Sau rất nhiều năm, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ chiếm gần 20%. Hơn 80% còn lại nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên lập đội tàu bay chuyên dụng chở hàng hóa?
“Cuộc chơi” của hãng nước ngoài
Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, hiện Việt Nam có gần 70 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 130 đường bay quốc tế, kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Trong số này có gần 20 hãng hàng không nước ngoài chuyên chở hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng như: UPS, Fedex (Hoa Kỳ), China Airlines, Eva Air (Đài Loan), Korean Air, Asiana Airlines (Hàn Quốc), Japan Airlines, All Nippon Airways (Nhật Bản), Cathay Pacific, HongKong Airlines, Air HongKong (Hồng Kông), China Southern (Trung Quốc), Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Cargolux (Luxemburg), Airbrigde Cargo (Nga), Aerologic (Đức) Etihad Airways, Qatar Airways...
Các hãng hàng không nước ngoài khác cũng đều có khai thác vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa (belly cargo) đi/đến Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng thị trường hàng hóa giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình hơn 10%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng hóa quốc tế đạt 12%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng hàng hóa đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm 2018. Trong đó hàng hóa quốc tế đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2018.
Đáng lưu ý, khi sản lượng hàng hóa đường hàng không tăng đều mỗi năm thì thị phần chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ đạt gần 20%. Hơn 80% thị phần còn lại vẫn nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng tàu bay chở khách kết hợp với chở hàng nên khối lượng hàng hóa vận chuyển trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 2-10 tấn tùy theo chủng loại tàu bay.
Không hạn chế lập hãng
Câu hỏi đặt ra là có nên lập đội tàu bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, tránh tình trạng “ngoại tệ chảy ngược” do thị phần vận tải hàng hóa chủ yếu nằm trong tay hãng hàng không ngoại?
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không VN khẳng định, pháp luật Việt Nam về hàng không dân dụng hiện không có các quy định hạn chế các doanh nghiệp thành lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa.
Thậm chí, quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236 cũng khẳng định, “năm 2030 phát triển hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa”.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho rằng, với nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam còn thấp như đã nêu trên thì việc thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng là cần thiết và cần được khuyến khích.
Về vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines cho biết, việc thành lập đội máy bay chuyên dùng chở hàng hóa là mục tiêu lớn của Vietnam Airlines. Hãng đang khẩn trương nghiên cứu đề án xây dựng và đưa vào khai thác đội máy bay chuyên dùng chở hàng trong thời gian tới.
“Trong giai đoạn hiện nay, Vietnam Airlines cũng đã thực hành và đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành, khai thác các chuyến bay chuyên dùng chở hàng”, đại diện Vietnam Airlines nói và cho biết thêm, trong bối cảnh gần như toàn bộ chuyến bay chở khách phải tạm dừng khai thác khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hãng đã chủ động đưa 12 tàu bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa thuần túy trên khoang khách (cabin) và khoang bụng (belly); đồng thời tháo ghế 2 tàu bay thân hẹp Airbus 321 để chở hàng.
Đây chính là những bước tập dượt cho quá trình xây dựng, khai thác đội bay chuyên dùng chở hàng của Vietnam Airlines trong tương lai.
“Kết quả đạt được rất khả quan khi trong giai đoạn cách ly xã hội, doanh thu vận chuyển hàng hóa của Vietnam Airlines đã đạt 1.330 tỷ đồng, riêng tháng 5/2020 đạt 840 tỷ đồng, tăng tới 45% so với cùng kỳ”, đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Theo thống kê của Cục Hàng không VN, vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không chủ yếu tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao như nguyên vật liệu phục vụ may mặc, hàng điện tử, y tế (với tỷ trọng chiếm khoảng hơn 90%), còn lại các mặt hàng là hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và hàng nông sản.
Do tính chất khai thác, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không tương đối cao, ví dụ như giá cước hàng hóa từ Việt Nam đi Mỹ của các hãng Đông Bắc Á dao động từ 3,5 - 8,1USD/kg tùy thuộc vào khối lượng vận chuyển và điểm đến. Với các hãng Trung Đông, mức giá cước hàng hóa dao động từ 2,5 - 11 USD/kg.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận