Xã hội

Làng báo thay đổi gì sau 2 năm quy hoạch?

19/06/2021, 08:00

Bên cạnh thuận lợi, không ít thách thức cũng đặt ra, đòi hỏi các tòa soạn phải tự đổi mới nếu muốn tồn tại và phát triển.

img

So với thời điểm năm 2019, đến nay cả nước đã giảm 70 cơ quan báo. Tới thời điểm này, các sạp báo giấy còn rất ít trên thị trường (Ảnh minh họa)

Hai năm sau khi thực hiện quy hoạch báo chí, diện mạo làng báo Việt Nam có nhiều sự thay đổi khi hàng loạt tờ báo được sáp nhập, chuyển đổi mô hình hoạt động. Bên cạnh thuận lợi, không ít thách thức cũng đặt ra, đòi hỏi các tòa soạn phải tự đổi mới nếu muốn tồn tại và phát triển.

Khó khăn sau sáp nhập, chuyển đổi mô hình

Nhiều năm công tác ở mảng thời sự - pháp luật của báo điện tử Infonet nhưng từ sau khi sáp nhập với báo Vietnamnet, nhà báo T.D lại bắt đầu với mảng đời sống dân sinh.

“Sau sáp nhập, cộng với ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, bước đầu thu nhập của chúng tôi giảm khoảng 1/3. Cường độ công việc cao hơn, nhưng sức ép này sẽ giúp chúng tôi trưởng thành hơn”, anh D. chia sẻ.

Từ ngày 1/3/2021, thêm 4 tờ báo (gồm An ninh Thủ đô, Công an TP HCM, Công an TP Đà Nẵng và An ninh Hải Phòng) đã sáp nhập vào Báo Công an nhân dân. Để cơ cấu lại tòa soạn, chuyên đề Cảnh sát toàn cầu của Báo Công an nhân dân ngừng xuất bản.

“Tổ hợp” báo chí Công an nhân dân có một ấn phẩm chính và 7 ấn phẩm chuyên đề. Hiện các chuyên đề vẫn đang hoạt động tương đối độc lập.

Đây cũng là thực trạng sau sáp nhập của một số tờ báo khác. Tuy nhiên, khi chưa thực sự cơ cấu lại tòa soạn triệt để, sẽ khó tránh khỏi tình trạng chồng chéo trong công việc.

Chẳng hạn như tại một cuộc họp báo, có tới 3 - 4 phóng viên của một cơ quan báo chí cùng tham gia và đưa tin trên các chuyên đề.

Cũng là câu chuyện “nhập nhưng chưa hòa tan”, một tòa soạn khác đã xảy ra câu chuyện trùng lặp hợp đồng truyền thông khi cả hai cán bộ của 2 tờ báo trước sáp nhập cùng có gói truyền thông với tập đoàn X. Khi tòa soạn sáp nhập, doanh nghiệp không thể ký 2 hợp đồng với một tờ báo...

20 năm tuổi đời, Đời sống và Pháp luật đã có 19 năm là báo và vừa chuyển sang mô hình tạp chí được 1 năm. Thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm qua là một năm khó khăn với cán bộ, phóng viên tòa soạn khi doanh thu, thu nhập giảm, cùng với đó việc cơ cấu lại tòa soạn với gần 300 nhân sự khiến công việc của nhiều nhân sự phải thay đổi.

Lãnh đạo tạp chí đã có nhiều chiến lược như tìm kiếm thị trường “ngách”, cơ cấu lại tòa soạn, chuyển đổi các kỹ năng, đặc biệt là tư duy tiếp cận đề tài, tư duy tác nghiệp. Tuy nhiên, để vượt qua giai đoạn thay đổi, chuyển giao, thì sự sụt giảm thu nhập, thay đổi công việc là điều toàn bộ nhân sự tòa soạn phải chấp nhận.

Nói về việc hoàn tất việc sáp nhập với Báo Pháp luật & Xã hội, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế Đô thị cho biết, hiện tòa soạn đã sắp xếp lại về mặt nội dung, kiện toàn lại các tổ chức đoàn thể.

Về mặt tổ chức, Báo Pháp luật & Xã hội trước thuộc Sở Tư pháp Hà Nội, khi sáp nhập thì theo đề án sẽ trở thành Ban Pháp luật xã hội, nhân sự có trên 70 người. Các chức danh như trưởng, phó ban Báo Pháp luật & Xã hội trước đây đã được bổ nhiệm lại. Phóng viên của toàn tòa soạn được phân chia lại, phụ trách các mảng chuyên sâu.

“Tòa soạn đang từ hơn 100 người giờ lên tới 180 người nên việc sắp xếp tổ chức chuyên môn, mô hình phải làm một cách căn cơ và bài bản”, ông Đức cho biết.

Buộc phải tìm hướng đi mới

Theo ông Nguyễn Minh Đức, việc sáp nhập là một quá trình khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để tòa soạn cơ cấu lại, có sự cạnh tranh để lựa chọn người giỏi, tinh giản những người không đáp ứng yêu cầu công việc.

“Sáp nhập đúng vào thời điểm dịch Covid-19 càng thêm khó khăn, nên tòa soạn đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, thêm các hoạt động tuyên truyền, tổ chức sự kiện, quảng cáo và hướng tới sẽ thực hiện mô hình thu phí đọc tin bài điện tử...”, ông Đức cho hay.

Nữ Phó tổng biên tập một tờ báo chia sẻ, việc sáp nhập không chỉ toàn khó khăn. Bởi một số cơ quan báo chí nhập về tờ báo lớn hơn thì bước đầu vị thế sẽ cao hơn, không gian hoạt động rộng hơn, tôn chỉ mục đích mở hơn.

Tuy nhiên, thách thức là các tòa soạn sau sáp nhập buộc phải giảm quy mô nhân sự, thay đổi cách vận hành một tòa soạn và tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Không phải chịu áp lực sáp nhập, nhưng Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay, ông Lưu Quang Định cho hay, mọi tòa soạn ở giai đoạn này đều đang trải qua khó khăn. Tại Báo Nông thôn ngày nay, tuy chưa phải giảm lương, giảm nhân sự nhưng đã buộc phải điều chỉnh các hệ số phụ cấp, tính toán lại nguồn chi.

Để vượt qua khó khăn, báo tăng cường các hình thức phát hành sản phẩm báo chí trên đa nền tảng như YouTube, Zalo, TikTok; xây dựng các chuyên trang có thu tiền, tổ chức sự kiện.

Thậm chí, báo còn thành lập cả trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản và đang ấp ủ kế hoạch thành lập công ty chuyên kinh doanh sản phẩm du lịch nông nghiệp, xây dựng một vài trang trại kiểu mẫu…

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, thực hiện quy hoạch, sáp nhập, chuyển đổi mô hình hoạt động các cơ quan báo chí, nhân lực báo chí sẽ phải rút gọn lại.

Điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong từng vị trí việc làm. Người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ có chỗ đứng. “Đó là quy luật của cuộc sống nói chung chứ không riêng ngành báo chí”, ông Lợi nói.

Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện

Nhìn nhận về 2 năm thực hiện quy hoạch báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Cục phó Cục Báo chí đánh giá, vấn đề định danh rõ ràng giữa báo và tạp chí được đặc biệt chú ý. Cơ quan quản lý Nhà nước khi cấp phép cho các cơ quan báo chuyển thành tạp chí hoặc sáp nhập, thay đổi mô hình đã xem xét rất kỹ vấn đề tôn chỉ mục đích.

Theo đó, tạp chí tập trung thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực của cơ quan chủ quản. Về hình thức, khi cấp phép đều có cụm từ “tạp chí” thể hiện trên manchette và giao diện trang chủ.

“Trong năm 2021, chúng tôi xem xét cấp lại giấy phép hoạt động cho khoảng 120 cơ quan báo chí. Tiếp đó, sẽ rà soát, đánh giá để có sự chấn chỉnh, uốn nắn, xử phạt vi phạm nếu cần thiết”, ông Hiếu cho hay.

Khẳng định với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT luôn đồng hành với sự phát triển của báo chí cách mạng, ông Hiếu cho biết, trước những khó khăn của báo chí trong giai đoạn hiện nay, Bộ TT&TT đã thực hiện nhiều biện pháp như tham mưu với Chính phủ thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyên truyền theo cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với nhiều cơ quan báo chí.

Trong năm 2021, nhiều cơ chế đặt hàng đã được thực hiện như tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 84 của Chính phủ; tuyên truyền về chính sách dân tộc, tôn giáo...

Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 09 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ quản báo chí quan tâm, tạo điều kiện để cơ quan báo chí nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nâng cao chất lượng thông tin; hàng năm tăng khoảng 20% số lượng tin/bài sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu so với năm 2020.

Hai năm, giảm 70 cơ quan báo

Theo thống kê của Cục Báo chí, sau 2 năm triển khai Quy hoạch báo chí, đến nay đã hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương.

Đến nay, đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với thời điểm năm 2019 cả nước có 195 cơ quan báo thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%).

Sau khi thực hiện quy hoạch, một số cơ quan báo chí đã chuyển đổi mô hình hoạt động từ báo sang tạp chí, sáp nhập lại với nhau hoặc chuyển thành chuyên trang, ấn phẩm (19 báo chuyển thành tạp chí; Báo Tri thức & Cuộc sống được sáp từ 4 tờ báo: Đất Việt, Khoa học & Đời sống, Tầm nhìn, Kiến thức...).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.