Giữ kín đến phút chót
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, số vũ khí này được sử dụng tuần trước trong cuộc tấn công vào sân bay quân sự Nga ở thành phố Dzhankoi nằm trên bán đảo Crimea và mới đây nhất là vào rạng sáng 24/3 tại thành phố Berdyansk hiện do Nga kiểm soát.
"Những vụ tấn công trên một lần nữa cho thấy Ukraine có thể giành được chiến thắng trên chiến trường nếu được cung cấp đúng loại vũ khí", Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Mississippi Roger Wicker – người đồng thời đứng đầu phe Cộng hòa tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - tuyên bố. Ông Wicker cũng chính là người từ lâu đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Biden cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Theo giới chức Mỹ, nước này đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa có tầm bắn lên tới 300km, xa gấp đôi so với những loại tên lửa tầm trung mà Kiev tiếp nhận từ Mỹ hồi tháng 10 vừa qua.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan lấp lửng: "Chúng tôi đã gửi một số tên lửa cho Ukraine và sẽ tiếp tục gửi thêm khi nhận được tiền và sắc lệnh phê duyệt (theo gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden ký ban hành ngày 24/4)".
Theo hãng tin AP, hồi tháng 2, ông Biden đã chấp thuận cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa cho Ukraine và một tháng sau, Mỹ lại bổ sung thêm "số lượng đáng kể" tên lửa loại này cho Ukraine trong gói cứu trợ trị giá 300 triệu USD Mỹ dành cho Ukraine.
Những thông tin về việc Mỹ bí mật gửi vũ khí cho Ukraine được giữ kín tới mức bản thân các nhà lập pháp Mỹ vẫn lên tiếng yêu cầu chính phủ cung cấp ngay tên lửa cho Ukraine mà không biết rằng số tên lửa này đã đến tay quân đội Ukraine.
Mỹ luôn ngần ngại trong việc gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine vì lo ngại Kiev có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất Nga khiến Moscow tức giận và làm leo thang xung đột. Đó cũng là lý do hồi tháng 10, chính quyền của Tổng thống Biden chỉ gửi phiên bản tên lửa tầm trung với tầm bắn khoảng 160km cho Ukraine.
Đô đốc Christopher Grady, Phó tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 24/4 cho biết, Nhà Trắng và các quan chức quân sự Mỹ đã phải cân nhắc rất cẩn thận những mối nguy từ việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine và nhận thấy rằng giờ là thời điểm thích hợp để chuyển giao.
Trong cuộc phỏng vấn với AP, Đô đốc Grady cho biết, tên lửa tầm xa sẽ giúp Ukraine loại bỏ những tuyến đường hậu cần huyết mạch và những nơi đồn trú quân đông đúc của Nga nằm cách xa tiền tuyến. Dù không công bố chính xác loại tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, ông Grady vẫn tự tin khẳng định "chúng rất hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách và tôi tin chắc vào điều đó".
Cũng như nhiều loại vũ khí hiện đại mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, chính quyền của Tổng thống Biden đều phải cân nhắc khả năng có thể làm leo thang xung đột và luôn khẳng định những loại vũ khí này không được phép sử dụng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 24/4 cho biết, đích thân Tổng thống Biden đã chỉ đạo các quan chức an ninh khi chuyển giao ATACMS cho Ukraine phải đảm bảo chỉ được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine.
Lý do Mỹ chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine
Về phía Ukraine, chính quyền nước này không công khai xác nhận đã nhận được vũ khí tầm xa ATACMS từ Mỹ, chỉ bày tỏ cảm kích trước việc Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine.Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ trên tài khoản X rằng:"Năng lực vũ khí tầm xa, đạn pháo và phòng không là cực kỳ cần thiết để Ukraine có thể nhanh chóng khôi phục một nền hòa bình chính đáng".
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định chuyển giao vũ khí tầm xa cho Ukraine chính là việc Lục quân Mỹ giờ đã có thể thay thế số vũ khí ATACMS bằng loại Tên lửa Tấn công có Độ chính xác cao qua đó sẵn sàng chuyển giao toàn bộ số ATACMS cho Ukraine.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan giải thích chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden "đã nỗ lực không ngừng để giải quyết mối lo" quân đội Mỹ bị cạn kiệt ATACMS và giờ khi việc sản xuất được triển khai thì Mỹ có thể dễ dàng chuyển cho Ukraine ATACMS mà không phải lo ngại điều này có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận