Cầu bộ hành không người sử dụng trên đường Võ Văn Kiệt
Tại TP.HCM hiện có 27 cầu vượt bộ hành được xây dựng để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, mỗi cầu có mức đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ một số cầu được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, số còn lại rất ít người sử dụng hoặc gần như bỏ không, gây lãng phí rất lớn.
Trong khi đó, nhiều nơi nhu cầu sử dụng cao nhưng lại chưa được xây dựng cầu vượt. Đặc biệt như đoạn đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, đoạn trước Trường Đại học Hutech... Nhìn cảnh sinh viên băng qua con đường kìn kìn xe cộ mỗi ngày, nhiều người không khỏi rùng mình.
Nói cách khác, nơi không cần (hoặc chưa thực sự cần) thì có cầu bộ hành, còn nơi đang thực sự bức thiết thì lại không có.
Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM, những vị trí có cầu bộ hành nhưng chưa phát huy tốt công năng, ít người sử dụng như cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng... là do mật độ dân cư thưa thớt. Còn những nơi cần cầu bộ hành mà chưa xây dựng được là do đang vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể thực hiện được...
Vậy thì vấn đề đặt ra là trước khi xây cầu bộ hành tại những nơi hiện chưa phát huy hiệu quả, sao các cơ quan chức năng không tính đến yếu tố mật độ dân cư thưa thớt để cân nhắc, tính toán?
Một ví dụ về sự lãng phí khác là việc lắp viên phản quang “mắt mèo” trên các tuyến đường Cộng Hòa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Sơn, Phan Đình Giót…
Việc lắp viên phản quang thời gian qua đã không phát huy được tác dụng là tạo ra phản quang, bởi bị xe cộ cán qua, cáu bụi và bị vỡ, hư hỏng. Số tiền 250.000 đồng/viên gắn trên cả tuyến đường dài thực sự không hề là số tiền nhỏ, trong khi chúng chẳng mang lại tác dụng gì.
Chưa hết, từ tháng 8/2018, TP.HCM thí điểm 5 vị trí đón taxi trên địa bàn phường Bến Nghé và Bến Thành, quận 1, mục đích là nhằm hạn chế taxi chạy lòng vòng, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, giảm kẹt xe ở khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, sau 2 năm ra mắt, những điểm này không hiệu quả, tài xế lẫn hành khách đều thờ ơ vì nhiều bất cập, không mang lại tiện ích cho người dân, dẫn đến các điểm trên bị bỏ hoang, mục nát.
Đáng kể nhất là công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng, được người dân thành phố kỳ vọng rất nhiều, khi đang gần về đích thì lại bị tắc do vướng thủ tục.
Nếu giả sử nó tiếp tục bị treo thêm một thời gian dài nữa, việc đội vốn là không thể tránh khỏi. Và khi đó, ngân sách sẽ phải gánh chịu chứ làm gì có cá nhân nào đứng ra gánh vác?
Ai cũng hiểu, xây cầu bộ hành, quy hoạch điểm đón taxi, lắp viên phản quang trên đường nhằm ngăn ngừa tai nạn, làm dự án chống ngập để giải quyết vấn nạn ngập nước… tất cả nằm trong mong muốn đô thị có nhiều tiện ích và an toàn hơn cho người dân.
Tuy nhiên, việc chi tiền đầu tư phải cần đúng mục tiêu, thiết thực, hiệu quả, không để dự án chậm tiến độ, đội vốn. Bởi nếu không, số tiền ngân sách phải bỏ ra (thực chất là tiền thuế đóng góp của người dân) đã bị lãng phí một cách không cần thiết.
Đã là tiền thuế của dân thì không ai có quyền lãng phí, dù chỉ là một đồng, bởi đó là đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mỗi người dân. Để xảy ra lãng phí những đồng tiền thuế của dân là có tội và phải có những cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận