Phát biểu với Đài AVN, ông Tusk cho biết, kế hoạch nói trên có sự tham gia của 21 thành viên EU sẽ được đệ trình lên Hội đồng châu Âu (EC) trong vài ngày tới.
Dự án Sáng kiến Lá chắn Bầu trời này được coi là cách hợp lý nhất để các nước EU cùng đóng góp xây dựng hệ thống phòng thủ không gian chung.
"Các cuộc không kích gần đây nhằm vào Israel đã cho thấy hiệu quả và tầm quan trọng của những hệ thống như vậy. Sẽ không có lý do nào để châu Âu không xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa riêng cho mình. Việc xây dựng một Vòm Sắt chống lại tên lửa và máy bay không người lái (UAV) là vô cùng cấp thiết", ông Tusk tuyên bố.
Cũng theo Thủ tướng Ba Lan, châu Âu không quá khó để hình dung các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tiềm năng trong tương lai có thể đến từ đâu.
Từ lâu, Vòm Sắt đã được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới bảo vệ Israel khỏi tên lửa, rocket và đạn pháo từ các quốc gia thù địch trong khu vực. Mới đây nhất, Iran đã ồ ạt triển khai hàng trăm quả tên lửa và UAV dồn dập tấn công Israel nhưng đã bị hệ thống Vòm Sắt và các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đánh chặn gần hết.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang hết sức quan ngại về tình hình căng thẳng tại các khu vực nằm sát biên giới với Nga. Rất nhiều nước đã tăng cường chi tiêu quân sự ở mức chưa từng có kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề xuất không lâu sau khi EU cáo buộc Nga sử dụng rocket tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự tại Ukraine bất chấp việc Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Đến tháng 7/2023, Áo và Thụy Sĩ – hai nước có truyền thống trung lập – cũng đăng ký tham gia sáng kiến nói trên và đến tháng 2 năm nay, số quốc gia tham gia sáng kiến đã tăng lên 21 với sự tham gia gần đây nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Viện An ninh và Quốc tế Đức (SWP) năm ngoái đã nêu rõ một số hệ thống phòng thủ tên lửa mà giới chức Đức định mua sắm hoặc bổ sung vào Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu bao gồm Patriot của Mỹ, IRIS-T SLM của Đức và Arrow của Israel.
SWP cũng chỉ ra, dù khả năng Nga tấn công các quốc gia NATO rất khó xảy ra trong trung hạn nhưng "việc tăng cường năng lực phòng không chung của châu Âu có thể ngăn chặn những động thái chèn ép châu Âu và NATO qua đó tăng cường tính liên kết trong khối.
Patriot là hệ thống tên lửa dẫn đường có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Mỗi khẩu đội bao gồm một hệ thống phóng gắn trên xe tải với 8 bệ phóng, mỗi bệ có thể chứa tối đa 4 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar mặt đất, một trạm điều khiển và một máy phát điện.
Tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T SLX được phát triển bởi tập đoàn Diehl Defence của Đức có khả năng phòng thủ tầm xa vượt trội. IRIS-T SLX được áp dụng sâu rộng những cải tiến về đạn tên lửa giúp tăng gấp đôi tầm bắn lên 80km, trần cao đánh chặn 30km.
Đặc biệt, tổ hợp vũ khí này còn được trang bị hệ thống radar mảng định pha chủ động hiện đại giúp nhanh chóng phát hiện và khóa mục tiêu, kể cả các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vận tốc siêu thanh. IRIS-T SLX cũng có khả năng tích hợp tác chiến, cho phép kết nối với các hệ thống vũ khí khác để tạo ra mạng lưới phòng thủ đa tầng và tăng hiệu quả đánh chặn.
Trong khi đó, Arrow 3 được coi là hệ thống phòng không hiện đại nhất mà Israel sở hữu do tập đoàn Boeing của Mỹ và Tập đoàn Công nghiệp Vũ trụ Israel (IAI) cùng phát triển. Tên lửa trang bị cho hệ thống Arrow 3 là loại tên lửa siêu thanh có thể bảo vệ cho một khu vực vô cùng rộng lớn với bán kính tối đa lên đến 2.400km bao gồm những cơ sở chiến thuật hoặc các khu đông dân cư. Arrow 3 có thể tiêu diệt được các mối đe dọa từ xa, bao gồm cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt ở độ cao lên đến 100km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận