Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) cho biết, kỹ năng lao động của Việt Nam kém rất xa so với nhóm ASEAN-4
Số liệu đáng buồn trên được đưa ra tại Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ Aus4Reform sáng nay 26/4.
"Phá sản" mục tiêu 25% lao động có bằng cấp, chứng chỉ
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), cho biết chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp.
Cụ thể, việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.
“Như vậy, chúng ta chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020”, bà Quỳnh nói.
Vì đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành nên kỹ năng lao động của Việt Nam còn kém, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh:
Mức tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực tư nhân được xác định trên quan hệ 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động (giới chủ) và người lao động (công đoàn), nhưng mức tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống; Cơ chế phân phối tiền lương đổi mới chậm, thực chất mới điều chỉnh tăng lương cơ sở.
Điều đáng nói là cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương còn hình thức.
Bà Quỳnh cũng lưu ý tình trạng già hóa lao động đang diễn ra nhanh khi lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa.
“Tuổi bình quân và trung vị của lực lượng lao động tăng lên. 10 năm tăng khoảng 3 tuổi, tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi năm 2019”, bà Quỳnh dẫn chứng.
Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-45 thường xuyên ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi này năm 2019 chiếm 6,51%, chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp.
Chức năng dịch chuyển lao động theo tín hiệu thị trường chưa rõ ràng. Lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,87%, Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lựng lao động).
Cần sửa Luật Việc làm
Chuyên gia CIEM chỉ ra một số nguyên nhân mà thời gian dài qua vẫn chưa khắc phục được: Sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; Xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện; Thiếu khung pháp lý, chế tài xử lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp…
Thêm vào đó, các trung tâm dịch vụ việc làm công lập thiếu năng động, nặng tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực chính thức mà chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân.
Điều đó dẫn tới tình trạng đáng buồn là người lao động tìm việc làm hầu hết thông qua người thân và các mối quan hệ quen biết. Thêo kết quả điều tra của CIEM, hơn 50% hoạt động tìm kiếm việc làm là qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; Còn lại 2-3% tìm qua các trang web.
Với thực tế trên, rất khó khăn nếu Việt Nam muốn tái cơ cấu kinh tế, chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong rất nhiều khuyến nghị của bà Quỳnh, đáng chú ý chuyên gia này đề nghị sửa đổi Luật Việc làm theo hướng phát triển và mở rộng qui mô việc làm thỏa đáng, bền vững; Giảm qui mô việc làm phi chính thức với các quy định hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý phát triển các định chế trung gian, hệ thống thông tin thị trường lao động, đổi mới các trung tâm dịch vụ việc làm công lập; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân: Tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động thời vụ; Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đầy đủ, kịp thời về cung - cầu lao động, tiếp cận mở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận