Đường sắt đô thị

Lận đận các tuyến metro TP.HCM

16/04/2022, 06:00

Khả năng lớn năm 2023 tuyến metro số 1 mới chỉ có thể chạy thử. Tuyến metro số 2 hiện chưa đền bù giải toả xong, các tuyến khác vẫn "trên giấy".

Metro số 1 khởi công tháng 8/2012, dự kiến khai thác sau 6 năm nhưng quá trình triển khai liên tục gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, nguồn vốn, sự cố kỹ thuật… Các dự án metro khác cũng chung số phận tương tự.

img

Công tác đào tạo nhân viên lái tàu tuyến metro số 1 gặp nhiều trục trặc

Metro số 1 có kịp hoàn thành công tác đào tạo?

Ghi nhận của PV tại công trường tuyến metro số 1 những ngày giữa tháng 4, hàng trăm công nhân, kỹ sư đang khẩn trương hoàn thiện các mục cuối cùng. Không khí lao động diễn ra hết sức khẩn trương, công nhân làm việc 3 ca/ngày.

Khả năng lớn năm 2023 tuyến metro số 1 mới chỉ có thể chạy thử chứ chưa chạy thương mại vì hiện nay tuyến này còn ngổn ngang nhiều việc: Các ga chưa hoàn thiện, các gối cầu cao su rơi cũng chưa tìm ra nguyên nhân để phòng ngừa. Để chạy thử phải mất vài tháng kiểm tra về tốc độ, tín hiệu, cơ sở hạ tầng kết nối, đường lên xuống, trong khi dịch vụ bán vé, đường gom, bến bãi… hiện chưa có gì.
Tuyến 1 còn chưa xong, các tuyến khác như metro số 2 hiện chưa đền bù giải tỏa xong và các tuyến khác vẫn còn nằm trên giấy thì tương lai các tuyến metro của thành phố rất lận đận.

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia giao thông đô thị


Tại nhà ga Bến Thành, một số hạng mục như hệ thống chiếu sáng, lắp ống gió, trang trí nội thất... đang được hoàn thành. Tại nhà ga Nhà hát Thành phố cũng đã hoàn tất xây dựng thô, các nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục hoàn thiện nhà ga (cơ điện và kiến trúc).

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, hiện toàn tuyến metro số 1 đạt trên 90%, dự kiến đưa vào khai thác năm 2023.

Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 95%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt trên 94%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 75,08%.

Theo tìm hiểu, trong các gói thầu, trục trặc nhất là gói tư vấn và đào tạo. Chủ đầu tư cho biết, từ tháng 7/2020 dự án bắt đầu tổ chức đào tạo nghề cho 58 lái tàu, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, nhà thầu đã dừng việc đào tạo. Với các công việc khác cũng chưa tổ chức đào tạo nhân sự.

Nguyên nhân là do hạng mục đào tạo nhân sự nằm trong gói thầu tư vấn chung của dự án. Trong khi đó, gói thầu này đang bị nhà thầu dừng lại do chưa đạt được thỏa thuận về phát sinh chi phí gói thầu.

Được biết, gói thầu tư vấn chung dự án (gồm cả hạng mục đào tạo, lắp đặt thông tin tín hiệu…) được ký với Liên danh nhà thầu NJPT từ năm 2007, giá trị gần 1.300 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện phát sinh chi phí nên phải ký 18 phụ lục hợp đồng và đang đề xuất thêm phụ lục thứ 19, với dự toán tăng thêm 1.669 tỷ đồng.

Đây cũng là điều kiện để nhà thầu khởi động lại công tác đào tạo lái tàu và nhân sự khác. Hiện, phụ lục hợp đồng thứ 19 đang trình UBND thành phố phê duyệt để nối lại dịch vụ tư vấn cho tuyến metro số 1.

Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết, việc dừng chương trình đào tạo làm chậm trễ tiến độ đào tạo, ảnh hưởng đến tâm lý học viên.

Hiện, gói thầu này đang được xem xét, dự kiến trong tháng 4 sẽ tiến hành ký để nối lại dịch vụ tư vấn, tiếp tục công tác đào tạo. “Công tác đào tạo đội ngũ nhân viên, lái tàu… sẽ cố gắng hoàn thành trước khi đưa tàu vào vận hành”, ông Triết cho hay.

Nhiều tuyến khác cũng lận đận

img

Đường Tân Kỳ, Tân Qúy nơi có tuyến metro số 2 đi qua chưa hoàn thành công tác GPMB

Năm 2010, tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt quy hoạch, dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành sau 4 năm. Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án đến nay vẫn chưa chốt ngày khởi công và dự kiến kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2030.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tại cuộc họp mới đây về tình hình triển khai dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, tư vấn đã thông báo không thể thực hiện phụ lục số 13 và đã có công văn thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng.

Về vấn đề này, lãnh đạo TP đề xuất mở lại đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 của hợp đồng tư vấn IC thuộc tuyến metro số 2.

Theo tìm hiểu, do việc phê duyệt điều chỉnh dự án kéo dài ảnh hưởng tiến độ dự án cùng một số phát sinh khác từ quá trình triển khai dẫn đến phát sinh phụ lục hợp đồng số 13.

Từ tháng 10/2018, phía tư vấn tạm dừng huy động nhân sự vào hỗ trợ dự án. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, từ năm 2020 - 2021, chủ đầu tư và tư vấn đã tiến hành các cuộc đàm phán để thương thảo phụ lục hợp đồng số 13, nhưng không đạt được các thỏa thuận chung.

Về công tác GPMB, hiện metro số 2 đạt gần 100% nhưng vẫn phải lùi đích tới năm 2030. Cụ thể, tiến độ ban hành quyết định bồi thường đã đạt 99,67%, tương ứng 584/586 trường hợp, giảm 17 trường hợp do không đủ điều kiện để lập phương án bồi thường tại quận Tân Bình.

Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tuy nhiên, cũng không ít đoạn người dân chưa bàn giao mặt bằng, nhất là khu vực quận 3. Theo đó, tại khu vực này giao thông thường xuyên ùn ứ.

Ngoài ra, nguồn vốn cũng là 1 trong những nút thắt cản trở tuyến metro số 2 về đích đúng hẹn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019.

Metro số 2 trước đó ký 2 khoản vay với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), tổng trị giá 313 triệu USD, dùng cho phần việc tư vấn và các hạng mục cơ điện. Hai khoản vay này hết hiệu lực cuối năm 2020 nhưng chưa được gia hạn dẫn đến dự án chưa được bố trí vốn trung hạn ODA cấp phát 2021 - 2025.

Những tuyến metro còn lại như tuyến số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang trình các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Những tuyến còn lại cũng đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.