Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) năm 2015 vẫn được duy trì dù nhiều ý kiến cho rằng nó chứa đựng những hình ảnh dã man - Ảnh: Lã Anh |
Xô xát, hỗn chiến trước nơi linh thiêng
Mùa lễ hội 2015 vừa bắt đầu, những tranh cãi về lễ hội chém lợn truyền thống ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã trở thành tâm điểm chú ý trong dư luận. Trong khi Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng ban hành quy định chấm dứt màn chém lợn vì cho rằng nó tàn bạo, dã man thì người dân làng Ném Thượng lại cho rằng: “Đây là một tục lệ có từ xưa đến nay và vẫn muốn tiếp tục nghi lễ truyền thống này” và quyết định chém lợn bất chấp dư luận.
Lễ hội đền Gióng tại Sóc Sơn (Hà Nội) vào sáng 24/2 đã xảy ra cảnh hàng chục thanh niên lao vào cướp lộc lấy may cho cả năm. Cùng với đó xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm như thanh niên dùng gậy tre vụt tới tấp vào đội bảo vệ kiệu, “ẩu đả” gây nên cảnh “hỗn chiến”.
"Nghi thức cướp hoa tre là phong tục, tôi từng cướp hoa tre. Cái kiệu rước đó phải được đưa đến đền Thượng sau đó mới tung hoa tre để mọi người tranh cướp và đây là một cuộc vui, mọi người tranh cướp với nhau rất vui vẻ. Nhưng chưa đến đền Thượng, những thanh niên và người khiêng kiệu đánh nhau kịch liệt. Đừng nhầm lẫn giữa đánh nhau với chuyện cướp hoa tre". GS. Ngô Đức Thịnh |
Trong lúc lễ tế đang diễn ra tại sân đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) ngày 25/2, một thanh niên cầm theo dao bầu chạy vào đám đông la hét đe dọa, rượt đuổi các đối tượng khác khiến nhiều người có mặt tại lễ hội lo sợ.
Lễ rước kiệu được cho là ở làng Xuân Đỉnh, Hà Nội cũng khiến nhiều người sởn da gà. Một chiếc xe Kia Morning không may mắn đỗ ở gần cổng trường học, ngay nơi diễn ra Lễ rước kiệu đã bị các trai tráng làng bê chiếc kiệu lao từ xa đến đâm vào kính sau xe. Sau vài lần lao đến dùng cán đầu rồng đâm trực tiếp, kính sau của xe đã bị vỡ toang khiến khổ chủ phải quỳ xuống van lạy để “thánh” kiệu tha. Chỉ sau màn quỳ, chắp tiền trên tay khấn lạy, chiếc kiệu mới được đưa rẽ sang hướng khác và thậm chí có cả lực lượng dân phòng dẹp đường cho kiệu đi.
Bên cạnh những hình ảnh bạo lực hiển hiện trong lễ hội vẫn còn tình trạng nạn ăn xin, ăn mày, cờ bạc, ăn nhậu, TNGT, đặc biệt là nạn xô đẩy chen lấn và nhét tiền vào tay Phật để cầu may, đốt vàng mã.
Để người dân tự quản lý, tổ chức lễ hội
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tình trạng lễ hội hỗn loạn hiện nay có một phần nguyên nhân do lịch sử để lại. Thứ nhất đó là có một thời kỳ dài chúng ta không thừa nhận tín ngưỡng, đã xóa sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa kia mà ông cha để lại. Hậu quả là đến tận bây giờ, nhiều người rất thiếu kiến thức về tín ngưỡng, nên mới gây ra sự hỗn loạn và xung đột trong lễ hội. Không chỉ người dân, ngay cả một số quan chức văn hóa hiện nay cũng không có kiến thức về tín ngưỡng. Bây giờ, nhiều người “lao vào đời sống tín ngưỡng” như con thiêu thân. Nhưng bi kịch là họ không biết đến chỗ nào để xin cái gì, thậm chí không tìm hiểu xem nơi đó thờ ai, có ý nghĩa, lịch sử thế nào.
Khi không gian lễ hội không còn linh thiêng nữa thì tính bạo lực trong lễ hội gia tăng là điều tất yếu. Điển hình là việc các thanh niên cầm gậy đánh nhau tại hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Đánh nhau trong lễ hội là vấn đề đáng báo động. Khi xung đột nhỏ không giải quyết tốt nó sẽ trở thành xung đột lớn, rất nguy hiểm.
Thứ hai, các lễ hội ngày nay còn mang tính vụ lợi. Thế nên mới dẫn đến các hiện tượng nhét tiền vào tay tượng, khấn thuê... Xu hướng chuộc lợi trong cuộc sống hàng ngày đã là tiêu cực rồi, nơi linh thiêng, mà chuộc lợi thì không còn linh thiêng nữa.
Thứ ba, hiện nay ở các nơi, chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, quản lý còn người dân đứng ngoài lễ hội đó. Vì thế, chính quyền cần phải trả lễ hội về cho người dân tự tổ chức, quản lý. Đây là nguyên tắc về văn hóa đã được UNESCO thừa nhận, vì người dân chính là chủ thể văn hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận