Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 7h sáng ngày 5/9, vị trí tâm bão số 3 Yagi trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167 - 183km/h), giật trên cấp 17. Những giờ qua, bão vẫn di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10km/h.
Chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 - 48 giờ tới, dự báo bão sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/h; tiếp tục mạnh lên đạt cường độ mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông trong các ngày 05-07/9/2024.
Khoảng chiều tối ngày 7/9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình).
Sóng biển cao nhất 10,0 - 12,0m trong các ngày 5 - 6/9. Dự báo mưa từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm.
Sáng 5/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã có báo cáo về việc ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi).
Theo đó, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây.
"Nếu các mái tôn không dốc và có khung vững chãi người dân có thể dùng các túi nước khoảng 20 - 30 lít, cho vào các bao tải và bơm nước nhưng không bơm quá đầy để tạo thế nằm vững chãi, buộc chặt, cố định bằng dây, đè trên mái tôn. Ngoài ra, người dân cũng có thể dùng bao tải đất, cát để thay thế nước", Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân cần chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh. Đồng thời, xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà, vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước…
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, người dân cần xác định vị trí an toàn để trú ẩn, chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.
Đồng thời, dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày. Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ).
Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão, hãy chuẩn bị bằng cách lập một kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu bạn tách ra.
Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông
Đối với tuyến biển, đảo, khi bão đổ bộ, người dân kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Chủ động cấm biển tuỳ theo diễn biến thực tế tại địa phương, trong đó lưu ý tàu vận tải lớn, tàu du lịch. Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ.
Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, chìm tại nơi neo đậu; không để người ở lại trên các tàu cá khi bão đổ bộ.
Sơ tán người dân và khách du lịch trên các đảo đến nơi an toàn và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong quá trình lưu trú.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, cần tổ chức di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tuỳ theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công trên đê biển Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh, tuyến đê biển I, TP Hải Phòng, trong đó phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế.
Tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện, cột tháp truyền hình, phát thanh, cẩu tháp,...
Tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa Hè Thu còn lại với phương trâm “xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất diện tích nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi bão đổ bộ; khuyến cáo người dân không tham gia giao thông khi bão đổ bộ.
Đối với miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa đã đầy nước, hồ thủy lợi xung yếu khu vực miền núi phía Bắc; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận