Một thời hoàng kim
Ở tuổi 55, ông Nguyễn Văn Khoa ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) vẫn thường cùng những đồng nghiệp năm nào, những cựu thủy thủ tàu viễn dương tụ hội ở một quán cà phê quen thuộc để trò chuyện.
Giờ đây, họ có người là chủ những doanh nghiệp lớn, có người lại vất vả mưu sinh với nghề lái xe ôm. Khoảng 30 năm trước, họ đều là những người giàu có.
Tại Hải Phòng, những năm 80 của thế kỷ trước, làm nhiệm vụ vận tải biển viễn dương hồi đó có nhiều công ty như: Công ty vận tải biển 3, Công ty Vitranschart, các công ty vận tải biển của các địa phương như Hamasco của Hà Nội…
Nhưng giữ vai trò chủ lực vẫn là Công ty Vận tải biển Việt Nam (giờ đổi tên là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam), tên thương hiệu là Vosco, trở thành biểu tượng và thương hiệu vận tải biển Việt Nam. Thủy thủ viễn dương dù ở đâu cũng đều được gọi nôm na là thủy thủ Vosco.
Những thủy thủ tàu viễn dương vốn đã có mặt bằng lương cao hơn hẳn làm trên bờ, lại thêm khả năng "đánh hàng cáy" (quạt điện, xe đạp, xe máy, ti vi, tủ lạnh…) từ nước ngoài về càng trở nên khấm khá.
Độ giàu có của các thủy thủ tàu viễn dương đã đi vào huyền thoại ở Hải Phòng. Thời đó, cứ thấy ai đi giầy Adidas, mặc quần bò, cầm trên tay gói thuốc lá 555, vào quán phở mang theo lọ mì chính thì đích thị là thủy thủ viễn dương!
"Nhà tôi cũng như dân Vosco hồi đó đều có những vật dụng thời thượng như: Radio - quay đĩa National dài 1,2m, tivi Panasonic đen trắng, xe Honda đời 78 màu xanh ốc bươu, máy khâu Con bướm 5 ngăn và tủ lạnh Toshiba hai cửa...", ông Khoa nhớ lại.
Hơn 20 năm làm máy trưởng trên những con tàu viễn dương, ông Bùi Văn Phùng (70 tuổi) chia sẻ, hồi ấy chỉ mình ông đi làm, lo được kinh tế cho cả gia đình, dành dụm mua nhà đất.
"Tôi đã nghỉ hưu nhiều năm, hiện nay con trai lớn đang nối nghiệp bố, đang làm máy trưởng cho hãng tầu Maersk Line. Nhưng giờ thu nhập nghề thủy thủ viễn dương không được như xưa đâu, cháu không thể đảm đương kinh tế cho cả gia đình", ông Phùng nói.
Đối mặt hiểm nguy và nỗi nhớ nhà
Ngày nay, thủy thủ tàu viễn dương giống như như bao nghề khác, có phần vất vả hơn bởi môi trường làm việc khắc nghiệt.
Dù lương khá cao so với mặt bằng chung và thường xuyên được đi khắp nơi trên thế giới, nhưng nghề này cũng đòi hỏi phải có sức khỏe, kỹ năng nên việc tuyển chọn nhân sự để đào tạo cũng không dễ dàng.
Anh Hoàng Văn Tài, 42 tuổi, từng làm thợ máy cho các hãng tàu nước ngoài và cả trong nước cho biết, hiện máy móc, phương tiện hỗ trợ đều rất hiện đại.
Trên những con tàu hàng rất lớn, còn trang bị cả các dịch vụ vui chơi thể thao, giải trí. Tuy nhiên, hiểm nguy trên biển thì vẫn thường trực. Nhiều khi biết khu vực biển có bão nhưng vẫn tiếp tục hành trình bởi còn áp lực về thời gian trả hàng.
Anh Bùi Văn Phước, người con trai nối nghiệp ông Bùi Văn Phùng từng rơi vào hoàn cảnh rất éo le. Đầu năm 2021, anh cùng tàu chở hàng đến California, Mỹ thì bất ngờ nhận được tin báo từ gia đình là vợ anh vừa qua đời vì sinh em bé.
Đang lênh đênh trên biển Đại Tây Dương, nhận tin sét đánh bên tai nhưng không thể nào về được ngay, lúc đó anh mới cảm thấy thiệt thòi và sự hy sinh của nghề thủy thủ lớn như thế nào.
Nén lại đau thương và đón nhận sự chia sẻ của đồng nghiệp, gần một tháng sau anh mới cập vào đất liền và từ Mỹ bay về Hải Phòng để chịu tang vợ.
Không những vậy, nghề thủy thủ tàu viễn dương còn phải đối đầu với nạn cướp biển. Khi đi qua các vùng biển Somali hay eo biển Malacca, các thủy thủ đều phải đặt mình trong tư thế cảnh giác cao, chuẩn bị sẵn vòi rồng, mắt luôn theo dõi trên màn hình radar nhằm kịp thời phát hiện có tàu lạ hay phương tiện lạ áp sát để ứng phó.
Tuy cảnh giác cao độ nhưng không ít lần các thủy thủ đoàn trên tàu bị hải tặc cướp sạch tài sản và vật dụng có giá trị. Nhiều trường hợp còn bỏ mạng trước sự hung tợn và manh động của hải tặc.
"Để được làm việc trên tàu viễn dương, ngoài tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành điều khiển tàu biển hoặc máy tàu thủy thì phải học đào tạo thêm để lấy các chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ an toàn hàng hải", anh Bùi Biên Cương, máy trưởng của Công ty Vận tải Biển Bắc cho biết.
Bên cạnh đó, với những con tàu gồm nhiều thủy thủ đến từ các quốc gia khác nhau thì bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh.
"Như tàu của tôi có cả thủy thủ của Hà Lan, Philippines, Nga, Ukraine, Romania… nên tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
Còn một số tàu đa phần là người Việt thì các vị trí sĩ quan chính như thuyền trưởng, máy trưởng cần có ngoại ngữ, các vị trí khác không yêu cầu quá cao", anh Cương nói thêm.
Ngày bình thường của anh Bùi Biên Cương và các đồng nghiệp làm vị trí sĩ quan máy và thủy thủ đều tuân theo một thời gian biểu cố định.
"7h vệ sinh cá nhân, 7h30 ăn sáng, 8h làm việc. Đến 10h sẽ nghỉ giải lao, trao đổi công việc giữa 2 bộ phận boong và máy. Đến 12h sẽ ăn trưa, nghỉ trưa. 13h trở lại làm việc đến 15h nghỉ giải lao 30 phút rồi làm việc đến 17h. Ca tối thì thay nhau ra trực, nếu có báo động thì bấm chuông", anh Cương kể.
Đương nhiên, có hôm nhiều việc hay gặp sự cố thì các thủy thủ sẽ cùng nhau trao đổi và phải xử lý cho đến bao giờ công việc ổn định mới ngừng.
Công việc đòi hỏi sức khỏe, trình độ, lòng dũng cảm, sự hy sinh… nên tại Hải Phòng, có rất nhiều người dừng theo đuổi nghề thủy thủ để tìm những công việc mới hoặc xin sang các hãng tàu nước ngoài với chế độ đãi ngộ cao hơn.
Khát nhân lực chất lượng cao
Theo chia sẻ của cán bộ một công ty chuyên cung ứng thuyền viên, mức lương thuyền viên mới ra trường trung bình 10-15 triệu đồng/tháng, xấp xỉ công nhân tại các khu công nghiệp. Vì vậy, nhiều người ra trường chọn công việc trên bờ.
"Điều đó gây khó khăn cho việc tìm kiếm thuyền viên để cung ứng cho các hãng tàu. Những thuyền viên có trình độ kỹ thuật và chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt thường chọn các hãng tàu lớn, mỗi lần đi biển với thời gian 8 tháng sẽ mang về cho họ một khoản thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng", cán bộ trên cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận