Showbiz

Làm phim Kiều, Lưu Trọng Ninh xác định bị “ném đá”

28/03/2018, 07:36

Sau Hoa cỏ may 3 và Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thử sức trong một đề tài khó...

26

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Làm phim Kiều không tốt, sẽ phải trả giá rất đắt!

Thưa đạo diễn Lưu Trọng Ninh, điện ảnh Việt dù lâu đời nhưng xem ra rất thiếu vắng sản phẩm về “Truyện Kiều”. Tại sao lại như vậy, thưa anh?

Theo tôi thì làm phim Kiều khó. Vì thứ nhất, đây là một câu chuyện Trung Quốc. Thơ của Nguyễn Du đủ hay để khỏa lấp mọi thứ, khiến người đọc không nhận ra điều này. Nhưng lên phim lại là hình ảnh thực tế. Yếu tố Trung Quốc sẽ hiện hữu rất rõ.

Thứ hai, Kiều là một tác phẩm hết sức đặc biệt, làm không tốt sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Thành thử nhiều đạo diễn không dám bước vào mảnh đất này. Thứ ba, Kiều thấm sâu vào tâm hồn người Việt, mỗi người trong một hoàn cảnh khác nhau có cách đón nhận khác nhau. Để mọi người cùng thỏa mãn một hình tượng Kiều chung, thực sự là việc chẳng dễ dàng gì.

Vậy, với bối cảnh Trung Quốc ở nguyên tác, anh dự định xử lý ra sao?

Rõ ràng nếu là một câu chuyện Trung Quốc thì ta để người Trung Quốc làm còn hơn. Đây phải là một Kiều của Nguyễn Du, của người Việt. Thật may là ở các nhân vật lại tồn tại các khoảng trống lớn. Họ được đề cập ở các tình huống đặc biệt, còn phần đời sống thì mờ nhạt hơn. Đó là nơi mà không gian câu chuyện mở ra được.

Sau cùng vẫn là để hồn cốt Việt, văn hóa Việt thấm đẫm phim. Tôi định sẽ giải quyết theo cách “không có thời gian, không gian cụ thể”. Sẽ không làm rõ đây là thời Minh, Thanh hay Trần; là Trung Quốc hay Việt Nam. Các nhân vật sẽ bước ra như thật mà không xác định thuộc quốc gia hay nền chính trị nào. Tôi nghĩ giải pháp trung dung này là lối thoát duy nhất cho phim về Kiều.

Nhưng nếu làm mờ bối cảnh và thời gian, liệu khán giả có được chứng kiến những tuyệt cảnh như “Cỏ non xanh rợn chân trời”, “Rừng thu phong đã nhuốm màu quan san”...?

Đó là cái chung phải có rồi. Cụ Nguyễn Du chỉ tả một vài cảnh nhất định, nhưng trong bộ phim mấy chục tập thì cảnh sẽ luôn đẹp. Sẽ thỏa mãn khán giả, dù có khiến đoàn làm phim tốn kém hay khó khăn.

Cô Kiều của tôi sẽ không ủy mị

Về phần nhân vật, anh dự định sẽ xây dựng như thế nào?

Tôi sẽ không tả nhân vật theo kiểu 300 năm trước cho người ngày nay xem. Chúng tôi không có nhiệm vụ làm phim lịch sử. Cô Kiều của tôi sẽ không ủy mị theo kiểu “đau đớn thay phận đàn bà”. Dự định phim bắt đầu bằng cảnh Kiều gặp gỡ Đạm Tiên. Dù đó là hình bóng tương lai của Kiều, nhưng cô sẽ không tin hay sợ trước lời nhắn của “ma không chồng”. Khi bước vào thế giới cạm bẫy, dù bị dìm xuống liên tục thì Kiều vẫn sẽ mạnh mẽ, không hề sợ sệt để vùng lên.

Các nhân vật cũng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, mang hơi thở thời hiện đại. Ví dụ, Thúy Vân khi lấy Kim Trọng cuối phim sẽ có thể có những đau đớn day dứt. Chứ nếu dễ dàng như trong truyện thì lớp trẻ làm sao đồng tình được.

Vậy, để đáp ứng các nhân vật như vậy, dàn diễn viên của anh sẽ tuyển lựa ra sao?

Đầu tiên là phải thuần thục kỹ năng. Các nhân vật nữ tôi sẽ cho casting sớm rồi cho đi học đủ các ngón nghề như đàn, sáo. Một phần câu chuyện nói về các kỹ nữ tài hoa, yêu cầu phần tài trội hơn nhiều. Còn phần đẹp thì nói thật, các diễn viên giờ cũng đã đẹp lắm rồi.

Sẽ là một cuộc “ném đá tơi bời”

“Thương nhớ ở ai” định hình một phong cách phục trang và âm nhạc rất Việt Nam. Khoản này ở bộ phim về “Kiều” anh sẽ làm như thế nào?

Truyện Kiều mang bối cảnh xưa, nó sẽ rất khác. Ngay cả trong các tranh minh họa Kiều của cha ông sẽ phảng phất nét lụa là kiểu Trung Quốc. Dĩ nhiên, tôi không thể cho vào phim áo yếm như Thương nhớ ở ai. Nhưng sắc màu thì sẽ đậm chất Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc có sắc màu chủ đạo là vàng tượng trưng cho Hoàng Hà thì Việt Nam phải là màu Hồng Hà - nâu trầm của đất. Vải Trung Quốc là lụa bóng thì của mình sẽ là vải đũi hoặc lanh. Âm nhạc thì lần trước mình mới làm cái việc thu gom các sản phẩm vốn có lại để tả. Lần này sẽ tiếp tục nâng tầm thêm để tốt hơn nữa.

Thay đổi dường như rất nhiều. Anh đã sẵn sàng trước việc dư luận có thể phản đối, thậm chí “ném đá” bộ phim vì khác với hình tượng Kiều cổ điển?

Một bộ phim ra đời nó sẽ không thể thỏa mãn tất cả mọi người. Nó sẽ phải có sự tranh luận và chính sự tranh luận ấy cũng là một vẻ đẹp của phim. Tôi thừa nhận có thể xung đột giữa giữa đoàn làm phim và các nhà “Kiều học” sẽ nổ ra. Nếu ai thông cảm thì sẽ có cái nhìn rộng rãi, còn không sẽ là một cuộc ném đá tơi bời. Nhưng phải chấp nhận thôi, vì bộ phim không phục vụ các nhà “Kiều học” mà dành cho số đông khán giả.

Sau cùng, anh có thể chia sẻ về thời điểm ra mắt phim được không?

Dự kiến là 2 năm nữa. Dự án này rất phức tạp, đòi hỏi di chuyển từ Nam ra Bắc. Khâu hậu kỳ có thể tốn 6 - 7 tháng trời. Và tôi thì không muốn vội vàng, mọi thứ cứ phải chín muồi trước đã.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.