Rừng ở xã Ia Tăng đang bị tàn phá. |
Nhiều ngày có mặt tại xã Ia Tăng, Sa Thầy, Kon Tum (từ khoảng 8-10h sáng), PV Báo Giao thông chứng kiến, có tới hàng trăm người dân đi dọc theo Tỉnh lộ 674 ngang qua địa phận xã vào rừng Quốc gia Chư Mom Ray để cưa gỗ.
Phá rừng tràn lan
Trên các con đường nhánh, có rất nhiều vết bánh xe lớn, những tấm bìa gỗ vẫn còn vương vãi xung quanh. Một thợ đi rừng cho biết: “Trước đây, những cây gỗ lớn nhiều lắm, nhưng nhiều người cưa quá nên bây giờ còn rất ít”. Người này còn khoe khoảng 5- 6 video clip tự quay “đồng nghiệp” đang xẻ gỗ giữa rừng và cho biết: “Hiện nay, nhiều người dân sục sạo vào rừng để tận thu những bìa gỗ hương về bán cho thương lái Trung Quốc, loại gỗ này được mua bán theo cân nặng...”.
Cũng trong ngày 2/6, nhóm PV bám theo xe tải BKS 82C-006.58 khi xe này chở một số lượng gỗ lớn, chiều dài vượt quá thùng xe, từ Chư Mom Ray ra. Chiếc xe chạy trên Tỉnh lộ 674 qua xã Ia Tăng, qua thị trấn Sa Thầy rồi về TP Kon Tum mà không gặp sự kiểm tra, giám sát nào của lực lượng chức năng. Điều đáng nói, tất cả số gỗ đều không có dấu búa kiểm lâm.
Theo thống kê, tổng số vụ vi phạm phát hiện từ đầu năm đến nay là 588 vụ, giảm 357 vụ so với cùng kỳ; Số vụ vi phạm tồn năm 2013 chuyển qua: 61 vụ; xử lý 609 vụ; Khối lượng lâm sản tịch thu: 1.706,62 m3 gỗ quy tròn các loại; 5,13 tấn gốc rễ các loại; 5 ô tô; 44 xe máy; 21 cưa xăng; 62 các loại khác (dao, rựa…); Tổng số tiền thu phạt 3,7 tỷ. Tiền bán lâm sản tịch thu 7,5 tỷ đồng. |
Một người dân tại đường Lê Duẩn, thị trấn Sa Thầy (Kon Tum) cho hay: Nhiều xe chở gỗ như thế này vẫn hoạt động từ lâu. Các xe đều chất đầy và đi ngang qua thị trấn Sa Thầy vào khoảng 17h hàng ngày. Chúng tôi bám theo chiếc xe chở gỗ để tìm hiểu xem số lượng gỗ này được vận chuyển về đâu, nhưng sau đó bị phát hiện. Chiếc xe chở gỗ liên tục dừng lại quan sát. Khi đến xã Kroong (TP Kon Tum) thì một ô tô con xuất hiện, liên tục bám theo nhất cử nhất động của nhóm PV.
Người dân đốt rẫy, lấn rừng
Tại tỉnh Kon Tum, tình hình người dân phá rừng làm rẫy tràn lan đang diễn ra khá phức tạp. Đoạn QL24 từ xã Hiếu về hướng thị trấn Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum), người dân phá rừng làm rẫy trên diện tích lớn. Cũng tại huyện Kon Plong, men theo Tỉnh lộ 676, chúng tôi đi sâu hơn vào xã Măng Cành để khảo sát. Bên cạnh rất nhiều những con đường nhỏ lâm tặc mở đi vào sâu trong rừng để khai thác và vận chuyển gỗ thì tình trạng phá rừng làm rẫy cũng diễn biến khá phức tạp. Nhiều diện tích rừng bị người dân xâm lấn từ 2-3 năm nay, có diện tích vừa được mở rộng thêm…
Tại huyện Sa Thầy, dọc theo Tỉnh lộ 675 và 674, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng còn xảy ra phức tạp hơn. Đơn cử như ở xã Ia Tăng (Sa Thầy), rất nhiều khoảng nương rẫy do người dân phát rộng trên 5-6 ha. Số diện tích này chỉ cách đường tỉnh lộ khoảng 300 m. Ở xã Ia Khơi (Sa Thầy), bạt ngàn ha rừng bị người dân chặt phá để trồng các loại cây như: Sắn, cà phê, cây bời lời…
Cơ quan chức năng chày bửa
Ban đầu, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Nam cho rằng, hiện nay tại tỉnh Kon Tum rất ít điểm nóng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, khi PV đề cập thực trạng phá rừng ở huyện Sa Thầy thì ông Nam mới thừa nhận đó là điểm nóng phá rừng của tỉnh. Được hỏi ông Nam đã về xã Ia Tăng để tìm hiểu chưa, ông cho biết: “Chưa có điều kiện về xã này”. Đề cập tới việc có trạm kiểm lâm mà không có nhân viên làm nhiệm vụ, ông Nam trần tình: “Thực ra không phải lúc nào, sự việc nào cũng có lực lượng kiểm lâm túc trực tại các điểm chốt. Nếu thấy có người phá rừng, nhưng không có kiểm lâm thì lúc đó trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chúng tôi”.
Theo yêu cầu của ông Nam, chúng tôi cung cấp những hình ảnh việc vận chuyển gỗ không có dấu búa của lực lượng kiểm lâm trên đoạn Tỉnh lộ 675 về TP Kon Tum. Ông Nam đề nghị PV cung cấp hình ảnh tư liệu để điều tra, xác minh rõ vụ việc, nhưng lại cho rằng, “có thể là việc vận chuyển gỗ này đúng pháp luật”(!?).
Ông Nguyễn Hữu Nho, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum thì cho rằng: “Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng đạt kết quả khả quan, giảm rất nhiều chỉ số trong việc kiểm đếm vi phạm...”. Đồng thời xác nhận: “Chưa nghe thông tin về tình trạng phá rừng trong năm”. Tuy nhiên, khi PV cung cấp hình ảnh phá rừng thì ông lại thừa nhận: “Hiện nay, xã Ia Tăng là điểm nóng của khai thác gỗ trái pháp luật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận