Cần có giải pháp căn cơ đối với việc bảo vệ nguồn nước ở Tây Nguyên. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên |
Hội thảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên diễn ra ngày 22/7 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng với nhiều nhà khoa học đã phản ánh tình trạng “nóng” của việc phá rừng chuyển đổi thành cây công nghiệp; di dân; phá vỡ quy hoạch cây trồng và vấn đề tích nước của thuỷ điện…
Tình trạng này đã khiến cho nguồn nước ở Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng bên cạnh đó là câu chuyện phát triển kinh tế thiếu bền vững.
Báo động về an ninh nguồn nước
Dưới áp lực của phát triển kinh tế trong nhiều thập niên vừa qua, hệ sinh thái và cảnh quan môi trường ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Rừng ở khu vực này suy giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng từ năm 2008-2014 tổng diện tích rừng bị mất 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất trên 51.200 ha rừng.
Việc phát triển thuỷ điện trên dòng chính của các con sông lớn và dòng nhánh của Sê San, Sêrêpốk đã và đang tác động lớn đến tiêu cực. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân là do những thập niên qua, hệ sinh thái cảnh quan của vùng Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay, hệ luỵ của mất rừng đã kéo theo các hệ lụy: hệ thống sông ngòi, suối, hồ chứa nước… đang cạn kiệt và theo thống kê của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, đến tháng 4.2016, 5 tỉnh Tây Nguyên có 160.000 ha cây trồng thiếu nước tưới, mỗi tỉnh thiệt hại không dưới 100 tỉ đồng.
Ai lắng nghe? Tiến sĩ Yghi Nye, uỷ viên CT phụ trách vùng Tây Nguyên, liên hiệp Khoa học và kỷ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thuỷ điện khi thực hiện dự án thì phải trả lại sinh thái. Bên cạnh đó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng cần có một chương trình trồng rừng cho khu vực. Tiến sĩ Yghi Nye cũng cho rằng: "Việc các nhà khoa học bàn về giải pháp như bảo vệ rừng, sử dụng nguồn nước hợp lý thì trong khi các cơ quan liên quan như Bộ TNMT, Bộ Công thương liên quan đến thuỷ điện, liên quan đến rừng có lắng nghe được hay không? Họ có lắng nghe các nhà khoa học, những người dân hay không?" |
Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Trung tâm phát triển bền vững Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng, hệ lụy tác động đến nguồn nước ngầm có việc xây dựng các dự án thủy điện ở Tây Nguyên. Tính đến cuối năm 2015, Tây Nguyên có 190 công trình thủy điện lớn nhỏ xây dựng trên các dòng sông, suối, với tổng công suất thiết kế là 7.923KW (20% công suất hệ thống điện quốc gia), nộp ngân sách 6.500 tỉ đồng. Thế nhưng "đánh đổi nào chả đau, việc phát triển thủy điện đã đánh đổi những mất mát về môi trường, sinh thái và sinh kế không hề nhỏ: diện tích rừng và nông nghiệp bị mất, cảnh quan thiên nhiên thay đổi. Vì vậy, đến nay không nên phát triển thủy điện ở Tây Nguyên nữa và đó cũng là yêu cầu của Ban chỉ đạo Tây Nguyên", tiến sỹ Tứ nói.
Nói về nguồn nước ở nóc nhà Đông Dương này, nhiều nhà khoa học cho biết hiện nay ở khu vực này khác với khu vực khác vì nước ở đây không thể giữ lại. Nước theo các hệ thống sông chảy về vùng khác và chảy sang Campuchia. Vì thế, việc giữ nguồn nước hiện nay rất hệ trọng trong chiến lược phát triển kinh tế ở khu vực, nhưng dài hơi hơn và cấp bách hơn đó là phải giữ được rừng.
Tuy nhiên việc bảo vệ rừng ở Tây Nguyên vẫn đang còn nhiều bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ. Các dự án kinh tế chủ yếu nhăm nhe vào rừng lấy đi nguồn lợi của rừng, nhưng song song với nó là công tác trồng rừng vẫn còn hời hợt... ".
Thuỷ điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) là một trong những công trình thuỷ điện khiến cho nguồn nước sông Ba suy giảm nghiêm trọng. Ảnh hưởng đến hàng vạn người dân tại Gia Lai và Phú Yên. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên |
PGS-TS Huỳnh Phú, Trường đại học Tài nguyên-môi trường Hà Nội cùng quan điểm với tiến sỹ Tứ cũng cho rằng, bên cạnh mặt tích cực của thuỷ điện, còn bên cạnh nó là hệ luỵ của dự án thủy điện sẽ mang lại sự khốn khó lâu dài, làm nghèo đi đời sống đồng bào Tây Nguyên, hủy hoại môi trường, biến đổi dòng chảy.
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Phan Thị Lệ Anh – Viện nuôi trồng thủy sản 3 cho biết “ Nhìn chung, thủy điện phát triển có hai tác động chính đến nguồn lợi thủy sản, đó là tạo ra một rào cản vật lý ảnh hưởng đến quá trình di cư và làm giảm, phá hủy môi trường sống của cá. Trên thế giới, các con đập tiêu diệt khoảng 10-60% các loài cá. Riêng ở khu vực nhiệt đới, phát triển thủy điện đã dẫn đến sự mất mát không thể phục hồi của cả loài và hệ sinh thái thủy sinh.”
Bàn về vấn đề quy hoạch cây trồng ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Dung, Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần phải thay đổi tư duy của lãnh đạo. Bởi, thực tế cho thấy lãnh đạo cần phải nắm rõ kinh tế thị trường. Theo đó các nhà lãnh đạo muốn hiểu rõ người nông dân trồng cây gì thì cần có chiến lược dài hơi. "Có nắm được kinh tế thị trường thì mới có thể có một quy hoạch đúng hướng để người dân được hưởng lợi", Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Dung. |
Ngoài ra các ý kiến của các nhà khoa học khác cho rằng, quá trình mở rộng diện tích cây công nghiệp như: cà phê, cao su, hạt tiêu, cây mắc ca diễn ra tại Tây Nguyên còn thiếu quy hoạch, nhu cầu nước tưới tăng cao, làm cho nguồn nước ngầm trong khu vực đang trong tình trạng kiệt quệ. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan từ anh hưởng của hiện tượng El. Nino kéo dài bất thường trên phạm vi toàn cầu cũng đã gây nên sự thiếu bền vững về an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên.
Liên quan đến giải pháp chống khô hạn và thiếu nước ở tỉnh Gia Lai, ông Vũ Ngọc An, Sở TN&MT tham luận nhiều các giải pháp của tinh này đã và đang triển khai công “chống hạn”, cụ thể: đầu tư các hạ tầng để chứa nước, kênh chuyển nước; tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, các giải pháp đặt ra không được nhắc đến đó là giải pháp quản lý và bảo vệ rừng ở Gia Lai.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc (Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam) cho hay, bài toán về kinh tế và bài toán về xã hội cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Và, cần phải khôi phục lại rừng để giữ nguồn nước và quan trọng hơn là vấn đề xã hội và phát triển kinh tế bền vững ở Tây Nguyên.
Đại diện của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay sẽ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến phản biện của các nhà khoa học. "Chúng tôi sẽ tổng hợp và gửi những ý kiến này về lãnh đạo cơ quan chức năng, chính quyền để cộng đồng trách nhiệm trong giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước tại khu vực".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận