châu cho hay: Ai đó cảm nhận hoặc suy diễn trang phục phim giống Trung Quốc chỉ là cảm quan riêng. Họ có quyền quyết định mua vé xem phim hoặc không, nên việc này không có ý nghĩa gì đáng kể. Loại trừ yếu tố có phần nhạy cảm hiện tại là cách người Việt phản đối Trung Quốc, nên có thể bài bác bất kỳ “hàng Tàu” nào.
Đồng thời, biên kịch Phước Châu chia sẻ: “Nhiều người nhập nhằng, đánh đồng giữa phim cổ trang có yếu tố dã sử, ngoại sử, dị sử hoặc chính sử, thông qua việc định dạng về thể loại phim như: Cổ tích - thần thoại; Kỳ ảo; Sử thi chiến tranh; Viễn tưởng kết hợp xuyên không về thời cổ thường liên quan đến trang phục cổ xưa. Nhưng thực tế, dòng phim trên luôn khác hẳn độ chân thực về cổ trang với phim tài liệu mang tính giáo khoa”.
Có lẽ bởi vậy, hầu hết các phim cổ trang Việt bị chê về khâu phục trang. Phim Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thụy vấp phải tranh cãi về họa tiết sư tử trên áo vua khá giống Vua sư tử của Disney. Trong khi đó, phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại bị chê vì phục trang hở quá đà… Thậm chí, có phim còn buộc phải dừng chiếu vì phục trang quá giống Trung Quốc như phim Thái tử Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận, phục trang luôn là vấn đề đau đầu với các đạo diễn và nhà sản xuất, vì nó nói lên phần quan trọng về thẩm mỹ của bộ phim, giúp thấy được rõ hơn tính cách nhân vật. Phục trang cho một bộ phim hiện đại đã khó, cho cổ trang càng khó hơn.
Anh nói: “Chúng ta không có truyền thống làm phim cổ trang, không có kho lưu trữ phục trang cổ trang, cũng như tư liệu để nghiên cứu không nhiều. Thứ nữa là cả người làm và người xem phim luôn bị ám ảnh phim cổ trang của Trung Quốc một thời gian dài, bởi vậy tránh thế nào cũng thấy cảm giác hơi giống”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ, khi làm phim Mỹ nhân kế, tiêu chí đầu tiên của anh là phải tránh giống Trung Quốc. “Việc đặt tiêu chí “tránh” là một thứ ám ảnh. Ngay cả khi cố tránh rồi, chúng ta vẫn thấy có gì đó giống, đó cũng là ám ảnh”, anh giãi bày.
Đồng quan điểm với đạo diễn Dũng “khùng”, đạo diễn Đào Bá Sơn nhận định, khi làm phim cổ trang chính sử, tất cả tư liệu liên quan đến phục trang, kiểu tóc trong lịch sử của các thời đại gần như ít được ghi chép lại. Bởi vậy, đây là điều khó nhất với những nhà làm phim cổ trang vì không có nhiều tư liệu nghiên cứu.
Không những vậy, vị đạo diễn của Long thành cầm giả ca còn chỉ ra, không chỉ các phim mới hay mắc lỗi phục trang. Các sân khấu tuồng, chèo cũng hay mắc lỗi này. “Có nhiều vở diễn họ cho quan mặc áo màu vàng. Nhưng ngày xưa, màu vàng là màu của hoàng tộc, quan lại mặc màu đó là phạm húy”, ông giải thích.
Phải trung thực với lịch sử
Có lẽ bởi những khó khăn trong việc kiếm tìm tư liệu nghiên cứu, cũng như việc khán giả xem phim luôn đeo một cặp kính thiếu lạc quan với phim chính sử, cổ trang của Việt Nam nên hay có cảm giác mọi thứ không hoàn chỉnh và còn nhiều “sạn”. Vậy khán giả đang quá khắt khe với phim Việt, hay chính các nhà làm phim đang không làm tròn trách nhiệm của mình? Và những vấn đề gây đau đầu cho các nhà làm phim chính sử, cổ trang ấy liệu có thể có cách giải quyết?
Từng được khen ngợi khi làm bộ phim Long thành cầm giả ca, đạo diễn Đào Bá Sơn tiết lộ khi làm phim, ông và họa sĩ thiết kế phục trang Thu Hà đã phải đến các lăng tẩm để quan sát kỹ phục trang của các vua chúa để có thể làm tốt khâu trang phục.
Xét về phương diện giải trí, một bộ phim chỉ là một sản phẩm văn hóa, với tính mục đích của nhà làm phim dành cho đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Khi ấy, các sản phẩm này không việc gì phải mang vác bổn phận - nhiệm vụ gì quá mức cần có, nếu đó không phải tác phẩm điện ảnh có nhu cầu hoặc mục tiêu tuyên truyền chính luận. Xét cho cùng, một bộ phim thể loại cổ tích như phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể chỉ cần đạt mức độ hay về nội dung, đẹp về hình ảnh chung (gồm bối cảnh cổ xưa, phục trang, đạo cụ xưa...) và được công chúng khán giả hài lòng mãn nhãn là đủ”. Biên kịch Phước Châu |
Ông tâm sự: “Điều quan trọng nhất phải nhớ khi làm phim chính sử là cần phải trung thực với lịch sử. Tôi nghĩ khi bộ phận chế tác làm phim, nên cố gắng tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các nhà lịch sử thì sẽ làm được tác phẩm tốt. Đừng làm tạm bợ, giả dối quá và đừng đổ lỗi rằng khán giả chỉ xem phim Trung Quốc rồi nói như vậy. Họ bỏ tiền mua vé thì có quyền nhận xét”.
Theo chị Huỳnh Mỹ Ngọc - họa sĩ thiết kế phục trang của nhiều bộ phim chính sử như: Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Thầu Chín ở Xiêm… ê-kíp làm phim luôn bị giới hạn về thời gian và chi phí nghiên cứu nên khó chiều lòng được hết khán giả.
Chị Ngọc cũng nhìn nhận, để hạn chế “sạn” trong khâu phục trang thì ngay từ đầu phải đưa ra những tiêu chí, mục tiêu như: Đây là phim Việt Nam, thể loại chính sử thì cần đúng lịch sử, giả tưởng thần thoại thì cần đẹp nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố đó là cách ăn mặc của người Việt Nam... “Không được dễ dàng chấp nhận những phương án sơ sài, dễ dãi dễ bị lên án”, nữ họa sĩ thẳng thắn.
Còn với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, anh chỉ ra rằng, muốn giảm bớt “sạn” trong khâu phục trang thì đầu tiên là phải dám làm, bởi làm nhiều sẽ lên tay nghề và rút kinh nghiệm. Đồng thời, cả người làm và người xem đều nên quên đi cái “ám ảnh” về phim Trung Quốc.
“Tôi nghĩ những phim truyện không phải phim tài liệu lịch sử hay khoa giáo cần sáng tạo, cần sự phát triển về mặt thẩm mỹ thời đại của người xem. Dù chúng ta làm về thời quá khứ thì người xem vẫn là những người thời hiện đại đang kể và xem về quá khứ. Nghệ thuật là người sáng tác phải chọn góc nhìn của mình để kể một câu chuyện”, anh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận