Không duyệt hạng mục phát sinh cho chủ đầu tư “ngâm vốn”
Sáng nay (25/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban về công tác xây dựng cơ bản và giải ngân trong tháng 1/2022.
Biểu dương các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng sốt ruột trước kết quả giải ngân đang thấp hơn mức giải ngân trung bình của một số ban QLDA, chủ đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì cuộc họp sáng nay (25/1)
“Một số chủ đầu tư có tình trạng “ngâm tiền”, đăng ký bố trí vốn năm đồng nhưng chỉ giải ngân bốn, một đồng còn lại thay vì đề xuất hướng xử lý từ giữa năm thì để sát nút mới tiếp tục xin điều chỉnh các hạng mục khiến các dự án kéo dài.
“Hết tháng 2/2022, ban QLDA nào thụ động để kết quả giải ngân thấp, lãnh đạo Bộ sẽ nghiêm khắc kiểm điểm, có hình thức cảnh cáo, xử lý phù hợp.
Dự án, gói thầu nào chậm tiến độ, các ban QLDA phải tham mưu cho lãnh đạo Bộ ký văn bản đôn đốc, nhắc nhở đối với dự án chậm vừa phải, xử lý, điều chuyển khối lượng, cảnh cáo nhà thầu tại các dự án chậm kéo dài”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Đơn cử như Sở GTVT Lạng Sơn đăng ký vốn 83 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ giải ngân được hơn 32% và đề xuất điều chỉnh dự án QL4A.
Với các trường hợp này, Bộ GTVT sẽ kiên quyết không duyệt các hạng mục công trình phát sinh”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn tham mưu lãnh đạo Bộ ký gửi văn bản đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành nghiêm khắc xem xét, nhắc nhở hoặc cảnh cáo các đơn vị làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, tác động không tốt đến kết quả chung của ngành GTVT.
“Các Ban QLDA như: Ban QLDA 2, Ban QLDA 7, Ban QLDA Mỹ Thuận phải xem lại công tác điều hành. Nhận thấy khó khăn phải tập trung giải quyết, phải lăn xả, sống chết tìm cách giải ngân, không thể xuề xòa, khó quá cho qua rồi lại xin điều chỉnh.
Thời hạn giải nhân năm 2021 còn khoảng một tuần. Các Ban QLDA, chủ đầu tư phải quyết liệt hơn nữa, trên tinh thần không có Tết, rà soát lại thủ tục thanh toán tại các công tường để tiếp tục có khối lượng thanh toán, đưa kết quả giải ngân của Bộ đạt 96% như mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Xác định áp lực năm 2022 đối với Bộ GTVT còn lớn hơn nữa khi kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được bố trí tới 50.000 tỷ đồng, chưa tính khối lượng vốn được bổ sung thêm từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA, chủ đầu tư phải dồn lực ngay từ bây giờ, đặc biệt quan tâm đến tiến độ, chất lượng, hồ sơ thanh quyết toán trong tháng 1, tháng 2/2022 để có được con số giải ngân khả quan ngay trong những tháng đầu năm.
"Không có thi công thì không có khối lượng giải ngân, các ban QLDA, chủ đầu tư phải đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Vân Phong - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Đại Ngãi 2.
Dự án nhóm A thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trình Hội đồng thẩm định quốc gia, các chủ đầu tư phải dồn hết sức để kịp tiến độ. 7 dự án nhóm B, C chưa được Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư thì tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình phê duyệt. 43 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt dự án, tập trung cho thiết kế kỹ thuật để khởi công, tạo khối lượng thi công, nâng sản lượng giải ngân”, Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm đưa dự án khởi công là một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đặc biệt chú trọng để tăng khối lượng giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh minh họa
Nhiều đơn vị đạt kết quả giải ngân cao
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT khoảng 43.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/1 và dự kiến 15 ngày cuối tháng giải ngân được khoảng gần 40.900 tỷ đồng.
Một số ban QLDA đã giải ngân cơ bản hết khối lượng thực hiện trong năm 2021, một số Ban QLDA đang hoàn thiện thủ tục để thanh toán khối lượng hoàn thành một số dự án trước ngày 31/1/2022, gồm: Ban QLDA Hàng hải (100%), Ban QLDA Thăng Long, Tổng cục Đường bộ VN (99,4%), Ban QLDA 6 (99,1%), Ban QLDA 85 (99,6%), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (dự kiến 98,8%), Ban QLDA Đường sắt 98,5%,…
23/32 chủ đầu tư địa phương đã cơ bản giải ngân hết kế hoạch năm 2021, gồm: Sở GTVT Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ban QLDA CTGT và NNPTNT Đắk Lắk, Hải Phòng, Điện Biên, Yên Bái, Hải Dương, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Lâm Đồng, Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu.
Bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, một số ban QLDA chưa đạt được kết quả giải ngân theo yêu cầu như: Ban QLDA 7 (dự kiến giải ngân 92,3%), Ban QLDA Đường thủy (dự kiến đạt 91,1%), Ban QLDA 2 (dự kiến giải ngân 71,6%).
9 địa phương không giải ngân hết kế hoạch gồm các sở GTVT: Cà Mau, Ninh Bình, Phú Yên, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Đối với công tác giải ngân tại các dự án, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, tính đến tháng 1/2022, có 13 dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021.
Điển hình như: cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đạt 80,2% kế hoạch); Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (đạt 52,4% kế hoạch); Dự án cầu yếu và kết nối trên quốc lộ (đạt 17,8% kế hoạch); Dự án QL24 - TP2 (đạt 74,2% kế hoạch),…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận