Ưu tiên tận dụng cho công năng khác
Chí Minh là xã mới được sáp nhập từ cuối năm 2019 từ 3 xã cũ là Tứ Xuyên, Tây Kỳ và Đông Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Do "4 dồn làm 1" nên việc dôi dư trụ sở không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Chí Minh đã tận dụng các công sản dôi dư này để mở rộng trường học, làm nhà đa năng...
Theo đó, sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận, trụ sở UBND xã và trạm y tế xã Đông Kỳ được tu sửa làm điểm trường THCS Chí Minh. Còn trụ sở xã Tứ Xuyên cũ được tận dụng làm cơ sở vật chất cho trường tiểu học Chí Minh II.
Ông Nguyễn Thế Dậu, Chủ tịch xã Chí Minh cho biết, phương án này là hợp lý bởi tiết kiệm ngân sách đầu tư xây dựng công trình mới.
Cũng đề cập về vấn đề này, ông Hà Thiện Ý, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã có chủ trương xử lý các trụ sở cũ để bố trí nơi làm việc cho một số cơ quan khác có nhu cầu, đồng thời đang làm thủ tục bán đấu giá tài sản đối với các trụ sở còn lại.
Trong khi đó, theo UBND TP Thủ Đức, đơn vị này đã lên kế hoạch sử dụng các trụ sở của các cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập 3 quận.
Cụ thể, trụ sở quận 9 cũ sẽ được sử dụng làm trụ sở Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư và Phát triển khoa học công nghệ. Kế hoạch được xây dựng từ quý I/2022 nhưng đến nay vẫn đang chờ phê duyệt.
Tại Lạng Sơn, từ ngày 1/1/2020, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã gồm Xuân Tình, Như Khuê, Vân Mộng, Nhượng Bạn.
Theo đó, trụ sở làm việc mới được chính quyền các xã lựa chọn theo chỉ đạo, hướng dẫn của huyện, được đưa ra bàn, lấy ý kiến Đảng bộ xã và của nhân dân tại các cuộc họp thôn.
Trên cơ sở đó, trụ sở xã Xuân Tình (cũ) được lựa chọn làm trụ sở xã Thống Nhất; trụ sở xã Như Khuê (cũ) được tận dụng làm trạm y tế, trụ sở xã Vân Mộng (cũ) trở thành địa điểm mới của trường mầm non và trụ sở xã Nhượng Bạn (cũ) được dùng làm nhà văn hóa thôn.
Đến nay, đa phần trụ sở làm việc cũ đều đã được tận dụng để phục vụ các công năng khác, tránh lãng phí.
Tuy nhiên, lãnh đạo Văn phòng UBND và Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Lộc Bình thông tin, không phải trụ sở cũ nào cũng được tận dụng.
Đơn cử, nhiều xã hiện nay đều thiếu trụ sở công an xã do mới thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã.
Dù nhiều xã sau sáp nhập, trụ sở cũ đang bỏ hoang nhưng vẫn không thể sử dụng vì ở xa trung tâm, không bảo đảm công năng theo mẫu thiếu kế chuyên ngành, buộc phải xây mới.
Bán trụ sở vướng nhiều quy định
Theo thống kê, sau khi thực hiện đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có 40 công trình dôi dư, huyện đã tái sử dụng 18 cơ sở, còn lại 22 cơ sở đến nay vẫn chưa được chuyển đổi.
Trong đó, sau khi thị trấn Quan Sơn và xã Sơn Lư sáp nhập (đổi tên thành thị trấn Sơn Lư), trụ sở làm việc được chuyển về xã Sơn Lư, khiến trụ sở thị trấn Quan Sơn bị bỏ hoang.
Trạm y tế thị trấn Sơn Lư cũng thuộc diện dôi dư, hiện chỉ có một phần được sử dụng, phần còn lại bị bỏ không, trong khi quỹ đất trên địa bàn rất ít.
Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho hay, với các cơ sở nhà đất sau khi sắp xếp dôi dư, huyện đã có văn bản trình tỉnh, Sở Tài chính sắp xếp, trong đó có phương án bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng để tăng nguồn thu...
Đây cũng là phương án được nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đề xuất.
Theo ông Lê Duy Hiếu, Phó phòng Quản lý công sản - giá, Sở Tài chính Thanh Hoá, thời điểm năm 2021, toàn tỉnh có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư nhưng đến nay đã sắp xếp xử lý được 411 cơ sở, vẫn còn lại 789 cơ sở.
Hiện nay có một số địa phương gửi báo cáo về Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh, thay đổi, sắp xếp sang bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc tham mưu, xử lý các tài sản này còn lúng túng, bất cập do vướng giữa quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Đất đai năm 2013.
Ngoài ra, các nghị định, thông tư có liên quan và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp bộ chuyên ngành còn chưa thống nhất.
"Khó khăn nữa là một số tài sản công như nhà văn hoá nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương hằng năm như xây dựng khu dân cư, khu đô thị và các dự án thương mại nên khó có thể xử lý theo quy định", ông Hiếu thông tin thêm.
Hiện Sở Tài chính Thanh Hoá đã đề nghị các xã, huyện, thị xã, thành phố rà soát, sắp xếp đưa tài sản công vào sử dụng, hạn chế việc đề xuất bán, thu hồi để thực hiện dự án khác, tránh gây lãng phí, thất thoát. Trường hợp xác định thực sự dôi dư mới thực hiện bán và người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm.
Tương tự, tại Phú Thọ, tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp. Trường hợp dôi dư không còn nhu cầu sử dụng mới xem xét bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Lãnh đạo Phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính Hà Tĩnh cũng cho biết, việc bán tài sản gắn liền với đất đang vướng mắc trong việc xác định giá khởi điểm.
"Thời gian qua một số trụ sở cũ đã được bán đấu giá, tuy nhiên việc đấu giá không thành do không ai tham gia", vị này cho biết.
Chuyển đổi được công năng phải bàn giao
Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương rà soát các trụ sở của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 mà đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý.
Việc xử lý sẽ theo hướng: Đối với các trụ sở có khả năng chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thì khẩn trương làm thủ tục bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu; lập kế hoạch, dự toán, cấp bổ sung kinh phí phục vụ việc cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng, nâng cấp.
Đối với các trụ sở vượt quá tiêu chuẩn, định mức sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng nhưng không thể bán đấu giá thì phải báo cáo và được sự đồng ý của UBND cấp tỉnh đối với các trụ sở do địa phương quản lý (hoặc bộ, ngành chủ quản đối với trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp); được xem xét cấp bổ sung kinh phí duy trì trụ sở theo khả năng cân đối của ngành, địa phương.
Tổ chức bán đấu giá các trụ sở dôi dư, không sử dụng để bổ sung kinh phí cho địa phương. Các địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận