Điều tra

Lâm tặc lộng hành, kiểm lâm nói gì? (Kỳ cuối)

19/05/2015, 13:05

Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia (VQG) Cúc Phưowng có tới 13 trạm kiểm lâm, nhưng vẫn liên tục bị lâm tặc "xẻ thịt".

122
Đánh dấu cây trước khi đốn hạ

Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo vệ rừng ở đây có tới 90 cán bộ chia làm 13 trạm kiểm lâm và hai đội cơ động tuần tra được trang bị bán vũ trang. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, VQG Cúc Phương vẫn liên tục bị lâm tặc “xẻ thịt”.

Lợi dụng chính sách để phá rừng?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Đức Biên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương cho biết, diện tích của VQG Cúc Phương là 22.408ha, được chia làm 21 tiểu khu với 16 tuyến giám sát.

“Mỗi tháng lực lượng kiểm lâm các trạm đều phải đi tuần tra trong rừng ít nhất 15 ngày. Tình hình phức tạp, mật độ tuần tra còn dày đặc hơn”, ông Biên nói. Tuy nhiên, ông Biên lại cho rằng, việc ngăn chặn lâm tặc vào rừng chặt phá gặp rất nhiều khó khăn. “Các đối tượng phá rừng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Chúng còn cho người giám sát lực lượng kiểm lâm rồi báo tin cho nhau. Hiện nay, các đối tượng đi chặt gỗ đều dùng cưa máy nên thời gian chặt xẻ cây rất nhanh. Khi phát hiện ra các đối tượng, việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng các đối tượng vào rừng chặt phá là khó tránh khỏi nhưng mức độ thấp thôi (?!)”, ông Biên cho hay.

Làm rõ thông tin Báo Giao thông phản ánh

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 18/5, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, nội dung mà Báo Giao thông phản ánh, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan như Cục Kiểm lâm, VQG Cúc Phương, Vụ Pháp chế, Thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp vào cuộc điều tra, đánh giá ngay thực trạng. Nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm như lâm tặc hoành hành hay có sự móc nối, tiếp tay cho lâm tặc, đơn vị chức năng sẽ cho xử lý ngay. Nếu vượt thẩm quyền, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chuyển Bộ NN&PTNT để xử lý nghiêm theo quy định.                                    Hoài Thu

Cũng theo ông Biên, hiện nay tình trạng chặt phá rừng tại khu vực VQG thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa mà cụ thể là hai xã Thành Yên và Thạch Lâm (huyện Thạch Thành) phức tạp hơn cả. “Trong những lần đi tuần tra, nếu phát hiện có cây bị chặt (mà lâm tặc chưa mang đi hết- PV) thì bao giờ chúng tôi cũng lập kế hoạch mai phục. Nếu các đối tượng quay lại xẻ gỗ tiếp sẽ bắt giữ ngay lập tức. Nhưng thường thì lâm tặc không bao giờ quay lại”, ông Biên nói.

Khi PV cho biết ghi nhận được nhiều trường hợp lâm tặc vẫn quay lại chỗ cây đã chặt để xẻ gỗ mang đi (thể hiện qua việc cây bị chặt đã lâu nhưng vết xẻ vẫn còn rất mới), ông Biên lý giải rằng, lực lượng kiểm lâm phải tỏa đi kiểm tra tại nhiều khu vực “Nếu mình cứ tập trung mai phục ở một chỗ sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng đi chặt phá ở chỗ khác”.

Lý giải cho tình trạng chặt phá rừng ở khu vực xã Thạch Lâm và Thành Yên lại phức tạp hơn những nơi khác, ông Biên cho hay: “Hiện nay ở khu vực đó đang có chương trình xóa nhà tạm nên các đối tượng lợi dụng việc này để vào rừng lấy gỗ. Nhà nào trong diện được hưởng chính sách này sẽ được cấp một số tiền. Nếu đối tượng này vào rừng lấy được gỗ ra làm nhà thì sẽ được hưởng số tiền đó”. Trước lý do kì quặc và khó hiểu trên, chúng tôi hỏi lại: “Kể cả được hưởng chính sách thì cũng phải có giấy chứng nhận cho phép vào rừng chặt gỗ mới cho chặt chứ?” thì ông Biên phân bua: “Vẫn biết là như thế nhưng các đối tượng vẫn lấy cớ này để vào rừng chặt gỗ”.

“Rừng phía Hòa Bình, Ninh Bình “trắng” hết rồi”

Chưa thỏa mãn với cách lý giải của ông Biên, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Trịnh Ngọc Đạt, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Khi được hỏi tại sao đại diện Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương lại nói rằng, tình trạng phá rừng trong VQG Cúc Phương ở khu vực thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa lại phức tạp hơn nơi khác, ông Đạt thẳng thắn: “Phức tạp là vì ở đây tài nguyên rừng còn nhiều”. Theo ông Đạt, diện tích VQG Cúc Phương nằm trên địa phận hành chính của bốn xã thuộc huyện Thạch Thành tuy chỉ có gần 6.000 ha nhưng tài nguyên rừng thuộc diện “giàu có” nhất. “Còn bên phía Hòa Bình và Ninh Bình, các anh đi là thấy nó “trắng” hết rồi, không còn cây. Người ta chỉ đi vào chỗ có cây để chặt chứ ai đi vào chỗ không có cây. Bên Hòa Bình và Ninh Bình cây hết rồi, chỉ còn dây leo, họ vào làm gì”, ông Đạt nói.

Khi PV đề cập đến tình trạng nhiều cây gỗ quý nằm trong thung Sưa và thung Eo Cây Nhai thuộc VQG Cúc Phương bị chặt phá nghiêm trọng, ông Đạt cho rằng, mặc dù nơi đó thuộc địa giới hành chính của huyện Thạch Thành nhưng lại nằm trong diện tích của VQG Cúc Phương nên trách nhiệm quản lý, bảo vệ thuộc về chủ rừng (là Ban Quản lý VQG Cúc Phương) và lực lượng kiểm lâm VQG: “Nếu lâm sản đem ra ngoài thì chúng tôi sẽ bắt ngay nhưng khi ở trong thì trách nhiệm là của chủ vườn. Khi VQG đề nghị phối hợp, chúng tôi đều sẵn sàng”. Ông Đạt cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành chỉ có 12 người phụ trách hai huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc với 40 xã có rừng. Trong VQG, đơn vị này chỉ có một trạm kiểm lâm với ba cán bộ để phối hợp với lực lượng kiểm lâm VQG. Tuy nhiên, ông Đạt khẳng định, rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành hầu như ít bị chặt trộm và những vụ phá rừng chủ yếu diễn ra trong VQG Cúc Phương. Thậm chí lâm tặc còn xông vào cả trụ sở trạm kiểm lâm của VQG Cúc Phương để chặt trộm cây. “Trong trạm 12 (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương, đóng tại xã Thành Yên, huyện Thạch Thành - PV) có trồng một cây sưa nhưng cũng bị lâm tặc vào cắt trộm”, ông Đạt kể.

Về đường dây tiêu thụ lâm sản chặt trộm từ VQG Cúc Phương, ông Đạt cho rằng gỗ chủ yếu bán đi địa phương khác. Dù biết rõ điều này nhưng để ngăn chặn và bắt giữ những đối tượng mua bán gỗ vẫn gặp rất nhiều khó khăn: “Các đối tượng thường trà trộn gỗ vào các xe mía để vận chuyển nên rất khó phát hiện. Chúng tôi cũng vài lần bắt được các đối tượng vận chuyển gỗ đi bán nhưng số lượng không đáng kể”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.